Thiết bị và điện tử gia dụng thải nhận được sự quan tâm chú ý không chỉ ở các quốc gia đang phát triển, mà còn đối với các quốc gia phát triển. Đây là loại chất thải có tốc độ gia tăng nhanh nhất trong các nhóm chất thải nói chung và chất thải sinh hoạt nói riêng. Loại chất này còn chứa nhiều chất và hợp chất được coi là độc hại nếu như thải bỏ, xử lý không đúng cách. Bên cạnh đó, chất thải điện tử cũng chứa nhiều loại kim loại quý và hiếm có thể được sử dụng lại như một nguồn tài nguyên thứ cấp.

  • Việt Nam, chất thải điện tử được biết đến như một nguồn lợi nhiều hơn là một nguồn thải có thể gây hại đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Điều này là do hiện nay, chất thải điện tử đa phần bị chi phối bởi lĩnh vực tư nhân, kể từ khâu thu gom, phân loại cho đến tháo dỡ và các hoạt động khác, với trang bị và công nghệ thủ công, không chú trọng đến bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Mặt khác, ở Việt Nam hiện nay chưa có công nghệ tái chế và xử lý chất thải điện tử hoàn chỉnh, vừa tận thu nguyên liệu, vật liệu, vừa ngăn ngừa ô nhiễm ra môi trường.

Đề tài “Nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải điện tử gia dụng” do chủ nhiệm đề tài là PGS.TS Huỳnh Trung Hải cùng cơ quan chủ quản Viện Khoa học và Công nghệ môi trường – trường Đại học Bách Khoa Hà Nội hợp tác nghiên cứu với ba mục tiêu: Xây dựng và phát triển công nghệ tái chế thu hồi các vật liệu có giá trị từ chất thải điện tử gia dụng thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trên cơ sở ứng dụng các quá trình phân tách vật lý và hóa học; Hiệu chỉnh và đánh giá hiệu quả

công nghệ tái chế thu hồi kim loại có giá trị từ chất thả điện tử gia dụng thông qua việc triển khai thử nghiệm mô hình tái chế thất thải điện tử gia dụng quy mô 1 tấn thiết bị thải/ngày; Xây dựng công nghệ xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình thu hồi vật liệu, xử lý chất thải điện tử gia dụng.

Qua thời gian nghiên cứu trong 2 năm, từ năm 2012 đến năm 2014, đề tài đạt được các kết quả sau:

  • Xây dựng được tổng quan về mô hình thu gom, phân loại, tái chế chất thải

điện tử gia dụng trong và ngoài nước; thực trạng cũng như dự báo nhu cầu xử lý chất thải điện tử gia dụng ở Việt Nam đến năm 2020.

  • Xây dựng quy trình tiền xử lý, tháo dỡ chất thải điện tử gia dụng đối với 5 loại hình thiết bị điển hình: ti vi, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt, máy vi tính nhằm phân loại thành các vật liệu: kim loại, nhựa, thủy tinh và bản mạch in. Quy trình dễ thao tác; phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.
  • Xây dựng quy trình công nghệ tách và thu hồi các kim loại có giá trị trong bản mạch in chất thải điện tử gia dụng bằng phương pháp cơ lý kết hợp với phương pháp thủy luyện. Sản phẩm thu hồi được có độ tinh khiết cao, có hiệu suất thu hồi cao.
  • Công nghệ tuyển từ có thể loại bỏ vật liệu từ tính trên 95%.
  • Phân tách nhôm dưới dạng nhôm kim loại có độ sạch tương đương vật liệu ban đầu
  • Thu hồi đồng dưới dạng kim loại có hiệu suất thu hồi trên 80%, sản phẩm có độ sạch trên 98%.
  • Thu hồi chì dưới dạng muối PbCl2, có độ sạch trên 90%.
  • Thu hồi thiếc dưới dạng SnO2, có thể làm nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở luyện thiếc.
  • Đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo thành công mô hình pilot tách và thu hồi kim loại có giá trị từ bản mạch in chất thải điện tử gia dụng, có công suất tương đương 1 tấn thiết bị/ngày, áp dụng tách và thu hồi được các kim loại có giá trị dưới dạng đồng kim loại, muối chì clorua và hợp chất oxit thiếc. Hệ thống xử lý chất thải nguy hại phát sinh đảm bảo các quy chuẩn về môi trường.

Có thể tìm đọc toàn văn nội dung đề tài với mã số 10642-2015 tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

Đ.T.V. (NASATI)