Trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, không những giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới. Thành tựu này phải nói đến sự đóng góp to lớn từ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay và trong tương lai, sản xuất lúa ở ĐBSCL đang và sẽ đứng trước các thử thách mới, trong đó nổi lên là ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và yêu cầu nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả của ngành lúa gạo nước ta. Một trong các nguyên nhân của giá trị gạo thấp là do thiếu các giống lúa có chất lượng cao, đặc biệt là lúa thơm và chưa xây dựng được thương hiệu gạo Việt.

Từ các thử thách nêu trên, nhóm nghiên cứu do TS. Trần Vũ Hải và Trần Thị Cúc Hòa, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa thơm, chịu mặn, chất lượng cao cho vùng đồng bằng sông Cửu Long” với mục tiêu chọn tạo và phát triển được giống lúa thơm, chịu mặn, chất lượng cao (hàm lượng amylose ≤ 20%, hạt dài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ≥ 7mm), chống chịu khá với một số loại sâu bệnh hại chính nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo ở các vùng sinh thái nhiễm mặn, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.

Sau một thời gian triển khai thực hiện (từ tháng 03/2013 đến 12/2017), Đề tài đã tạo ra:

– 1 giống lúa (OM9921) được công nhận giống quốc gia tại Quyết định số 4686/QĐ-BNN-TT ngày 16/11/2017. Giống lúa OM9921 có thời gian sinh trưởng 100-110 ngày (lúa cấy), chống chịu rầy nâu trung bình (cấp 4 – 5), nhiễm đạo ôn (cấp 6 – 7) chống chịu trung bình bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá, khả năng chống chịu mặn tốt ở ngưỡng 4‰, phẩm chất gạo tốt với hàm lượng amylose (17 – 18%), gạo có dạng thon dài, gạo thơm đậm khi canh tác ở vùng ven biển, tỷ lệ gạo nguyên khá (45%) và mặt gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

– 02 giống lúa được công nhận sản xuất thử bao gồm: OM18 và OM232.

+ Giống OM18

Được công nhận giống sản xuất thử tại Quyết định số 61/QĐ-TTCLT ngày 03/04/2017 và đang chuẩn bị công nhận giống quốc gia, hồ sơ đã thông qua Hội đồng Cơ sở họp vào ngày 05/03/2018 tại Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Giống OM18 có thời gian sinh trưởng 100-105 ngày đối với lúa cấy. Đẻ nhánh khỏe, dạng hình đẹp, cứng cây. Nhiễm nhẹ rầy nâu, chống chịu đạo ôn tốt. Gạo có hàm lượng amylose khoảng 18-19%, cơm mềm dẽo, có mùi thơm, hạt gạo dài trên 7 mm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, khối lượng 1.000 hạt đạt 25-26 gr. Năng suất 7- 8 tấn/ha vụ Đông xuân và 5-6 tấn/ha vụ Hè Thu. Chịu mặn tốt (3-4‰).

+ Giống OM232

Được công nhận giống sản xuất thử tại Quyết định số 331/QĐTT-CLT ngày 18/09/2017 và đang chuẩn bị công nhận giống quốc gia, hồ sơ đã thông qua Hội đồng Cơ sở họp vào ngày 17/05/2018 tại Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Giống OM232 có thời gian sinh trưởng khoảng 102-107 ngày đối với lúa cấy, đẻ nhánh khỏe, dạng hình đẹp, cứng cây. Nhiễm nhẹ rầy nâu, chống chịu đạo ôn không ổn định (cấp 3- 6). Gạo có hàm lượng amylose khoảng 16-18%, cơm mềm dẽo, có mùi thơm, hạt gạo dài 6,8 – 6,9 mm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, khối lượng 1.000 hạt từ 26,00 – 27,00gr. Năng suất đạt 7 – 8 tấn/ha vụ Đông xuân và 5 – 6 tấn/ha vụ Hè Thu. Chịu mặn tốt (3 – 4 ‰).

+ 02 dòng lúa triển vọng OM240 và OM242. Trong đó dòng lúa triển vọng OM240 có thời gian sinh trưởng từ 100-105 ngày (lúa cấy), kháng đạo ôn tốt (cấp 3-4), kháng rầy nâu (cấp 3-4), hạt gạo thon dài, có mùi thơm, tiềm năng năng suất đạt 6-8 tấn/ha vụ Đông xuân và 4 – 6 tấn/ha vụ Hè Thu. Chịu mặn tốt (3 – 4 ‰). Dòng lúa triển vọng OM242 có thời gian sinh trưởng từ 105-110 ngày (lúa cấy), kháng đạo ôn tốt (cấp 3-4), kháng rầy nâu (cấp 3-4), hạt gạo thon dài, có mùi thơm, tiềm năng năng suất 6-8 tấn/ha vụ Đông xuân và 4 – 6 tấn/ha vụ Hè Thu. Chịu mặn tốt (3 – 4 ‰).

– Các dòng lúa triển vọng là sản phẩm đề tài đang được tiếp tục khảo nghiệm quốc gia gồm: OM36, OM256, OM231, OM384, OM230, OM238, OM241 và OM428. Từ kết quả khảo nghiệm, các dòng lúa triển vọng nổi bậc sẽ được công nhận trong thời gian tới.

– 19.975 dòng triển vọng được tạo chọn bằng phương pháp lai hữu tính và hồi giao (F2-F7). 7.730 dòng triển vọng được tạo chọn bằng phương pháp nuôi cấy túi phấn (thế hệ DH1-DH3), nuôi cấy mô tạo biến dị sô-ma (thế hệ SC1-SC3) và đột biến vật lý (thế hệ M1-M5).

So với yêu cầu đề ra, đề tài đã hoàn thành đầy đủ về số lượng, chủng loại, khối lượng công việc và chất lượng của các sản phẩm được giao. Một số sản phẩm của đề tài, như số giống khảo nghiệm, số giống được công nhận… đạt và vượt kế hoạch được giao. Đề tài có hiệu quả khoa học công nghệ và hiệu quả kinh tế – xã hội cao, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất lúa. Nhóm đề tài tiếp tục theo dõi các giống được công nhận sản xuất thử để tiến đến công nhận giống quốc gia, và theo dõi các giống đã và đang được khảo nghiệm quốc gia để tiến đến công nhận giống sản xuất thử. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các dòng triển vọng là sản phẩm của đề tài để đưa vào khảo nghiệm quốc gia trong thời gian tới và chọn lọc các dòng phân ly.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15572/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)