Với sự phát triển các KCN ở Việt Nam trong những năm gần đây, thì lượng nước thải và lượng bùn thải sẽ phát sinh ngày càng nhiều. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục môi trường, tính đến năm 2017 đã có 80% KCN đang hoạt động trên cả nước có hệ thống XLNT tập trung. Thống kê cho thấy có 228 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 12 KCN đang xây dựng hệ thống XLNT (4%). Các hệ thống XLNT này đã xử lý được khoảng khoảng 71% lượng nước thải phát sinh. Mặc dù chưa có số liệu thống kê lượng nước thải được xử lý nhưng dựa vào số lượng các KCN và số lượng các nhà máy XLNT ở các KCN cũng có thể nhận thấy lượng bùn sinh học phát sinh ngày càng nhiều.

Bùn thải từ các trạm xử lý nước thải thường chứa một lượng lớn chất hữu cơ cũng như các hợp chất chứa Nitơ và Phospho… đây là các thành phần dinh dưỡng có thể tái sử dụng làm phân bón, chất cải tạo đất hay các sản phẩm hữu ích khác. Tuy nhiên, trong bùn thải này cũng chứa đồng thời các chất ô nhiễm và các vi sinh vật (virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng) do đó nếu bùn không được quản lý và xử lý hợp lý thì không những sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn lãng phí mất một nguồn tài nguyên có giá trị sử dụng cao.

Xuất phát từ nhu cầu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện đề tài cho nhóm nghiên cứu, gồm Cơ quan chủ trì Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS.TS Tôn Thất Lãng thực hiện: “Nghiên cứu công nghệ sinh học hiếu khí để xử lý và tái sử dụng bùn thải sinh học từ các nhà máy xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp, thí điểm tại khu vực Đông Nam Bộ”. Với mục tiêu: Đánh giá hiện trạng và công tác quản lý, xử lý bùn thải sinh học phát sinh từ các trạm xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp thuộc vùng Đông Nam Bộ; Nghiên cứu các biện pháp xử lý và tái sử dụng bùn thải sinh học ở quy mô phòng thí nghiệm và qui mô pilot; Đề xuất các biện pháp và các công nghệ khả thi để xử lý và tái sử dụng bùn thải.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Bùn thải từ các trạm xử lý nước thải của các KCN thường chứa một lượng lớn chất hữu cơ cũng như các hợp chất chứa Nitơ và Phospho… đây là các thành phần dinh dưỡng có thể tái sử dụng làm phân bón, chất cải tạo đất hay các sản phẩm hữu ích khác. Đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát 123 KCN thuộc miền Đông Nam Bộ để đánh giá hiện trạng và công tác quản lý, xử lý bùn thải sinh học phát sinh từ các trạm xử lý nước thải tập trung của các KCN và dự báo được lượng bùn phát thải đến năm 2025. Môt số kết quả của đề tài như sau:

– Đánh giá được đặc tính của bùn thải sinh học của các KCN qua việc lấy mẫu và phân tích 90 mẫu bùn. Qua đó cho thấy, một số bùn thải của các KCN là chất thải nguy hại, nhưng một số bùn thải của các KCN không phải là chất thải nguy hại, có thể tái sử dụng làm phân compost;

– Đề tài đã thực hiện được hai thí nghiệm ủ bùn với chất độn trơ, có và không có bổ sung vi sinh, cho kết quả tỷ lệ chất độn cao su 30%, tỷ lệ chế phẩm vi sinh Microlift 5%, cho kết quả ủ tốt nhất trong các nghiệm thức. Sản phẩm compost có các tiêu chí hầu hết đạt tiêu chuẩn 10TCN 526:2002 phân HCVS (trừ N).

– Thí nghiệm với qui mô pilot tại KCN Vĩnh Lộc, cũng cho kết quả khả quan với các mẻ ủ đều cho chất lượng compost đạt tiêu chuẩn 10TCN 526:2002 phân HCVS (trừ N). Phân compost sau thí nghiệm đã được áp dụng trên cây đậu xanh, kết quả cho thấy lượng phân compost 10% có khả năng làm thúc đẩy quá trình sinh trưởng cây đậu xanh (chiều cao cây, số là, chiều dài rễ).

– Từ đó đề tài đã đề xuất dây chuyền công nghệ xử lý và qui trình công nghệ có thể áp dụng vào thực tiễn, để chuyển hóa bùn sinh học làm phân compost.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15838/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)