Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà có tên đầy đủ là Khu bảo tồn thiên nhiên Bán đảo Sơn Trà, là một trong hai khu bảo tồn nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của thành phố Đà Nẵng. Nằm ven biển của thành phố, khu bảo tồn có giá trị cảnh quan vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị xanh cho thành phố trong sự phát triển kinh tế trong hiện tại và tương lai. Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, các nhà khoa học trên thế giới đã mô hình hóa phân bố đa dạng sinh học cho từng khu vực nhất định giúp quy hoạch bảo tồn, phát triển hiệu quả. Các nghiên cứu trong việc sử dụng công nghệ thông tin để xây dựng mô hình nhằm quy hoạch, bảo tồn đã được thực hiện nhiều trên thế giới. Hoạt động quy hoạch bảo vệ môi trường để phát triển là tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế. Do đó, những công cụ quy hoạch mới nếu được áp dụng với nguồn dữ liệu đầy đủ và tin cậy sẽ là cơ sở bảo đảm cho một đề xuất quy hoạch mang tính khả thi và bền vững.
Vì thế, TS. Hoàng Minh Đức cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Sinh thái học miền Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng” từ năm 2015 đến năm 2019.
Đề tài nhằm mục tiêu đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học các hệ sinh thái và xác định được các giải pháp khoa học và công nghệ mang tính khả thi cao để phục hồi các hệ sinh thái: san hô, cỏ biển và lựa chọn bảo tồn một số đối tượng trên cạn.
Một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:
Đặc trưng về Đa dạng sinh học trên cạn
Kết quả giải đoán ảnh vệ tinh cho thấy có 7 kiểu lớp phủ bề mặt tại bán đảo Sơn Trà bao gồm Khu dân cư, Rừng trồng, Rừng lá rộng thường xanh nghèo, Rừng lá rộng thường xanh trung bình, Đất nông nghiệp, Đất trống/trảng cỏ bị bìm bìm che phủ, và Đất trống/trảng cỏ (khác), trong đó hai kiểu thảm phủ Rừng lá rộng thường xanh nghèo và trung bình chiếm ưu thế.
Đặc trưng về Đa dạng sinh học biển Sơn Trà
Rạn san hô ở vùng nước ven bờ bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng chủ yếu là các rạn riềm, bãi hẹp và dốc. Tổng diện tích phân bố rạn san hô ở toàn khu vực nghiên cứu là 46,9 ha. Các thảm cỏ biển phân bố rất thưa thớt, rãi rác kiểu da báo ở Bãi Nồm (Bãi Rạn) và Bãi Bụt với tổng diện tích khoảng 1 ha. Diện tích thảm cỏ biển ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà đã bị suy giảm nghiêm trọng. So sánh với kết quả khảo sát năm 2005 cho thấy có đến 90% diện tích đã bị biến mất trong vòng 10 năm. Mật độ, sinh lượng và độ phủ của thảm cỏ biển cũng bị suy giảm nghiêm trọng.
Đã xác định được 177 loài san hô thuộc 17 họ và 52 giống ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà. Độ phủ trung bình của san hô sống tại các điểm khảo sát đạt khoảng 23% tổng hợp phần nền đáy (dao động từ 0,6 – 50%), trong đó san hô cứng chiếm khoảng 20% và san hô mềm chiếm khoảng 3%.
Đã ghi nhận được 130 loài cá trong rạn san hô. Thành phần loài cá ở trong rạn san hô phía Nam cao hơn so với rạn phía Bắc bán đảo Sơn Trà. Mật độ trung bình cá rạn san hô đạt 947,9 ± 257,3 con/400 m2.
Đã xác định được 43 taxa động vật đáy kích thước lớn sống trong rạn san hô. Trong đó chân khớp có 1 loài, da gai 8 loài và thân mềm có số loài nhiều nhất là 34 loài. Mật độ động vật đáy kích thước lớn rất thấp, trung bình là 9,78 cá thể/100m2.
Cơ sở dữ liệu Đa dạng sinh học
Đối với sinh vật rừng, tổng số ghi nhận được nhập vào cơ sở dữ liệu là 4.919 ghi nhận của 1.826 loài trong đó thực vật rừng có tổng cộng 2.628 ghi nhận của 1.404 loài (63 loài nấm và 1.341 loài thực vật) và động vật rừng và cá nước ngọt có 2.291 ghi nhận của 422 loài.
Mô hình phục hồi hệ sinh thái
Đã xây dựng được mô hình phục hồi trạn san hô tại 2 địa điểm Bãi Bụt và Bãi Nồm, thuộc vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà (Tp. Đà Nẵng) với tổng diện tích 2.000 m2 (mỗi địa điểm 1.000 m2). Năm loài san hô cứng Acropora muricata, A. microphthalma, A. digitifera, A. hyacinthus và Echinopora lamellosa được chọn di trồng phục hồi. Trong đó loài san hô Acropora muricata được trồng chủ yếu.
Đề tài này sẽ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và xây dựng các mô hình thực nghiệm phục hồi các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước đang bị suy thoái một cách hiệu quả trong KBTTN Sơn Trà thông qua việc triển khai các hoạt động nghiên cứu: (1) đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học trên cạn và dưới nước đi kèm với cung cấp cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học cho Khu bảo tồn; và (2) nghiên cứu các giải pháp nhằm phục hồi hệ sinh thái. Nằm trong khuôn khổ của dự án.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17340/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Nguồn: vista.gov.vn