Trong những năm gần đây, phương pháp hòa tách đống đã được lựa chọn là phương án chủ yếu để xử lý các loại quặng urani có hàm lượng thấp. Năm 2012, Viện Công nghệ xạ hiếm (Viện CNXH) đã tiến hành thử nghiệm mẫu công nghệ đối với lô A có 2 hàm lượng urani trung bình là 0,07% và đã xử lý theo kỹ thuật hòa tách thấm ở quy mô lên đến hơn 20 tấn/mẻ. Những ưu điểm chính của hòa tách đống là không đòi hỏi đầu tư thiết bị lớn, chi phí vận hành thấp, phù hợp với các yêu cầu về kinh tế để xử lý các quặng urani nghèo.

Tuy nhiên, do chỉ thực hiện những kỹ thuật xử lý đơn giản cùng với việc chỉ gia công quặng đến cỡ hạt thô (khoảng 1cm) nên hiệu suất thu hồi urani thường thấp hơn các kỹ thuật hòa tách thông thường. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, năm 2019, nhóm nghiên cứu của ThS. Trần Thế Định tại Viện công nghệ xạ hiếm đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ xử lý quặng urani có hàm lượng U ≥ 0,1% bằng phương pháp hòa tách tĩnh”.

Đề tài hướng đến thực hiện tiêu sau nghiên cứu bổ sung giải pháp công nghệ trong quá trình xử lý quặng urani hàm lượng U ≥ 0,1% bằng phương pháp hòa tách tĩnh để thu hồi urani tối ưu.

Sau một năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả nổi bật như sau:

  1. Đã nghiên cứu lựa chọn được các điều kiện hòa tách thích hợp trong công nghệ xử lý quặng urani có hàm lượng U ≥ 0,1 % bằng phương pháp hòa tách tĩnh để đạt hiệu suất thu hồi urani tối ưu, cụ thể:

– Đã tiến hành thí nghiệm hòa tách khuấy trộn dựa trên quy trình sẵn có để xác định giá trị tiêu hao axit cho đối tượng quặng này: Đã lựa chọn được khoảng tiêu hao axit từ 50-55 kg/tấn quặng cho hiệu suất thu hồi urani từ 87,2 – 88,5% để tiến hành các thí nghiệm tiếp theo.

– Đã tiến hành thí nghiệm hòa tách ngâm đối với loại quặng này. Kết quả thí nghiệm cho thấy với tiêu hao axit 70 kg/tấn quặng, cho hiệu suất thu hồi urani đạt 85,3% trong thời gian 11-14 ngày.

– Đã tiến hành thí nghiệm hòa tách thấm đối với quặng đã agglomerat hóa trên quy trình sẵn có. Kết quả cho thấy với tiêu hao axit 50 kg/tấn quặng, cho hiệu suất thu hồi urani đạt ~ 81,0% trong thời gian 11 ngày.

– Đã tiến hành thí nghiệm hòa tách trộn ủ đối với loại quặng này. Qua kết quả thí nghiệm đã lựa chọn được các thông số thích hợp, cụ thể: Tiêu hao axit là 50 kg/tấn quặng, tiêu hao chất oxy hóa MnO2 là 4 kg/tấn quặng, độ ẩm là 8%, thời gian ủ là 2 ngày, thể tích dung dịch axit khi rửa theo tỷ lệ R/L = 1,05, tốc độ tưới 25l/m2 h cho hiệu suất thu hồi urani đạt 82,5%. Qua đó, đã lựa chọn được hòa tách trộn ủ là phương pháp phù hợp để xử lý loại quặng dùng trong các thí nghiệm của đề tài.

  1. Đã xây dựng được quy trình công nghệ xử lý quặng urani có hàm lượng U ≥ 0,1% bằng phương pháp hòa tách tĩnh với các thông số cụ thể.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17624/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)