Đan Sâm dược thảo quý
(Báo Khoa học và phát triển) Không chỉ tạo ra các sản phẩm có giá trị từ tam thất, đan sâm, ô đầu, ý dĩ – những cây thuốc với nhiều tác dụng quý ở vùng Tây Bắc, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải, Khoa Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) và nhóm nghiên cứu đã góp phần gây dựng một mô hình phát triển dược liệu có khả năng tạo ra sinh kế mới cho người dân từ chính các cây bản địa này.
Với những đặc điểm về nông hóa và thổ nhưỡng, Tây Bắc có nhiều cơ hội để phát triển các cây thuốc đặc hữu, vừa có giá trị về kinh tế, vừa bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Nhưng cho đến nay, việc sử dụng những cây dược liệu này vẫn chỉ đơn thuần dựa trên kinh nghiệm, chưa phát huy được những đặc tính quý của nó. Do vậy, PGS. TS. Nguyễn Thanh Hải đã đề xuất với Ban chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc “Nghiên cứu phát triển (theo hướng GACP) và bào chế một số chế phẩm từ dược liệu ô đầu, ý dĩ, tam thất, đan sâm ở vùng Tây Bắc”; với mục tiêu thúc đẩy việc trồng trọt các cây đan sâm, tam thất, ô đầu, ý dĩ; xây dựng cơ sở khoa học của các cây dược liệu này; phối hợp với các đơn vị sản xuất dược phẩm để thay thế nguồn nguyên liệu ngoại nhập và góp phần cải thiện cuộc sống của người dân nơi đây.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Khoa Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nguồn: baochinhphu
Lập quy trình trồng từ những kiến thức cơ bản
Đây không phải là chuyện dễ dàng. Trước đây, đan sâm, tam thất, ô đầu, ý dĩ và nhiều cây thuốc khác đã từng được trồng ở Tây Bắc nhưng dần bị mai một vì người dân không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó, mỗi năm nước ta cần khoảng 50 000 – 60 000 tấn dược liệu nhưng nguồn cung trong nước mới chỉ đáp ứng được 1/4, còn lại vẫn phải nhập khẩu. Hậu quả là không chỉ lãng phí tiềm năng dược liệu sẵn có mà còn tác động ngược trở lại, “nông dân trồng dược liệu không bán được nên lại quay về làm nương trồng ngô và các cây lương thực,… lâu ngày việc trồng các cây dược liệu này cũng bị mai một dần đi”.
Để giải quyết vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Thanh Hải đã đề xuất áp dụng quy trình GACP. Nhưng để có được quy trình cụ thể về trồng trọt, thu hái và chế biến bốn loại dược liệu này, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải và nhóm nghiên cứu phải phân tích đặc điểm hình thái của từng loại cây, điều kiện tự nhiên và thực trạng trồng từng loại cây ở các địa phương khác nhau thuộc vùng Tây Bắc. Qua đó, anh đã rút ra được một kết luận là nhiều nơi trên địa bàn Tây Bắc thích hợp phát triển các cây dược liệu này, trong đó phải kể đến một số địa danh như: cây ô đầu phù hợp nhất trồng tại huyện Quản Bạ (Hà Giang); cây ý dĩ phù hợp trồng tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái); cây đan sâm phù hợp trồng tại huyện Bắc Hà (Lào Cai); cây tam thất phù hợp trồng tại huyện Si Ma Cai (Lào Cai).
Đa dạng hóa sản phẩm bằng công nghệ hiện đại
Song song với quá trình khảo sát và chuẩn bị quy trình GACP trong trồng trọt, thu hái và bảo quản, anh đã thực hiện một cách kỹ lưỡng nhiều phân tích thành phần dược chất của đan sâm, tam thất, ô đầu và ý dĩ trong phòng thí nghiệm. Anh cho biết, cả bốn loại cây này đều được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc dân gian với những tác dụng khác nhau như hoạt huyết (đan sâm, tam thất), trị đau nhức xương khớp (ô đầu) và bổ tỳ (ý dĩ). “Tuy nhiên, đây chỉ là kinh nghiệm trong dân gian, để phát triển việc sử dụng thuốc ổn định và hiệu quả, phải đánh giá các hoạt tính sinh học cụ thể và chứng minh trên các mô hình thực nghiệm. Nếu chỉ dựa trên kinh nghiệm thì rất dễ bị nhầm lẫn”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải nói. Anh dẫn trường hợp của tam thất, nổi tiếng với tác dụng hoạt huyết, làm tan các cục máu đông: nếu suy luận theo kinh nghiệm thì tam thất sẽ làm tăng khả năng chảy máu, điều này làm hạn chế trong quá trình sử dụng. “Trên thực tế, tam thất cũng là loại thuốc cầm máu rất tốt, trước đây trong chiến tranh, các băng cầm máu cho thương binh thường tẩm thêm tam thất”, anh cho biết. Do vậy, việc nghiên