Từ vụ lúa Hè Thu 2010, bọ phấn trắng đã gây hại nghiêm trọng tại nhiều vùng trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Long An, An Giang, Tây Ninh với diện tích là 15.462 ha. Tác hại do bọ phấn trắng gây ra là chúng chích hút trên lá, làm cho lá lúa bị vàng úa và gây ra hiện tượng lép hạt. Cây lúa bị bọ phấn trắng gây hại có hiện tượng cổ lá lúa bị co rút “xiết” chặt làm cho bông lúa không trổ thoát ra được hoặc trổ ra được nhưng bị quấn sát vào nhau, cũng làm cho hạt bị lép.

Kết quả bước đầu đã xác định loài bọ phấn trắng (BPT) có tên khoa học là Aleurocybotus sp., thuộc họ Aleyrodidae. Trên thế giới, bọ phấn trắng A. indicus là loài dịch hại quan trọng trên lúa lần đầu tiên được tìm thấy ở Senegal năm 1977, là dịch hại chính ở Senegal và Niger và có thể làm thất thu năng suất đến 80%. Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu về đặc điểm sinh học và sinh thái của bọ phấn trắng Aleurocybotus indicus David and Subramaniam. Tuy nhiên, có vài ghi nhận trên một số loài khác như loài A. dispersus Russell có tỷ lệ tử vong gia tăng đáng kể ở nhiệt độ từ 40 – 45 độ C đối với giai đoạn ấu trùng và ở giữa 35 – 40 độ C đối với thành trùng; loài B. tabaci xuất hiện và phát triển trong phạm vi nhiệt độ từ 10 – 32 độ C và nhiệt độ tối ưu cho chúng phát triển là 27 độ C; loài Trialeurodes vaporariorum hại cà chua thì điều kiện tối ưu cho sự phát triển của chúng là 20 đến 25 độ C, ngừng phát triển ở nhiệt độ dưới 8 độ C và ngừng đẻ trứng ở nhiệt độ dưới 7 độ C. Nhiệt độ trên 30 độ C không thích hợp cho BPT Trialeurodes vaporariorum phát triển và ngừng hoạt động ở nhiệt độ trên 35 độ C. Đối với nguồn thức ăn thì ngoài cây lúa là ký chủ chính thì bọ phấn trắng A. indicus cũng được tìm thấy trên hai loài cỏ là cỏ lục lông Chloris barbata Sw. và cỏ chân gà Dactyloctenium aegyptium L. Willdenow ở Ấn Độ. Bọ phấn trắng bị rất nhiều loài thiên địch tấn công gồm các loài ong ký sinh, vi sinh vật gây bệnh và các loài bắt mồi ăn thịt. Trong đó thiên địch chính của bọ phấn trắng là các loài ong

 

Encarsia, Eretmocerus thuộc họ Aphelinidae và các loài bọ rùa ăn thịt. Bọ phấn trắng

  1. indicus thường bị ký sinh bởi số đại diện của các chi Encarsia như E. japonica, E. sophia và E. transvena Timberlake. Hiện nay, chưa tìm thấy tài liệu về các biện pháp phòng trừ bọ phấn trắng Aleurocybotus indicus David and Subramaniam ở Việt Nam và trên thế giới.

Xác  định đây là loài  dịch hại  mới xuất hiện và gây hại trên cây lúa tại Việt Nam    nên TS. Nguyễn Thị Lộc, Viện Lúa ĐBSCL và các đồng nghiệp đã đề xuất đề tài: “Nghiên cứu bọ phấn trắng (rầy phấn trắng) hại lúa ở đồng bằng sông Cửu Long và biện pháp quản lý tổng hợp” nhằm tìm ra các biện pháp quản lý tổng hợp bọ phấn trắng hại lúa có hiệu quả và an toàn tại đồng bằng sông Cửu Long.

Đề tài sau một thời gian thực hiện đã đạt được những kết quả nổi bật như sau:

