Máy Rotimatic có khả năng làm bánh mì lát tự động, giúp giảm bớt gánh nặng việc nhà cho các bà nội trợ.

Bánh roti được xem như là món ăn phổ biến của người Ấn Độ, giống như bánh mì của Việt Nam nhưng có hình tròn và mỏng dẹt. Bánh sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày ở Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Sri Lanka, Maldives, Bangladesh hay các gia đình gốc Ấn trên khắp thế giới.

Bánh roti, món ăn truyền thống của người Ấn trên toàn cầu 

Bánh roti, món ăn truyền thống của người Ấn trên toàn cầu.

11 năm trước, mỗi sáng thường ngày, Pranoti Nagarkar phải đánh vật trong gian bếp để chuẩn bị bữa sáng theo kiểu Ấn. Trong đó, món ăn chính, bánh roti đã ngốn mất của cô đến 45 phút. Một bữa ăn nấu tươm tất tại nhà tốn quá nhiều công sức với cặp đôi vợ chồng mới cưới gốc Ấn ở Singapore, vì họ còn phải tất bật với chuỗi công việc khác nữa để khởi đầu ngày làm việc mới.

Đây không phải là khó khăn riêng của Pranoti mà có lẽ nhiều bà nội trợ Ấn khác trên toàn cầu cũng gặp phải. Hàng ngày họ phải mất hàng giờ đồng hồ để trộn, nhào, ép phẳng và cuối cùng là nướng roti, chưa kể món bánh vẫn sẽ không hoàn hảo nếu chế biến thiếu chính xác và tay nghề thành thạo.

“Cái khó ló cái khôn”, với nền tảng kỹ sư cơ khí, Pranoti Nagarkar cùng chồng cùng nghiên cứu giải pháp công nghệ cho bài toán này và tạo ra Rotimatic – “robot” làm bánh mì lát.

Cơ chế hoạt động của robot làm bánh

Rotimatic sử dụng công nghệ AI và IoT để tự tìm hiểu và học cách đo lường nguyên liệu thô đầu vào là dầu, bột và nước, tự thực hiện các thao tác trộn, nhào, làm phẳng, nướng để cho ra lò một chiếc bánh roti. Robot có thể hoàn tất quy trình trong vòng một phút, tùy chỉnh khẩu vị với các lựa chọn về lượng dầu và mức độ nướng.

“Chúng tôi muốn đưa robot thay thế công việc bếp núc của những bà nội trợ, khiến việc chuẩn bị bữa ăn trở nên đơn giản, tiết kiệm thời gian. Hầu như mọi nền văn hóa đều có phiên bản bánh mì dẹt riêng như rotis, tortillas hay pitas. Do đó Rotimatic hoàn toàn có thể phát triển trên thị trường toàn cầu”, Israni tự tin chia sẻ.

Trong vòng một tuần kể từ khi ra mắt, video giới thiệu sản phẩm Rotimatic đã lan truyền trên YouTube, thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem và chuyển đổi ra doanh số bán 5 triệu USD. Hiện Rotimatic bán trên thị trường với giá 1.000 USD một máy.

Robot làm bánh tự động Rotimatic

Robot làm bánh tự động Rotimatic, khiến việc chuẩn bị bữa ăn không quá rắc rối, tiết kiệm thời gian cho cuộc sống hiện đại.

Đam mê khởi nghiệp 

Pranoti Nagarkar tốt nghiệp kỹ sư cơ khí của NUS, thành lập công ty Zimplistic và nhận được 8 bằng sáng chế, trong đó có dự án máy hút bụi robot. Với những phát minh của mình, cô đã đưa Zimplistic đạt hạng nhất một chương trình về khởi nghiệp tại Singapore năm 2009. Năm 2011, chồng cô, Rishi lsrani gia nhập công ty với tư cách là CEO. Trước đây, anh là sáng lập và CTO của một start-up khác mang tên TenCube.

Năm 2017, Zimplistic công bố doanh thu 20 triệu USD trong năm đầu tiên bán hàng. Với sự hỗ trợ của NUS Enterprise, công ty huy động thành công 3 triệu USD trong vòng Series A từ một số nhà đầu tư tư nhân, tiếp theo là 11,5 triệu USD vòng Series B từ NSI Ventures và quỹ đầu tư mạo hiểm Robert Bosch. Năm 2018, công ty huy động 30 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn series C do EDBI và Credence Partners, nâng tổng số tiền tài trợ lên 48,5 triệu USD.

Rishi nhìn nhận thành công của vòng gọi vốn series C tạo nền tảng cho công ty sẵn sàng bước vào cuộc chơi lớn với những cơ hội thú vị phía trước. Zimplistic đang xem xét việc mở rộng thị trường và sản xuất những loại bánh khác như tortillas, bánh mì cuộn wrap, bánh không chứa gluten…

Đến tháng 5/2018, công ty bán 40.000 Rotimatic thu về 40 triệu USD. Dự kiến trong năm 2019, doanh số sẽ đạt 50.000 máy tại 20 quốc gia, doanh thu tăng lên 50 triệu USD.

Pranoti Nagarkar và chồng cô Rishi lsrani bên cạnh phát minh của mình - robot làm bánh rotimatic

Pranoti Nagarkar và Rishi lsrani bên cạnh máy làm bánh Rotimatic.

Trong tương lai gần, Pranoti và chồng dự định đưa Rotimatic về quê nhà.

“Chúng tôi mong muốn giới thiệu Rotimatic vào thị trường Ấn Độ, tiến gần hơn đến những người tiêu dùng bánh mì lát thực thụ, chiếm khoảng 25% dân số thế giới”, cô nói.

Hoài Châu