(Khoa học và phát triển) Năm 2018, có lẽ là năm có nhiều giải thưởng về khởi nghiệp nhất từ xưa tới giờ. Các cuộc thi cấp trường, cấp địa phương, các giải thưởng của các tập đoàn, tổ chức khác nhau cho tới giải thưởng quốc gia, giải thưởng dành cho nông thôn, giải thưởng cho người dân tộc thiểu số, giải thưởng dành cho phụ nữ khởi nghiệp và cả giải thưởng cho người khuyết tật… Có lẽ, số lượng cuộc thi diễn ra trên cả nước nhiều hơn số ngày đã trôi qua trong năm. Truyền thông đăng tải, mạng xã hội tràn ngập lời chúc mừng, ai nấy hân hoan.
Còn cả những cuộc thi khởi nghiệp quốc tế, cuộc thi khởi nghiệp dành cho người Việt khắp nơi trên thế giới nữa. Tất cả tạo ra một không khí rộn ràng. Các thành phố chọn cho mình tên gọi thành phố khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp. Báo chí quốc tế gọi Việt Nam là hệ sinh thái khởi nghiệp đáng quan tâm nhất trong thời gian sắp đến.
Một điểm nhấn đáng chú ý, là việc các tập đoàn “nhà giàu” cũng bắt đầu tham gia vào câu chuyện khởi nghiệp. Lần đầu tiên, người ta gạch bỏ khái niệm “sân chơi của giới trẻ” ra khỏi thông tin về khởi nghiệp, bởi đã là chuyện làm ăn, thì cần chuyên nghiệp, dài hạn và… lạnh lùng với tiền, số tăng trưởng, với số liệu. Những nhân sự cao cấp được mời về với mức lương cao đến chóng mặt, những thương vụ đầu tư tiền triệu đô la Mỹ được đề cập đến.
Vẫn thiếu những mắt xích thực sự
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM: Nền tảng của khởi nghiệp là sự kết hợp giữa khối nghiên cứu khoa học công nghệ trong các viện, trường và khối công nghiệp thương mại của thị trường. Nó giống như chuyện mấy mươi năm trước, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thế giới được xây dựng tại San Francisco với “cha đẻ” thực sự là một ông giáo sư đại học của trường Stanford.
Frederick Terman được coi là cha đẻ của Thung lũng Silicon. Cuốn Bài giảng về kỹ thuật vô tuyến của Terman – giáo sư về điện tử ở Đại học Stanford – đã cuốn hút rất nhiều sinh viên tài năng, trong số đó có David Packard và Bill Hewlett. Năm 1938, với sự khuyến khích của Terman, Packard và Hewlett đã phát triển thành công một loại mạch dao động mới. Một năm sau đó, với số vốn ban đầu 538 USD, hai người này đã thành lập nên công ty startup công nghệ cao đầu tiên. Hiện nay, HP (Hewlett-Packard) được biết đến như một công ty máy tính lừng danh thế giới.
Nhờ hệ thống trường đại học, các công trình nghiên cứu, các tài năng thực sự trong lĩnh vực khoa học công nghệ, mà Silicon Valley mới kéo được các tập đoàn lớn đến mở văn phòng nghiên cứu phát triển. Và những nhà đầu tư tài chính cảm thấy “món công nghệ cao” quả là hấp dẫn, cũng lần lượt tụ về. Ngoài ra, cần có hợp đồng, có luật sư, có sở hữu trí tuệ, có sàn giao dịch, có nhiều thứ phụ trợ… Mối quan hệ hữu cơ đa chiều của các thành tố này, từ đó mà tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp. Có lẽ vì thế, mà nghiên cứu mới nhất của Đại học Harvard chỉ ra, độ tuổi “chắc ăn” nhất để khởi nghiệp là 45 tuổi, chứ không phải những gương mặt quá trẻ như ở Việt Nam. Vì sao, vì như lý giải của tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn đầu tư và phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings), từ bài học của Israel: “Những người khởi nghiệp ở quốc gia khởi nghiệp đa phần đều đã có kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu, thực hành tại các trung tâm công nghệ lớn mà Israel kéo về xứ của họ. Sau một thời gian, họ đủ hiểu ngành, đủ hiểu thị trường, và sở hữu những lợi thế cạnh tranh là các công trình nghiên cứu khoa học thì mới tách ra khởi nghiệp…”.
Vậy chừng nào thì các nhà khoa học thực sự tham gia vào cộng đồng khởi nghiệp? Chừng nào đứng sau một startup mới là một nền tảng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng mà công việc của startup đóng vai trò trung tâm là thương mại hóa các nghiên cứu này? Chừng nào thì các trường, các viện thôi đóng vai trò “hậu phương của khởi nghiệp” như cách nói của PGS TS Nguyễn Anh Thi – Giám đốc Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM?
Startup là một mảnh ghép của khoa học công nghệ
Năm 2018, chúng ta chứng kiến cảnh rất nhiều thành phần mới được tham gia vào câu chuyện khởi nghiệp. Một cô giáo vùng cao dạy vẽ sáp ong trên vải chàm để giữ nghề cổ truyền. Một cô cử nhân sinh học ở Đồng Tháp làm tinh dầu từ hoa sen. Một anh kỹ sư công nghệ thông tin khôi phục làng nghề phở sắn của vùng quê miền Trung nghèo… Chuyện rất hay, rất vui. Nhưng cái lõi của khởi nghiệp, phải là những câu chuyện đột phá, là cạnh tranh và giành thị trường bằng những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation hub nói: “20 năm làm trong lãnh vực khoa học công nghệ, từ một người nghiên cứu, xong chuyển sang giảng dạy, lại ngồi hội đồng khoa học và tham gia công tác quản trị công nghệ của nhà nước, tôi hiểu rằng khởi nghiệp là một mảnh ghép còn thiếu của bức tranh khoa học công nghệ”.
Mảnh ghép này, theo ông Tước, là cách mà các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể đưa những nghiên cứu, sáng kiến, chế tạo từ phòng lab ra thị trường, bằng một công thức của thị trường, lắng nghe tiếng nói và nhu cầu của thị trường. Sản phẩm nghiên cứu còn là sản phẩm thô, các startup chính là đội ngũ sẽ “tinh hóa” những hàng hóa này và tiếp thị nó trên thị trường, không chỉ trong nước và quốc tế.
Công thức “tinh chế” này, là tìm ra những công thức, những chương trình hành động để kết nối từng cặp đối tượng khoa học công nghệ, khởi nghiệp và thị trường với nhau. Lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng, là thứ lợi thế người khác không thể sao chép được, chính là sở hữu trí tuệ, làm chủ công nghệ và đi trước với thị trường. Có như vậy, câu chuyện startup mới thực sự có những đóng góp thực chất cho nền kinh tế, mới thoát khỏi câu chuyện “cuộc chơi” hay “phong trào”.
Một năm khép lại, buồn vui lẫn lộn. Anh Phạm Đức Nam Trung, thủ lĩnh khởi nghiệp vùng biển nói: “Chúng ta vẫn mới trong giai đoạn kích hoạt hệ sinh thái khởi nghiệp, làm trên diện rộng để tạo tác động đến cộng đồng và nhận được sự quan tâm của xã hội. Phía trước, là một con đường vẫn còn dài, nên cứ xông về phía trước thôi…”