Nghề sản xuất dâu tằm ở Việt Nam tuy có lịch sử phát triển rất lâu đời. Nhưng công tác nghiên cứu một cách có hệ thống trong lĩnh vực dâu tằm tơ nói chung và chọn tạo giống dâu mới nói riêng mới bắt đầu từ năm 1970. Ở thời kỳ này, các vùng trồng dâu tùy theo điều kiện khí hậu đất đai và phương thức nuôi tằm mà chọn và trồng các giống dâu địa phương phù hợp.
Thực tế các năm qua, ở Việt Nam đã có những thành quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực giống dâu, giống tằm và qui trình công nghệ. Tuy nhiên, để cho sản xuất dâu tằm tơ thực sự phát triển một cách bền vững thì chúng ta cần phải giải quyết nhiều vấn đề bất cập, trong đó có lĩnh vực khoa học kỹ thuật, mà trước tiên là giống dâu và giống tằm cùng với công nghệ nhân giống đi kèm.
Với mục đích góp phần thiết thực vào việc nâng cao năng suất, phẩm chất tơ kén, tăng hiệu qủa kinh tế trên đơn vị diện tích dâu, từng bước tự chủ trong khâu cung ứng giống tằm cho sản xuất, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Thị Đảm và ThS. Lê Quang Tú, Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng làm chủ đề tài đã kiến nghị và được chấp thuận thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống dâu, tằm thích hợp cho các vùng sản xuất trọng điểm”.
Qua 5 năm nghiên cứu (từ 2011-2015) trên một số tỉnh trọng điểm sản xuất dâu tằm đã chọn tạo được 03 giống dâu và 04 giống tằm tốt có thể mở rộng trong sản xuất, bao gồm:
– Giống dâu lai GQ2 trồng bằng hạt thích hợp cho các tỉnh miền Bắc, miền Trung, giống sinh trưởng khỏe, dễ trồng, tỷ lệ sống cao đạt trên 95%, chiều cao cây trung bình đạt 2,5m, cành nhiều, lá to, dày màu xanh đậm, lá tươi lâu. Năng suất lá ổn định đạt 38,84 tấn/ha, cho nhiều lá vào vụ xuân thuận lợi cho nuôi tằm năng suất, chất lượng kén cao. Chất lượng lá tốt, thích hợp cho cả tằm con và tằm lớn. Khả năng chống chịu với bệnh bạc thau, rỉ sắt, vi khuẩn ở mức trung bình khá. Giống chịu cắt cành. Giống đã được công nhận cho sản xuất thử theo quyết định số 381/QĐ-TT-CNN ngày 23 tháng 8 năm 2013 của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và PTNT.
– Giống dâu TBL-03: Nhân giống vô tính, thích hợp cho vùng Tây Nguyên. Giống dâu TBL-03 có tán thấp gọn, thân màu xanh sáng, cành nhiều, phân cành muộn, lóng dài trung bình, ngọn non mềm thường rủ xuống và có màu xanh lơ. Giống dâu TBL-03 có sức sinh trưởng mạnh, tổng chiều dài thân cành lớn. Lá to, khối lượng trung bình lá lớn, tốc độ ra lá cao. Năng suất đạt 26,35 tấn/ha. Có tính chống chịu với sâu bệnh hại, đặc biệt là rầy gỗ hại ngọn. Khả năng ra rễ của hom rất tốt, thích hợp cho công tác nhân giống vô tính. Giống dâu TBL-03 được công nhận cho sản xuất thử theo Quyết định số: 623/QĐ-TT-CCN ngày 27 tháng 12 năm 2012.
– Giống dâu TBL-05: Nhân giống vô tính, thích hợp cho vùng Tây Nguyên. Giống dâu TBL-05 có số cành cấp 1 nhiều và tổng chiều dài cành đạt khá cao. Lá nguyên, dày, kích thước lá lớn. Các yếu tố cấu thành năng suất đạt cao. Giống dâu TBL-05 có năng suất 25,22 tấn/ha/năm. Khả năng chống chịu một số sâu bệnh hại chính ở mức khá. Chất lượng lá tương đương với đối chứng. Giống dâu TBL-05 được công nhận cho sản xuất thử theo Quyết định số: 623/QĐ-TT-CCN ngày 27 tháng 12 năm 2012.
