Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học RMIT đã tạo ra một loại enzyme nhân tạo mới có tên là NanoZymes, sử dụng ánh sáng để tiêu diệt vi khuẩn. Enzyme nhân tạo trong tương lai sẽ được sử dụng để chống nhiễm trùng và giữ vệ sinh cho các không gian công cộng có nguy cơ cao như môi trường bệnh viện để tránh các vi khuẩn như E.colo và Golden Staph.

E.coli gây bệnh lỵ và viêm dạ dày ruột, trong khi vi khuẩn Golden Staph là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng thứ phát do môi trường bệnh viện và nhiễm trùng vết thương mãn tính. NanoZymes được cấu thành từ các thanh nano nhỏ hơn 1.000 lần sợi tóc và sử dụng ánh sáng nhìn thấy để tạo ra loại oxy có tốc độ phản ứng cao nhanh chóng phân tách và diệt khuẩn.

Giáo sư Vipul Bansal, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng NanoZymes, enzyme nhân tạo mới có khả năng vượt trội hơn so với khả năng diệt khuẩn tự nhiên. Theo GS. Bansal, “Nhiều năm qua, chúng tôi đã cố gắng phát triển loại enzyme nhân tạo có thể diệt khuẩn, trong khi mở ra các cơ hội để kiểm soát nhiễm trùng vi khuẩn bằng cách sử dụng yếu tố kích thích bên ngoài. Cuối cùng, chúng tôi đã làm được điều đó”.

NanoZymes là enzyme nhân tạo kết hợp ánh sáng với độ ẩm để kích hoạt phản sinh hóa tạo ra các gốc OH và tiêu diệt vi khuẩn. Hoạt động kháng khuẩn tự nhiên không phản ứng với các yếu tố kích thích bên ngoài như ánh sáng. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi chiếu ánh sáng trắng, hoạt động của NanoZymes tăng hơn 20 lần, tạo thành nhiều lỗ trong các tế bào vi khuẩn và tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả.

NanoZymes hoạt động trong dung dịch mô phỏng dịch trong vết thương. Dung dịch này có thể được phun lên bề mặt. Ngoài ra, NanoZymes được sản xuất từ bột để trộn với sơn, gốm và các sản phẩm tiêu dùng khác. Có nghĩa là tường và bề mặt trong bệnh viện sẽ không còn vi khuẩn. Nhà vệ sinh công cộng nơi có mật độ vi khuẩn cao và đặc biệt là E.coli, cũng là địa điểm lý tưởng cho NanoZymes. Các nhà nghiên cứu tin rằng công nghệ mới thậm chí có tiềm năng chế tạo bồn cầu tự làm sạch.

Dù NanoZymes hiện sử dụng ánh sáng nhìn thấy từ đèn pin hoặc các nguồn sáng tương tự, nhưng trong tương lai có thể được kích hoạt bởi ánh nắng mặt trời. Nhóm nghiên cứu đã chứng minh NanoZymes hoạt động trong môi trường phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá hiệu quả lâu dài của NanoZymes đối với các sản phẩm tiêu dùng.
Mới đây, nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí ACS Applied Nano Materials.

N.P.D (NASATI), theo https://phys.org/news/2018-04-nanozymes-bacteria.html#jCp