Đại dương hấp thụ nhiều hơn 1/4 lượng khí CO2 mà con người thải vào khí quyển. Lượng khí thải ngày một tăng lên cũng như nhiệt độ nước biển dần nóng lên và hiện tượng axit hóa đại dương đang giết chết các rạn san hô ngầm và rừng tảo bẹ và làm tổn hại hệ thống sinh thái biển. Đây là lời cảnh báo mà nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu hải dương Shimoda, trường Đại học Tsukuba (Nhật Bản), Đại học Plymouth (Anh) và Đại học Palermo (Ý) đưa ra trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports.

Theo đó, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng ba thế kỷ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp đã có tác động rõ rệt lên hệ sinh thái biển. Tuy nhiên, nếu lượng khí thải CO2 tiếp tục tăng như dự đoán thì những thập kỷ tiếp theo cùng với việc nồng độ pH trong nước biển hạ thấp sẽ có tác động lớn hơn và hậu quả có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Dự đoán của các chuyên gia dựa trên cơ sở một nghiên cứu toàn diện về tác động của lượng lớn khí CO2 phát ra từ những đợt phun trào núi lửa được phát hiện gần đây ngoài khơi đảo núi lửa nhỏ Shikine nằm trên biên giới của khí hậu ôn đới và nhiệt đới ở ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, cách thủ đô Tokyo 160 km về phía Nam.

Dòng chảy đại dương trong khu vực là những vùng nước có nồng độ CO2 trong lớp nước biển bề mặt thấp, tương tự như lượng CO2 đo được trong giai đoạn trước khi cuộc cách mạng công nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, lượng lớn CO2 từ các vụ phun trào núi lửa sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong tương lai ở cả khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

PGS. Sylvain Agostini, tại Trung tâm nghiên cứu hải dương Shimoda, trường Đại học Tsukuba, tác giả chính nghiên cứu cho biết: “Lượng CO2 này cung cấp một cửa sổ quan trọng trong tương lai. Năm ngoái, ở phía nam Nhật Bản có lượng lớn các loài san hô, nhiều người hy vọng rằng san hô sẽ có thể phát triển lan rộng về phía bắc. Tuy nhiên, nguy cơ san hô nhiệt đới phải đối mặt và tổn thương do hiện tượng axit hóa đại dương là vấn đề cực kỳ đáng lo ngại, nó kìm hãm khả năng phát triển rộng ra phía bắc cũng như bị ảnh hưởng do nhiệt độ đại dương ngày càng tăng cao của các rạn san hô“.
Các nhóm thợ lặn với thiết bị lặn SCUBA đã thực hiện các cuộc điều tra dọc theo khuynh độ CO2 dưới nước do ảnh hưởng từ các vụ phun trào núi lửa, trong đó, họ ghi lại hình ảnh về cách thức phản ứng của hệ động vật và hệ thực vật đối với hiện tượng axit hóa nước biển.

Họ phát hiện ra rằng một vài loài thực vật nhỏ bé như cỏ dại hay tảo bao phủ dưới đáy biển được hưởng lợi từ sự thay đổi của điều kiện môi trường, đe dọa sự phát triển của rạn san hô và hạn chế sự đa dạng sinh thái biển nói chung.

Những loài này và một số loài động vật biển nhỏ hơn đang phát triển mạnh bởi vì chúng có khả năng thích ứng với sự gia tăng CO2.

Jason Hall-Spencer, Giáo sư Sinh vật biển tại trường Đại học Plymouth, cho biết: “Địa điểm nghiên cứu của chúng tôi giống như một cỗ máy thời gian. Ở những vùng nước có hàm lượng CO2 ở giai đoạn tiền công nghiệp, bờ biển có một số lượng sinh vật đã được vôi hóa ấn tượng như san hô và hàu. Nhưng ở những khu vực có hàm lượng CO2 trong bề mặt nước biển trung bình ngày nay, chúng tôi tìm thấy ít san hô hơn và các sinh vật đã được vôi hóa khác, dẫn đến sự giảm sút độ đa dạng sinh học. Thực tế cho thấy hàm lượng CO2 trong khí thải phát ra từ những hoạt động hàng ngày của con người đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái biển trong vòng 300 năm qua. Nếu chúng ta không nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải, chắc chắn các hệ thống ven biển trên toàn thế giới sẽ có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng“.

Giáo sư Kazuo Inaba, cựu giám đốc của Trung tâm nghiên cứu biển Shimoda, chia sẻ thêm: “Ngư dân địa phương muốn tìm hiểu về ảnh hưởng của hiện tượng axit hóa đại dương đối với sinh kế của họ. Dòng chảy đại dương chảy qua Nhật Bản mang nước có nồng độ CO2 tự nhiên thấp và loài cá được hưởng lợi ích từ chính những điều kiện môi trường sống bị vôi hóa xung quanh các đảo. Nếu chúng ta có thể đáp ứng mục tiêu của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu nhằm hạn chế lượng khí thải, chúng ta có thể giảm thiểu mức thiệt hại đối với rừng tảo bẹ, rạn san hô và tất cả các hệ sinh thái biển“.

P.K.L (NASATI), theo https://phys.org/news/2018-07-ocean-acidification-major-impact-marine.html#jCp,