Các tỉnh Bắc Trung Bộ chịu tác động nhiều của thiên tai hạn hán, lũ lụt, rét đậm rét hại nhiều. Trong những năm gần đây, nhu cầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hệ thống canh tác trên đất lúa tại Bắc Trung bộ có những bước chuyển dịch lớn theo xu hướng sử dụng các giống lúa ngắn ngày, thâm canh cao và các giống lúa chất lượng, năng suất khá, chống chịu sâu bệnh nhằm né tránh được thiên tai cũng như mở rộng được quỹ đất sản xuất cây màu vụ đông, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trước những yêu cầu về những nguồn giống lúa ngắn ngày né tránh được thiên tại, có thể nâng cao mở rộng diện tích cây vụ động cần có thêm những bộ giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn (110-115 ngày), năng suất cao (6,5-7,5 tấn/ha), chất lượng khá hơn các giống cũ đang hiện diện trong sản xuất, phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu và thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Đồng thời cũng cần những giống lúa có thời gian sinh trưởng cực ngắn hoặc trung bình (95-100 ngày), năng suất đạt 5,5-6,5 tấn/ha, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, chống đổ, thích hợp cho sản xuất lúa hàng hoá ở vùng. Kèm theo đó là kỹ thuật thâm canh phù hợp để đảm bảo cho các giống có thể phát huy hết tiềm năng năng suất, nhóm nghiên cứu do ThS. Lê Văn Vĩnh, Viện khoa học kỹ thuật Nông Nghiệp Bắc Trung bộ, đã kiến nghị và được chấp thuận xây dựng và thực hiện các thí nghiệm đề tài: “Nghiên cứu, chọn tạo giống lúa ngắn ngày, năng suất cao chống chịu sâu bệnh cho vùng Bắc Trung Bộ”.

Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là chọn tạo được giống lúa mới ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh phù hợp cho vùng Bắc Trung Bộ, cụ thể là: chọn tạo giống lúa có có thời gian sinh trưởng cực ngắn (dưới 100 ngày), năng suất đạt 50 tạ/ha trở lên, phù hơp với cơ cấu cây trồng của vùng Bắc Trung Bộ; chọn tạo giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (100 – 110 ngày) năng suất cao (trên 65 tạ/ha) chất lượng khá (amylose 20-24%) phù hợp với cơ cấu cây trồng của vùng Bắc Trung Bộ.

Trong thời hạn 4 năm (2012-2016) đề tài đã hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu như kế hoạch đã đặt ra:

  1. Đề tài công nhận được 2 giống lúa BT09 và BoT1.

Giống BT09 là giống lúa cực ngắn có thời gian sinh trưởng trong vụ Mùa từ 95-98 ngày, trong vụ Xuân từ 120-128 ngày, năng suất từ 54 tạ/ha – 67 tạ/ha, nơi thâm canh đạt trên 70 tạ/ha. Chống chịu sâu bệnh khá gạo thơm cơm dẻo.

Giống lúa BoT1 là giống lúa có thời gian sinh trưởng trong vụ Mùa từ 103-108 ngày. Vụ Xuân 123-130 ngày, năng suất cao trong vụ Xuân đạt từ 60 – 65 tạ/ha nơi thâm canh có thể đạt trên 70 tạ/ha, vụ mùa đạt từ 55 tạ/ha – 60 tạ/ha. Chống chịu khá với các loại sâu bệnh chính, gạo thơm cơm dẻo, tỷ lệ gạo lật, gạo nguyên, gạo xay xát cao, thích hợp với nhiều loại đất thích hợp nhất là đất vàn.

  1. Đã tiến hành nghiên cứu so sánh đánh giá khảo nghiệm rút ra được 2 giống lúa triển vọng là BT2 và BT6.
  2. Tiến hành đánh giá chọn lọc trên 400 dòng, giống đã chọn được 162 dòng thuần có năng suất cao để phục vụ công tác tuyển chọn giai đoạn tiếp theo như D6, AS2, AS5, 121/DT10, D3-2….
  3. Đã thu thập bổ sung được 52 dòng giống, đánh giá và lưu giữ hơn 350 dòng giống lúa trong tập đoàn vật liệu rút ra được nhiều dòng giống triển vọng phục vụ công tác lai tạo để tạo giống mới và đưa vào tuyển chọn các bước tiếp theo.
  4. Tiến hành triển khai đánh giá 168 tổ hợp lai bước đầu đã chọn lọc được 49 tổ hợp lai phù hợp với các tiêu chí: năng suất cao thời gian sinh trưởng ngắn và chống chịu sâu bệnh đưa vào phân lập đánh giá các đời sau.
  5. Đã tổ chức xây dựng được 19 mô hình sản xuất giống lúa triển vọng BoT1, BT09 và BT6 và VTNA2 đạt kết quả cao.
  6. Đã tổ chức được các lớp tập huấn trên 300 lượt người tham gia cho các hộ nông dân sản xuất lúa nắm bắt được kỹ thuật sản xuất và thâm canh các giống lúa mới nhất là các giống lúa chất lượng cao.
  7. Xây dựng rút ra được 3 quy trình kỹ thuật (biện pháp kỹ thuật) cho các giống lúa triển vọng.
  8. Đã tổ chức được 7 hội nghị đầu bờ để quảng bá giới thiệu các giống mới và các tiến bộ mới trong sản xuất lúa cho nhân dân trong vùng.
  9. Đã chuyển giao cho các đơn vị tiếp nhận triển khai các giống mới để đưa vào sản xuất.
    Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13241/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)