Thành tích giảm nghèo ở Việt Nam trong những năm qua đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và đã được chọn là một trong 8 nước đầu tiên thử nghiệm triển khai sáng kiến “Không còn nạn đói” của Liên Hợp Quốc.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo trong thời gian tới ở Việt Nam sẽ gặp những thách thức mới do đụng đến vùng lõi nghèo, nhất là các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta giảm nhanh nhưng lại không đồng đều ở các vùng, miền. Khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn là nơi có tỷ lệ nghèo cao nhất. Vì vậy, cùng với việc thực hiện các chính sách giảm nghèo trên diện rộng, cần có chính sách đặc thù, ưu tiên cho các xã ĐBKK.

Trước thực trạng trên, nghiên cứu bài học kinh nghiệm thoát nghèo của một số xã ĐBKK, từ đó góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững là hết sức cấp thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao trong bối cảnh Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 lồng ghép với những chương trình mục tiêu quốc gia khác có liên quan để hợp thành một trong hai Chương trình mục tiêu quốc gia (bên cạnh Chương trình nông thôn mới), kéo theo những thay đổi căn bản trong tổ chức triển khai. Nghiên cứu cũng sẽ giúp thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về xóa đói giảm nghèo, phát huy điểm sáng của Việt Nam về thành tựu giảm nghèo trên thế giới.

Trong nước đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề nghèo, đói và các cơ chế, chính sách xóa đói, giảm nghèo, song đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu một cách sâu sắc và bài bản về kinh nghiệm thoát nghèo ở các xã ĐBKK làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các xã ĐBKK thoát nghèo bền vững. Do vậy, việc triển khai nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu bài học kinh nghiệm thoát nghèo của một số xã đặc biệt khó khăn” do Cơ quan chủ trì là Uỷ ban dân tộc cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Anh Phong mang tính cấp thiết, có ý nghĩa lớn về lý luận và thực tiễn công tác giảm nghèo ở các xã ĐBKK trong bối cảnh nước ta hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng.

Thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Có được những thành tích như vậy là do mục tiêu giảm nghèo và thoát nghèo bền vững là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đã được triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Mặc dù hiện nay tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm nhanh nhưng không đồng đều. Ở các địa bàn ĐBKK, vùng đồng bào DTTS vẫn là nơi có tỷ lệ nghèo cao nhất. Vì vậy, nhiệm vụ giảm nghèo ở các xã ĐBKK cần được tiếp tục ưu tiên trong giai đoạn tới bằng các chính sách đặc thù.

Đề tài “Nghiên cứu kinh nghiệm thoát nghèo của một số xã đặc biệt khó khăn” được triển khai thực hiện với mục tiêu tổng thể là: đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm thoát nghèo bền vững ở các xã đặc biệt khó khăn trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết các bài học kinh nghiệm thoát nghèo ở một số xã ĐBKK. Qua nghiên cứu, đề tài đã đạt được các kết quả như sau:

Về cơ sở lý luận và thực tiễn: Đề tài đã góp phần hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về giảm nghèo và thoát nghèo ở các xã ĐBKK: i) Về cơ sở lý luận: Làm rõ các khái niệm liên quan đến nghèo đói, giảm nghèo, chính sách giảm nghèo; các nguyên nhân gây nghèo; Các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công về giảm nghèo và thoát nghèo ở các xã ĐBKK; ii) Về cơ sở thực tiễn: Đề tài đã chỉ ra 3 cách tiếp cận về giảm nghèo gồm tiếp cận giảm nghèo dựa vào tăng trưởng nông nghiệp, tiếp cận giảm nghèo, tiếp cận giảm nghèo dựa vào tạo việc làm ở khu vực phi chính thức; tiếp cận giảm nghèo thông qua hỗ trợ phát triển các mô hình thị trường phù hợp cho người nghèo; Trình bày tổng quan các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về giảm nghèo; Nghiên cứu kinh nghiệm giảm nghèo ở một số quốc gia trên thế gới, qua đó rút ra các bài học kinh nghiệm có thể áp dụng vào các xã ĐBKK ở Việt Nam.

Về bài học kinh nghiệm thoát nghèo tại các địa bàn khảo sát: Đề tài đã tổng kết các bài học kinh nghiệm thoát nghèo thành công tại các địa bàn khảo sát theo 4 nhóm:

Kinh nghiệm thoát nghèo có thể áp dụng tại tất cả các xã ĐBKK trên phạm vi cả nước gồm 5 bài học: 1) Cần có sự vào cuộc một cách quyết liệt và năng động, sáng tạo của Đảng bộ, Chính quyền và hệ thống chính trị địa phương trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo; 2) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người nghèo để họ từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo với tinh thần tự lực cánh sinh kết hợp với sự trợ giúp của Nhà nước; 3) Xác định đúng các nguyên nhân gây nghèo đối với từng đối tượng hộ nghèo để xây dựng các giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng hộ nghèo là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách giảm nghèo; 4) Tăng cường hỗ trợ đầu tư tập trung cho xây dựng CSHT sẽ đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo ở các xã ĐBKK trong ngắn hạn và đảm bảo cho sự thoát nghèo bền vững trong dài hạn; 5) Đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy nghề nâng cao trình độ kỹ thuật SXNN có ý nghĩa rất quan trọng nhằm trợ giúp người nghèo phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Kinh nghiệm thoát nghèo có thể áp dụng tại tất cả các xã ĐBKK ở vùng Miền núi phía Bắc gồm 3 bài học: 1) Đẩy mạnh tiến trình chuyển dịch cơ cấu SXNN theo hướng phát huy các lợi thế của địa phương để thúc đẩy phát triển SXNN hàng hóa, kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế địa phương với việc hỗ trợ phát triển sinh kế hiệu quả cho người nghèo; 2) Đặc biệt chú trọng đến công tác tập huấn, chuyển giao KHCN trong nông nghiệp cho các lao động của các hộ nghèo là đồng bào DTTS ở các xã ĐBKK; 3) Các tổ chức đoàn thể cần vào cuộc một cách chủ động và tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ các hộ nghèo là đồng bào DTTS phát triển sinh kế để giảm nghèo.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15360/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)