Máy rửa hồng xiêm do anh Trần Huỳnh Long ở Tiền Giang sáng chế có thể thay thế lao động thủ công để làm đẹp trái cây này trước khi bán.
Chiếc máy nặng 200 kg, với cấu tạo gồm các thiết bị chính như: mô tơ kéo bằng điện, đầu bơm nước, 4 trục cước, bánh xe, các trục vít… Máy hoạt động vừa tiết kiệm điện, nước, di chuyển dễ dàng nhờ có bánh xe và không làm trầy xước trái hồng xiêm.
Anh Long cho biết, những chiếc máy đầu tay bị trục trặc không nhỏ, vợ chồng anh phải suy nghĩ, mất nhiều thời gian nghiên cứu mới hoàn thiện được chiếc máy như hiện nay. Anh Long chia sẻ, do đặc thù vùng quê anh làm vườn chỉ có trái hồng xiêm, nên anh mày mò chế ra máy rửa trái hồng xiêm để tiết kiệm công sức, thời gian của bà con nông dân.
Là một công nhân cơ khí có hơn 5 năm trong nghề, trình độ học vấn chỉ mới học hết lớp 9, nhưng sáng chế thành công máy rửa trái hồng xiêm là sự nỗ lực rất lớn của anh Long. Tại thời điểm này, anh bán ra thị trường mỗi máy giá 30 triệu đồng. Hiện máy rửa hồng xiêm đã có mặt tại nhiều khu vực trồng cây hồng xiêm chuyên canh của huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang như: Vĩnh Kim, Kim Sơn, Phú Phong.
Đặc thù của trái hồng xiêm sau khi thu hoạch, phần vỏ có nhiều phấn phải rửa sạch sẽ. Do đó, chiếc mày này rất hữu dụng, có thể thay thế cho 5-7 lao động thủ công.
Ông Nguyễn Văn Ta, chủ cơ sở kinh doanh trái hồng xiêm ở ấp Phú Quới, xã Phú Phong, huyện Châu Thành cho biết, sử dụng máy này rất tiện lợi cho việc rửa hồng xiêm, tiết kiệm tiền bạc, nhân công, rút thời gian. Trước đây, cơ sở này thuê lao động rửa hồng xiêm, mỗi ngày tốn tới 3 triệu đồng, nhưng từ khi dùng loại máy này, chi phí đã giảm từ 1-1,5 triệu đồng.
Anh Long cho biết đã nộp hồ sơ và được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và công nghệ chấp thuận để cấp nhãn hiệu độc quyền máy rửa trái hồng xiêm. Anh Long dự định thời gian tới sẽ làm hồ sơ dự hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh; tiếp tục nghiên cứu, cải tiến chiếc máy nhỏ gọn, để giảm giá thành, đồng thời sáng chế ra một số loại máy làm vệ sinh cho các loại trái cây khác.