Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Phòng thí nghiệm Khoa học Sức khoẻ Môi trường Frank R. Lautenberg và Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị Tự kỷ Seaver thuộc Bệnh viện Mount Sinai ở New York (Hoa Kỳ) sau khi tiến hành phân tích các mẫu răng của trẻ đã phát hiện ra mối liên quan giữa việc tiếp xúc và hấp thu các loại độc tố cũng như các yếu tố dinh dưỡng cần thiết trong tam cá nguyệt thứ hai, thứ ba của thai kỳ và giai đoạn sau sinh với nguy cơ phát triển chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) ở trẻ. Báo cáo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Các nhà nghiên cứu cho biết những biểu hiện phát triển quan trọng đối với sự khác biệt đặc trưng theo từng yếu tố cụ thể, điều này cho thấy vai trò thiết yếu của sự mất cân bằng mang tính hệ thống của các loại hóa chất gây ô nhiễm môi trường cũng như các yếu tố về chế độ ăn đối với nguy cơ mắc ASD. Ngoài các yếu tố môi trường cụ thể, nghiên cứu cũng xác định những thời điểm chứng rối loạn phát triển cơ bản dẫn đến nguy cơ cao mắc chứng tự kỷ ở trẻ sau sinh.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, tại Hoa Kỳ, cứ 68 trẻ em mới sinh thì có một trẻ bị mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra chứng tự kỷ nhưng trong nhiều nghiên cứu được thực hiện trước đó, hầu hết các chuyên gia đều khẳng định rằng yếu tố môi trường và di truyền là các nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn phổ tự kỷ. Trong khi vai trò của yếu tố di truyền đã được nghiên cứu kỹ lưỡng thì mức độ ảnh hưởng của các yếu tố môi trường cụ thể cũng như các thời điểm trẻ có nguy cơ cao mắc chứng tự kỷ vẫn chưa được giải đáp thấu đáo. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng vấn đề phơi nhiễm với các loại hóa chất độc hại và các yếu tố dinh dưỡng ở trẻ ngay từ giai đoạn bào thai và giai đoạn sau sinh là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong quá trình phát triển thể chất và hành vi ở trẻ nhỏ, bao gồm khuyết tật về trí tuệ, vấn đề ngôn ngữ, chú ý và hành vi.

PGS. TS. Manish Arora – Giám đốc Phụ trách Khoa Sinh học Tiếp xúc tại Phòng thí nghiệm Khoa học Sức khoẻ Môi trường Frank R. Lautenberg đồng thời là Phó Chủ tịch Khoa Y học Môi trường và Y tế Công cộng tại Trường Y Dược Icahn thuộc Bệnh viện Mount Sinai cho biết: “Chúng tôi phát hiện thấy sự khác biệt đáng kể của việc hấp thu các yếu tố kim loại giữa nhóm trẻ em mắc ASD với các anh/chị em khỏe mạnh của chúng, nhưng chỉ là trong những giai đoạn phát triển riêng rẽ. Cụ thể, thông qua việc phân tích các mẫu răng của các nhóm trẻ, chúng tôi nhận thấy: trẻ em mắc ASD hấp thu lượng lớn chì, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh trung ương, trong khi đó, việc hấp thu các nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự hình thành và phát triển của thai nhi như mangan và kẽm trong giai đoạn cuối của thai kỳ và vài tháng đầu sau sinh là rất hạn chế. Ngoài ra, sự phát triển về trí tuệ trong giai đoạn 3 tháng sau sinh được coi là yếu tố để dựa vào đó có thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng của ASD xảy ra đối với trẻ trong giai đoạn từ 8 đến 10 năm sau sinh”.

Để xác định ảnh hưởng của các yếu tố thời gian, số lượng và sự hấp thụ các độc tố và chất dinh dưỡng đối với nguy cơ mắc ASD ở trẻ, nhóm nghiên cứu Mount Sinai đã sử dụng các dấu ấn sinh học qua đã được kiểm tra kỹ càng để phân tích các mẫu răng của hai cặp song sinh: một cặp có đặc điểm giống hệt nhau và cặp còn lại thì không, trong đó, có ít nhất một cặp song sinh được chẩn đoán mắc ASD. Bên cạnh đó, họcũng tiến hành phân tích răng của cặp sinh đôi phát triển bình thường với vai trò nhóm kiểm soát trong nghiên cứu. Trong quá trình phát triển của trẻ ở giai đoạn bào thai và giai đoạn đầu đời, mỗi lớp răng mới được hình thành mỗi tuần hoặc thời gian lâu hơn sẽ để lại một “dấu ấn” riêng của mỗi thành phần hóa học có cấu trúc vi mô nhất định, ghi nhận bằng chứng của quá trình phơi nhiễm với các loại hóa chất theo trật tự thời gian. Tương tự hình thức xác định lịch sử tăng trưởng thông qua phân tích các vòng tăng trưởng trên cây trồng, nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Lautenberg đã sử dụng tia laser nhằm mục đích tái tạo quá trình phơi nhiễm trong giai đoạn bào thai và giai đoạn đầu đời cùng với các dấu hiệu phát triển ở trẻ.

  1. TS. Abraham Reichenberg – chuyên ngành Tâm thần học, Khoa Y học Môi trường và Y tế Công cộng tại Trường Y tế Icahn thuộc Bệnh viện Mount Sinai cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự tồn tại của mối tương tác tiềm ẩn giữa yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Qua đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các chuyên gia trong lĩnh vực di truyền học và môi trường học để tiến tới nghiên cứu kỹ hơn về mối liên quan giữa việc tiếp xúc và hấp thu các yếu tố kim loại và nguy cơ mắc ASD, từ đó tìm ra nguyên nhân gốc rễ của chứng bệnh này cũng như hỗ trợ phát triển các biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả”.

Nhóm nghiên cứu cho biết trong tương lai sẽ tiến hành các nghiên cứu bổ sung nhằm xác định nguyên nhân của sự khác biệt về số lượng các yếu tố kim loại và chất dinh dưỡng cụ thể bắt nguồn từ sự khác biệt về mức độ phơi nhiễm của thai nhi hoặc trẻ sơ sinh với các yếu tố đó hay bắt nguồn từ sự khác biệt về yếu tố di truyền trong cách thức hấp thu, phát triển và phá vỡ những yếu tố kim loại và chất dinh dưỡng ở trẻ.

P.K.L (NASATI), Theo https://medicalxpress.com/news/2017-06-exposure-specific-toxins-nutrients-late.html#jCp, 1/6/2017