  1. Bọ phấn trắng hại lúa tại ĐBSCL có tên khoa học là Aleurocybotus indicus David & Subramaniam, thuộc bộ cánh nửa (Hemiptera), họ Aleyrodidae và có kiểu biến thái không hoàn toàn. Vòng đời của bọ phấn trắng trung bình 21,93 ngày, gồm 3 giai đoạn: thành trùng, trứng và ấu trùng, trong đó, ấu trùng có 4 tuổi và ấu trùng tuổi 4 được gọi là nhộng giả. Thành trùng bọ phấn trắng có hai cặp cánh màu trắng, khi đậu xếp cánh giống hình mái nhà, kích thước trung bình dài 0,98 mm đối với con cái và 0,83 mm đối với con đực. Mỗi thành trùng cái có thể đẻ trung bình 96,9 trứng, cao nhất có thể lên đến 240 trứng. Tỷ lệ hoàn thành phát triển từ trứng đến trưởng thành đạt tỷ lệ 70,1. Đặc biệt, chúng có khả năng sinh sản đơn tính và cho ra thế hệ sau 100 thành trùng đực.
  2. Trong 4 mức nhiệt độ khảo sát thì bọ phấn trắng sinh trưởng và phát triển tốt nhất khi nuôi ở nhiệt độ 30oC. Cỏ Lục lông Chloris barbata Sw. là ký chủ phụ của bọ phấn trắng. Bước đầu xác định được bọ rùa 8 chấm Harmonia octomaculata Fabricus, bọ rùa đỏ Micraspis discolors Fabricus là thiên địch bắt mồi của thành trùng bọ phấn trắng và ong Encarsia transvena Timberlake là thiên địch ký sinh bọ phấn trắng. Hầu hết các loại thuốc hóa học sử dụng phòng trừ côn trùng hại lúa đều có ảnh hưởng xấu đến ong ký sinh bọ phấn trắng.
  3. Ấu trùng bọ phấn trắng chỉ chích hút nhựa lá làm cho lá bị vàng, trong khi thành trùng bọ phấn trắng có thể làm xoăn một phần lá hay làm cho lá lúa bị co rút và xoắn chặt. Tuy nhiên, chưa phát hiện vi rút trong những cây có triệu chứng xoắn lá. Thí nghiệm lây nhiễm thành trùng bọ phấn trắng trên lúa OM4900 và nếp IR4625 với mật số 30 – 40 con/dảnh ở 30NSS ảnh hưởng tới năng suất lúa và có thể làm giảm năng suất đến 23 – 31% khi lây nhiễm với mật số 60 con/dảnh.
  4. Bọ phấn trắng xuất hiện và gây hại chủ yếu ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, gia tăng mật số ở giai đoạn làm đòng hoặc trổ. Chúng phát triển và gia tăng mật số trên giống lúa thơm Jasmine 85 cũng như các giống lúa được lai tạo từ giống lúa thơm Jasmine 85 và giống lúa trồng phổ biến IR50404. Sạ hàng với lượng giống 100-120 kg/ha và sạ lan120 kg/ha có mật số bọ phấn trắng thấp hơn và có năng suất cao hơn so với các nghiệm thức sạ lan với lượng giống 150-250 kg/ha. Lúa cấy có mật số bọ phấn trắng thấp hơn so với lúa sạ. Biện pháp quản lý nước, rơm rạ và cỏ dại trên đồng ruộng chưa thấy ảnh hưởng tới biến động mật số bọ phấn trắng hại lúa.
  5. Thuốc sinh học M.a(1,2×109 bt/g), B.b(1,5×109 bt/g) hoặc phối trộn của hai loại thuốc này có hiệu lực trừ bọ phấn trắng trung bình từ 60,0 đến 66,8% ở 10NSP. Thuốc

 

hóa sinh Abamectin 1.8 (Silsau 1.8EC) có hiệu lực trừ bọ phấn trắng khá cao (khoảng 65,1 – 68,0% ở 10NSP); thuốc hóa học Pymetrozine 500g/kg (Chess 50WG) 132 có hiệu lực cao trong việc phòng trừ bọ phấn trắng hại lúa (đạt 70,5 đến 72,6% ở 10NSP).

  1. Sử dụng giống lúa ít nhiễm bọ phấn trắng như OM4218 và nếp IR4625, trồng hoa quanh bờ ruộng, sạ hàng với lượng giống 100-120 kg/ha, bón phân cân đối, sử dụng thuốc sinh học và hóa học chọn lọc đã quản lý tốt bọ phấn trắng hại lúa. Ruộng mô hình áp dụng quy trình quản lý tổng hợp bọ phấn trắng hại lúa tại Long An và An Giang gia tăng và bảo tồn thiên địch của sâu hại lúa; mô hình có mật số bọ phấn trắng thấp hơn so với đối chứng của nông dân.

Đề tài đã đề xuất được quy trình quản lý tổng hợp BPT hại lúa, khi áp dụng quy trình này thì ruộng MH tại Long An tăng thu nhập so với ruộng ĐC của nông dân trung bình là 3.050.000 đồng/ha (tương ứng 11,0%) ở vụ Đông Xuân 2014-2015 và 2.101.999 đồng (tương ứng 18,8%) trong vụ Hè Thu 2015; tại An Giang cũng tăng thu nhập so với ĐC 3.634.134 đồng/ha (tương ứng 18,0%) trong vụ Đông Xuân 2014-2015 và

2.203.467 đồng/ha (tương ứng 17,5%) ở vụ Hè Thu 2015.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15114/2016) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

P.K.L (NASATI)