– Giống tằm mới BT1218 nuôi tốt vụ xuân thu ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, giống có sức chống chịu tốt, năng suất kén cao và ổn định, bình quân/vòng đạt 13,57 kg vượt so với đối chứng trên 11,12%, chiều dài tơ đơn bình quân đạt trên 968,5m, tỷ lệ lên tơ tự nhiên đạt 78,05%, tỉ lệ tơ nõn/kén tươi đạt 14,91% và hệ số tiêu hao kén tươi/kg tơ nõn 6,70kg. Ươm tơ đạt cấp A đến 2 A. Giống tằm mới BT1218 đã được công nhận chính thức là TBKT theo QĐ số 568/QĐ- CN- GSN ngày 29/7/2016 của Cục trưởng Cục Chăn nuôi-Bộ NN&PTNT.
– Giống tằm mới VNT1 nuôi tốt trong vụ hè ở miền Bắc, miền Trung. Trứng nở tập, tỷ lệ nở >95%, tằm phát dục đều, con tằm to, ăn dâu khỏe, khi chín tập trung. Năng suất kén đạt 12,69kg kén/vòng trứng, cao hơn đối chứng 15,60% . Kén to, chắc có màu vàng tươi, dạng kén bầu, tơ gốc ít, nếp nhăn trung bình. Chiều dài tơ đơn đạt 525m tăng 8,23-12,68% so với giống tằm cũ (ĐSK x 09), đặc biệt tỷ lệ lên tơ tự nhiên đạt 83,3-84,5%, từ đó làm cho hệ số tiêu hao nguyên liệu đạt 9,53-10,24kg/kg tơ sống và giảm so với giống cũ ĐSK x 09 là 15-18%. Giống tằm mới VNT1 đã được công nhận chính thức là TBKT theo QĐ số 568/QĐ- CN- GSN ngày 29/7/2016 của Cục trưởng Cục Chăn nuôi-Bộ NN&PTNT.
– Giống tằm đa hệ nguyên RVTB nuôi tại vụ hè có sức sống tằm đạt 91,39%, tỷ lệ nhộng sống đạt 94,80%, hàm lượng protein tổng số là 12,58% và hàm lượng acid amin 11,14%, acid amin không thể thay thế là 4,56%. Nhộng của giống tằm RVTB được ưa thích nhất thông qua điểm đánh giá cảm quan là cao nhất (30,29 điểm). Vì vậy, giống RVTB thích hợp là giống nuôi lấy nhộng làm thực phẩm và tháng 12/2015 đã được Hội đồng khoa học cấp cơ sở nghiệm thu giống tằm RVTB là tiến bộ kỹ thuật.
– Giống tằm lai LĐ09 có thể nuôi quanh năm ở vùng Tây Nguyên , năng suất kén cao và ổn định: bình quân đạt 13,97 kg kén/ vòng, vượt >5% so với giống đối chứng, tỷ lệ nhộng sống trên 90%, cao hơn so với đối chứng gần 6%, chất lượng tơ kén đều tương đương với giống Trung Quốc: chiều dài tơ đơn 930 m, tỷ lệ lên tơ trên máy đạt 80%, tơ đạt tiêu chuẩn cấp 3A – 4A quốc tế. Giống tằm mới LĐ09 đã được công nhận chính thức là TBKT theo QĐ số 568/QĐ- CN- GSN ngày 29/7/2016 của Cục trưởng Cục Chăn nuôi-Bộ NN&PTNT.
Các giống mới trên đã được đưa ra sản xuất rộng trong quá trình nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Ngoài ra từ nguồn vật liệu mới đã tạo được nhiều dòng khá triển vọng có thể phát triển trong thời gian tới. Đề tài đã được các cơ quan ban ngành, lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương và bà con nông dân trong vùng đánh giá cao. Sản phẩm khoa học của đề tài đã được ứng dụng rộng rãi, phục vụ cho các địa phương và đang được tiếp tục đưa vào kế hoạch phát triển sản xuất trong những năm tới.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13311/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)