Đất hiếm là nhóm các nguyên tố có nhiều ứng dụng quan trọng trong khoa học và kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật cao. Đối với các quốc gia trên thế giới thì nguồn tài nguyên đất hiếm được thiên nhiên ban tặng có giá trị rất lớn. Do vai trò quan trọng của các nguyên tố này nên nhu cầu sử dụng chúng ngày càng cao.

Ở Việt Nam, công nghệ tách các nguyên tố đất hiếm đã được nghiên cứu trong một thời gian dài. Tuy nhiên, việc làm chủ dây chuyền công nghệ tách, thu hồi các nguyên tố đất hiếm từ quặng đất hiếm ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, việc nghiên cứu phát triển công nghệ tách thu hồi đất hiếm ở nước ta là rất quan trọng, là một trong những mục tiêu phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay. Trên cơ sở đó, trong khoảng thời gian từ tháng 01/2014 đến tháng 12/2015, TS. Trịnh Đức Công cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Hóa học đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng một số polyme trên cơ sở poly (hydroxamic axit) (PHA) để tách các nguyên tố đất hiếm dạng oxit nhóm nhẹ.

Đề tài đã đạt được những kết quả nổi bật như sau: Xây dựng quy trình công nghệ tổng hợp một số dẫn xuất PHA và ứng dụng để tách La, Ce, Pr và Nd trong tinh quặng đất hiếm Việt Nam. Cụ thể như sau:

– Xây dựng quy trình công nghệ và dây chuyền quy mô pilot chế tạo polyme trên cơ sở PHA quy mô 50kg/ngày.

– Xây dựng quy trình công nghệ tách La, Ce, Pr và Nd dạng oxit từ tinh quặng đất hiếm Việt Nam đảm bảo yêu cầu về môi trường, độ tinh khiết của oxit đất hiếm ≥95%.

– Sản xuất 300kg polyme với các chỉ tiêu kỹ thuật đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng của sản phẩm. Tách và tinh chế được 1kg oxit đất hiếm cho mỗi loại có độ tinh khiết ≥95%.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã đăng ký 1 giải pháp hữu ích về Quy trình chế tạo poly (hydroxamic axit) để tách hỗn hợp đất hiếm nhóm nhẹ.

Việc nghiên cứu chế tạo thành công vật liệu polyme trên cơ sở poly (hydroxamic axit) để tách các nguyên tố đất hiếm có ý nghĩa rất lớn đối với ngành công nghiệp tinh chế đất hiếm, đóng góp một phương pháp tách, phân chia đất hiếm hiệu quả. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể tách hiệu quả các kim loại và các nguyên tố phóng xạ góp phần bảo vệ môi trường.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12117/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

N.P.D (NASATI)