Sử dụng giống kháng là biện pháp chủ động, có hiệu quả phòng trừ rầy lưng trắng cao và không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng giống kháng, rầy lưng trắng hình thành các loại hình sinh học (biotype) mới, có độc tính cao hơn, có thể gây hại các giống kháng đó. Hiện nay, chưa có nghiên cứu cụ thể nào về tính độc, biotype và chiều hướng hình thành biotype rầy lưng trắng ở miền Trung.

Nghiên cứu đánh giá tính bền vững của các giống lúa kháng rầy ở miền Trung cũng chưa được chú trọng. Việc xác định tính độc, biotype rầy lưng trắng và xu hướng hình thành các biotype mới ở một vùng sản xuất lúa là cơ sở khoa học quan trọng cho việc sử dụng giống kháng rầy lưng trắng có hiệu quả. Những năm gần đây, một số tác giả đã thực hiện nghiên cứu điều tra thu thập các giống lúa địa phương, khảo nghiệm và tuyển chọn các giống lúa có năng suất cao, chấtn lượng tốt và ít nhiễm rầy lưng trắng ở một số tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, các đề tài chỉ tập trung nghiên cứu và đánh giá sự gây hại của rầy lưng trắng đối với các giống lúa thí nghiệm ở mức độ hình thái biểu hiện trên đồng ruộng chứ chưa đi sâu nghiên cứu về biotype của rầy lưng trắng. Vì vậy khó có thể kết luận chính xác, chắc chắn về các giống kháng rầy lưng trắng để khuyến cáo đưa vào sản xuất.

Nhằm xác định được khả năng kháng của tập đoàn giống lúa thu thập với các quần thể rầy lưng trắng ở một số tỉnh miền Trung (Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam) để chọn lọc giống kháng rầy cho các địa phương, xác định được biotype của các quần thể rầy lưng trắng ở một số tỉnh miền Trung (Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam) và đánh giá được tình hình sinh trưởng, phát triển, năng suất và mức độ nhiễm sâu bệnh hại của các giống lúa kháng rầy trên đồng ruộng, đánh giá được phẩm chất gạo của các giống kháng rầy được chọn lọc và xác định được giống lúa có khả năng kháng rầy cao, năng suất khá, chất lượng tốt cho địa bàn các tỉnh miền Trung, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Trần Đăng Hòa, Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế, đứng đầu đã kiến nghị và được chấp thuận thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn lọc các giống lúa kháng rầy lưng trắng (Sogatella furcifera Horvath) thích ứng với điều kiện các tỉnh miền Trung”. Công trình nghiên cứu này được thực hiện đầu tiên ở một số tỉnh miền Trung đã sử dụng các vật liệu và phương pháp nghiên cứu chuẩn của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và Nhật Bản để nghiên cứu có hệ thống về biotype và khả năng kháng rầy lưng trắng của các tập đoàn giống lúa ở trong nước và nhập nội. Trong quá trình tiến hành thí nghiệm, nhiều nguyên vật liệu nghiên cứu đã được cải tiến phù hợp với điều kiện thí nghiệm hiện có ở miền Trung. Vì vậy phương pháp và kết quả nghiên cứu này sẽ dễ dàng phổ biến và ứng dụng cho thực tiễn sản xuất.

Cụ thể các kết quả nghiên cứu đã đạt được như sau: 

– Thu tập được 38 giống lúa bao gồm 06 giống chuẩn kháng rầy lưng trắng (N22, ARC10239, ADR52, Podiwi- A8, N’Daing Marie, Maggar, 01 giống chuẩn nhiễm rầy (TN1), 32 giống lúa sản xuất ở miền Trung với HT1 là giống đối chứng;

– Thanh lọc tính kháng của 32 giống lúa thu thập được trong phòng thí nghiệm, chúng tôi chọn ra được 05 giống (KR1, OM4900, OM7347, HP10, HP19, XT27) biểu hiện mức độ kháng cao với cả 3 quần thể rầy lưng trắng ở Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

– Biotype của quần thể rầy lưng trắng ở Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam chủ yếu là biotype1 và biotype 2.

– Khảo nghiệm cơ bản các giống lúa được chọn lọc lọc (KR1, OM4900, OM7347, HP10, HP19, XT27) trên đồng ruộng ở Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đều cho thấy các giống lúa này có khả năng kháng rầy lưng trắng tốt hơn (điểm 0 – 3) so với giống đối chứng HT1 (điểm 3 -5) và cho năng suất cao hơn.

– Đánh giá chất lượng của các giống được chọn lọc cho thấy hầu hết các giống có phẩm chất gạo tốt, hạt gạo thon – thon dài, ít bị bạc bụng, hàm lượng amylose thấp < 20%, hàm lượng protein cao > 8%, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

– Khảo nghiệm sản xuất 02 giống lúa KR1, OM4900 trong vụ Hè thu 2014 ở các tỉnh miền Trung,cho thấy các giống lúa này là những giống lúa thích ứng tốt với điều kiện sinh thái ở địa phương,có khả năng kháng rầy tốt,cho năng suất cao.

Sản phẩm chính bao gồm:

– 01 Bảng đánh giá khả năng kháng rầy lưng trắng của các giống lúa;

– Giống lúa: 05 giống lúa có khả năng kháng rầy tốt, năng suất, chất lượng, thích ứng với điều kiện sinh thái ở miền Trung

– Đã cung cấp thông tin các giống lúa kháng rầy lưng trắng cho Công ty giống cây trồng, Trung tâm khuyến nông lâm ngư, Chi cục Bảo vệ thực vậtđể thực hiện nhân rộng mô hình ra địa bàn toàn tỉnh.

– Kết quả nghiên cứu của đề tài là tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu khác về giống kháng sâu hại nói chung và rầy lưng trắnghại lúa nói riêng. Đồng thời kết quả nghiên cứu có thể mở rộng và áp dụng cho các địa bàn có điều kiện sinh thái tương tự vùng nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần khảo nghiệm diện rộng hai giống lúa này ở nhiều vùng sinh thái khác nhau ở miền Trung và nên cơ cấu hai giống lúa này vào sản xuất đại trà tại Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13305/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)