Hội chứng tiêu chảy là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và gây ra thiêt hại kinh tế tương đối lớn trong nền chăn nuôi lợn. Lợn mắc bệnh tiêu chảy có tỷ lệ chết cao hoặc còi cọc nếu khỏi bệnh và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất chăn nuôi. Tổn thất chủ yếu trong chăn nuôi lợn nái sinh sản do tiêu chảy gây ra. Vi khuẩn E. coli (F18 và F4) được tìm thấy ở hầu hết các ca bệnh tiêu chảy ở lợn con sơ sinh, lợn con giai đoạn trước và sau cai sữa. Do đó, việc kiểm soát tiêu chảy do E. coli gây bằng việc nghiên cứu chọn tạo được dòng lợn mang gen kháng vi khuẩn E. coli là cần thiết trong công tác giống lợn hiện nay. Việc sử dụng chỉ thị phân tử để chọn tạo giống lợn không những chọn được những cá thể mang gen mong muốn kháng tiêu chảy mà còn rút ngắn được thời gian chọn lọc nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Đề tài “Nghiên cứu chọn tạo dòng lợn nái Landrace và Yorkshire kháng vi khuẩn gây tiêu chảy bằng chỉ thị phân tử” do nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Đỗ Đức Lực tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện từ năm 2017 đến năm 2019 nhằm mục đích chọn dòng lợn Landrace và Yorkshire kháng tiêu chảy bằng chỉ thị phân tử góp phần giảm tỷ lệ tiêu chảy ở lợn, cải thiện năng suất sinh sản.
Sau hai năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả nổi bật như sau:
– Đã kết nối được gần 200 nhà khoa học đến từ 10 trường đại học, 2 viện nghiên cứu và 3 doanh nghiệp. Đây chính là cơ sở đề tiến hành các hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Đồng thời tiểu dự án còn là cầu nối giữa cơ sở đào tạo, nghiên cứu với doanh nghiệp.
– Đã cải thiện cơ sở vật chất tại phòng thí nghiệm thông qua việc đầu từ trực tiếp thiết bị từ dự án nghiên cứu. Trong khuôn khổ đề tài, 01 máy PCR gradient đã được trang bị.
– Làm chủ được kỹ thuật biểu hiện gen trên lợn tại phòng thí nghiệm của Khoa Chăn nuôi – Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Các cán bộ của Học viện đã được đào tạo ngắn hạn tại Bỉ trong thời gian 2 tháng. Sau khi về nước, kỹ thuật này đã được tập huấn cho các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu của Học viện, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và sản xuất kinh doanh trong nước. Bên cạnh đó, phòng thí nghiệm đã hỗ trợ để nghiên cứu biểu hiện gen trên thực vật cho cán bộ Khoa Nông học. Kỹ thuật đánh giá biểu hiện gen trên lợn ở Việt Nam còn hạn chế và chưa có công bố liên quan. Việc làm chủ công nghệ góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và công bố trong lĩnh vực này.
– Tạo được dòng lợn Landrace và Yorkshire kháng tiêu chảy bằng kỹ thuật phân tử tại 2 cơ sở sản xuất giống tại miền Bắc Việt Nam.
Sản phẩm của đề tài nghiên cứu góp phần cải thiện năng suất sinh sản và giảm thiểu được lượng kháng sinh điều trị bệnh trong chăn nuôi.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17643/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)