Các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Liên bang về Khoa học và Công nghệ Vật liệu Thụy Sĩ (Empa) đang phát triển một mô hình gelatine mô phỏng các đặc tính của da người với việc bắt chước cách da hấp thụ nước. Bằng cách kiểm soát hàm lượng ẩm trong gelatine, nhóm nghiên cứu dự định sử dụng nó như một sự thay thế trong các thử nghiệm lâm sàng của con người để kiểm tra cách da tương tác với vải, ví dụ như tấm băng phẫu thuật.

Da là thứ rất hữu ích. Nó không chỉ bao bọc và giữ những phần bên trong cơ thể, nó là một vật liệu năng động thay đổi đặc tính của nó dựa trên môi trường ngay lập tức. Một yếu tố quan trọng là độ ẩm mà da hấp thụ để tạo ra những nếp nhăn cho thấy bạn đã ngâm nước quá lâu. Độ ẩm cũng làm cho da mềm và mịn hơn, dẫn đến ma sát tốt hơn. Độ ẩm thích hợp giúp tay nắm giữ dụng cụ và cũng là lý do mà khi đủ ấm, chân trần bám trên boong tàu hơn so với đi giày.

Tuy nhiên, độ ẩm trong da quá cao có thể gây ra quá nhiều ma sát, gây ra rộp, phát ban và thậm chí là vết loét như khi bạn đi bộ quá lâu trong giầy và tất ướt.

Hiểu được những thay đổi của da với sự thay đổi độ ẩm và cách thức tương tác với vải là rất quan trọng đối với mọi thứ từ việc thiết kế những đôi giày quân đội phù hợp cho đến chế tạo ra băng vết thương không gây tổn hại cho da xung quanh.

Theo Empa, phương pháp thử nghiệm tương tác da/vải là yêu cầu các tình nguyện viên chà xát vải trên da của họ và đánh giá kết quả, nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng việc này mất nhiều thời gian, tốn kém và gây nguy hiểm cho người bệnh. Vấn đề phức tạp hơn vì cách da, vải, và nước tương tác rất phức tạp, do đó, đổ mồ hôi trong khi đi bộ khác với chạy trong mưa bão.

Để tạo ra một chất liệu dễ kiểm soát hơn và giảm bớt đối tượng người thử nghiệm, nhà nghiên cứu Agnieszka Dabrowska của Empa đã đưa ra mô hình mô phỏng chính xác da người bằng gelatine với chất nền vải. Giống như da bình thường, phiên bản gelatine hấp thụ độ ẩm và làm thay đổi tính chất của nó theo cách tương tự, vì vậy nó có tương tác thực tế với vải và các chất liệu khác.

Mô hình được tạo ra bằng gelatine thông thường, hòa tan trong nước, nhúng vào sợi bông và được xử lý bằng các hóa chất làm cho các polyme protein tạo thành các liên kết chéo giữ các phân tử lại với nhau và ngăn không cho chúng hòa tan. Kết quả là một chất hấp thụ nước và phồng lên, mịn và mềm giống da.

Dabrowska ban đầu định sử dụng keratin làm nền cho mô hình da mới, nhưng gelatine rẻ hơn nhiều, nó chỉ tốn một vài franc Thụy Sĩ. Empa cho biết mô hình mới không phải để thay thế cho tất cả các thử nghiệm trên người, nhưng nó làm giảm số lượng đối tượng thử nghiệm và giúp các nhà khoa học loại bỏ được nhiều loại vải từ sớm.

Dabrowska cho biết mô hình hiện nay phụ thuộc vào nguồn nước bên ngoài, nhưng nhóm đang nghiên cứu để loại bỏ vấn đề này cũng như tạo ra các lỗ chân lông cho phép da nhân tạo đổ mồ hôi như thật.

N.K.L (NASATI), Theo http://newatlas.com/gelatine-human-skin/49164/, 22/4/2017