cứu để “chuẩn hóa” liều lượng, tác dụng của các hoạt chất sinh học trong các cây dược liệu là điều hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, không vì thế mà anh và cộng sự lại không tận dụng ưu thế kinh nghiệm và kiến thức của những người đi trước. Nhất là tập trung “khoa học hóa” những phương thuốc dân gian. Điều đó, giúp PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải có định hướng nghiên cứu đúng đắn và tiết kiệm thời gian. Chẳng hạn, hiện nay, các nghiên cứu về loài ô đầu trồng ở Việt Nam chưa có bất cứ nghiên cứu nào về tác dụng tăng cường miễn dịch của polysaccharid từ cây ô đầu. Vì vậy, đề tài đã tập trung chiết xuất, phân lập các chất thuộc nhóm chất chính là: alcaloid, polysaccharid”, PGS. TS. Nguyễn Thanh Hải cho biết. Tương tự như vậy, anh và nhóm nghiên cứu đã lựa chọn nghiên cứu thành phần sterol, acid amin… từ cây ý dĩ, saponin từ tam thất và ceton, polysaccharid và một số chất khác từ đan sâm. Những kinh nghiệm dân gian còn gợi mở cho PGS.TS. Nguyễn
Thanh Hải để tạo ra nhiều sản phẩm từ những nhóm hợp chất được tách chiết từ 4 loại cây này. Bên cạnh việc phơi khô và sắc uống, từ lâu các loại cây này còn được dùng làm thực phẩm (gà hầm tam thất, cháo ấu tẩu từ ô đầu,…) cho tới mỹ phẩm (bột trắng da ý dĩ),… với nhiều phương thức sử dụng khác nhau. “Nếu tạo ra nhiều sản phẩm từ các hợp chất tách chiết từ các loại cây này, chẳng hạn như nước uống tam thất, bột gia vị, cháo ăn liền,… thì sẽ góp phần kích thích nhu cầu của người tiêu dùng”, PGS. Hải nhận định. Sau khi tách chiết được các các hợp chất từ 4 cây trên, anh đã quyết định lựa chọn chuyển giao cho công ty dược Quảng Bình để chế tạo viên hoàn giọt từ đan sâm và tam thất, cao xoa bóp từ ô đầu và cốm bổ tỳ cho trẻ em từ ý dĩ. Việc hợp tác với một công ty ở xa như Quảng Bình có thể dẫn đến gia tăng chi phí vận chuyển nhưng PGS.TS. Hải vẫn quyết định lựa chọn vì qua những lần hợp tác từ trước, anh đánh giá cao năng lực và kinh nghiệm của họ. “Mình đã xây dựng quy trình để có nguồn nguyên liệu tốt rồi, bây giờ phải làm thế nào để tìm được doanh nghiệp có khả năng tạo ra sản phẩm tốt, như vậy mới đem lại kinh tế cho người dân trồng cây thuốc”, anh Hải bày tỏ.
Sản phẩm hứa hẹn nhưng việc thuyết phục doanh nghiệp không phải dễ. PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải kể lại: viên hoàn giọt Botimax của anh có với tác dụng cải thiện tuần hoàn máu – rất nhiều sản phẩm khác trên thị trường cũng có tác dụng tương tự. Tuy nhiên, sản phẩm của anh có một đặc tính “độc nhất vô nhị” – tan trong miệng và hấp thụ trực tiếp các dược chất thông qua mao mạch dưới lưỡi. “Đặc tính này đặc biệt phù hợp với những người bị bệnh tim, chẳng hạn khi cần gấp có thể đưa thuốc vào miệng là có tác dụng ngay, không cần phải uống hoặc hấp thụ qua vòng tuần hoàn”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải cho biết. Tuy nhiên, việc chưa có nơi nào làm vừa là lợi thế nhưng cũng vừa là khó khăn. PGS. Hải và nhóm nghiên cứu phải tự tìm cách chế tạo mô hình sản xuất thử viên hoàn giọt trước khi chuyển giao cho doanh nghiệp. “May mắn là tôi có quen biết một nhóm kỹ sư rất giỏi và nhiệt tình nên quá trình chế tạo và chuyển giao cũng hết sức thuận lợi”, anh cho biết. Bên cạnh viên hoàn giọt, các sản phẩm cao ô đầu, cốm ý dĩ đang được thương mại hóa trên thị trường. Trước phản hồi tích cực của người tiêu dùng, PGS.TS. Hải cho biết anh có ý định mở rộng nghiên cứu và tạo ra nhiều sản phẩm mới từ những hoạt chất khác trong các cây dược liệu này.
Thành công trong việc xây dựng mô hình phát triển dược liệu cho 4 cây: đan sâm, tam thất, ô đầu, ý dĩ – từ quy trình nuôi trồng cho đến việc kết nối với doanh nghiệp đã gợi ý cho PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải về mô hình kết nối giữa doanh nghiệp với người nông dân trồng dược liệu ở vùng Tây Bắc. “Về lâu dài, nên lựa chọn các trạm y tế và trung tâm khuyến nông địa phương làm đơn vị trung gian để hỗ trợ người dân trong quá trình trồng cây thuốc, bởi nhân viên ở trạm y tế làm và nắm bắt được nhanh chóng các quy trình về nuôi trồng thu hái dược liệu, cũng là đơn vị gần gũi và có vai trò quan trọng với người dân”.