Các nhà đổi mới của Trường Đại học Purdue đang nghiên cứu những phát minh sử dụng công nghệ vi chip trong các thiết bị cấy ghép và các sản phẩm có thể đeo khác như đồng hồ thông minh để cải thiện các thiết bị y sinh, bao gồm cả những thiết bị được sử dụng để theo dõi những người bị bệnh tăng nhãn áp và bệnh tim.
Nhóm nghiên cứu Purdue đã phát triển một chip cảm biến tần số vô tuyến có thể cấy ghép hoàn chỉnh cho các nút cảm biến không dây và các thiết bị y sinh. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí IEEE Transactions on Circuits and Systems II. Chip cảm biến này tiêu thụ năng lượng thấp nhất trên mỗi bit được công bố cho đến nay.
Máy cảm biến hoạt động theo kiểu tương tự như công nghệ truyền thông trong điện thoại di động và đồng hồ thông minh, nhưng máy cảm biến của nhóm Purdue có mức độ thu nhỏ chưa từng có và mức tiêu thụ năng lượng thấp có thể được cấy vào mắt để theo dõi áp lực cho bệnh nhân tăng nhãn áp hoặc một phần của cơ thể ở bệnh nhân để đo dữ liệu liên quan đến các chức năng của tim.
Hansraj Bhamra, một nhà khoa học nghiên cứu và phát triển, người đã tạo ra công nghệ này khi còn là nghiên cứu sinh tại Purdue cho biết: “Máy cảm biến là một phần không thể thiếu của các loại thiết bị này. Nó tạo điều kiện giao tiếp không dây giữa nút cảm biến hoặc thiết bị y sinh và ứng dụng điện thoại thông minh. Người dùng chỉ cần vận hành thiết bị thông qua ứng dụng điện thoại thông minh một cách đơn giản và nhận dữ liệu sinh lý sinh học trong thời gian thực. Máy cảm biến trong trường hợp này cho phép theo dõi nhãn áp 24 giờ cho các bệnh nhân tăng nhãn áp”.
Chip cảm biến của Purdue hoạt động cùng với các nút cảm biến theo một quy trình tương tự như cách hoạt động các cảm biến trên ô tô thông minh và các thiết bị Internet of Things khác kết nối thông qua các thành phần giao tiếp khác nhau để thực hiện được các nhiệm vụ chẳng hạn như lái xe tự động.
Pedro Irazoqui, Giáo sư kỹ thuật y sinh Reilly, giáo sư kỹ thuật điện và máy tính tại Purdue cho biết thêm rằng: “Ngoài công suất thấp, máy cảm biến của chúng tôi hoạt động bằng nguồn điện không dây để thay thế pin thông thường. Pin là điều không mong muốn vì chúng làm tăng kích thước và trọng lượng của thiết bị và gây khó chịu cho bệnh nhân. Ngoài ra, pin được làm bằng vật liệu độc hại và cần phải sạc lại hoặc phải thay thế thường xuyên”.
P.T.T (NASATI), theo https://techxplore.com/news/2020-08-implantable-transmitter-
wireless-option-biomedical.html