Ốc hương (Babylonia areolata Link, 1807) thuộc họ Bucinidae, lớp chân bụng Gastropoda, ngành động vật thân mềm Mollusca, phân bố ở vùng biển nhiệt đới Ấn độ-Thái Bình Dương (Nguyễn Chính 1996). Đến năm 2002, Nguyễn Thị Xuân Thu đã thành công trong nghiên cứu đặc điểm sinh học, kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc hương. Từ đây nghề nuôi ốc hương ở các tỉnh ven biển nước ta phát triển rất mạnh, từ 1 triệu giống (năm 2002) làm ra ở các cơ sở nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đến năm 2012 sản lượng giống cả nước sản xuất được lên tới 1.578 triệu con /năm, diện tích nuôi chỉ có 1,7 ha năm 2002, sản lượng nuôi đạt 8 tấn, đến cuối năm 2012 diện tích nuôi khoảng 694 ha, sản lượng nuôi đạt 6.047 tấn (Nguyễn Văn Hà, 2004, 2012).

Tuy nhiên, những năm gần đây nghề nuôi ốc hương ở Việt Nam phát triển mang tính tự phát, thiếu quy hoạch nên hàng năm dịch bệnh vẫn xảy ra gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi. Thị trường tiêu thụ hẹp, chỉ xuất khẩu ốc tươi sống tiểu ngạch sang Trung Quốc và một phần nhỏ trong nước. Ốc hươn bố mẹ dùng trong sản xuất giống chủ yếu từ nguồn ốc giống sản xuất nhân tạo không xác định được thế hệ có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng con giống không đảm bảo. Vì vậy, để đạt mục tiêu quy hoạch nuôi ốc hương đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 840ha, khâu then chốt là chúng ta cần phải có nguồn con giống đảm bảo về số lượng và chất lượng.

Tu hài (Lutraria.sp) thuộc lớp hai mảnh vỏ (Bivalvia), loài động vật thân mềm có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước. Tu hài phân bố chủ yếu ở các vùng biển ấm và các vịnh kín. Trên thế giới, tu hài phân bố ở vùng biển phía Tây, Nam nước Úc và một số nước châu Á như Philipin, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Ở Việt Nam, tu hài phân bố tự nhiên chủ yếu ở khu vực phía Bắc, thuộc vùng biển từ đảo Cát Bà, Hải Phòng đến vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Quảng Ninh. Các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận, Bình Thuận đều có tu hài nhưng trữ lượng không nhiều [26]. Theo tài liệu của Đặng Ngọc Thanh và cộng sự, đây là loài quý hiếm nhưng chưa được đưa vào Sách đỏ để bảo vệ.

Tu hài được xác định là đối tượng xuất khẩu chủ lực trong giai đoạn 2010 – 2020. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây sản lượng tu hài sụt giảm được xác định khoảng trên 50%, chất lượng con giống ngày càng giảm sút, tình hình dịch bệnh gia tăng, chỉ tính 6  tháng đầu năm 2012, Quảng Ninh và Hải Phòng thiệt hại hơn 200 tỉ đồng do tu hài chết. Xét về mặt di truyền, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sụt giảm chất lượng con giống là do giao phối cận huyết. Trong quần thể chọn lọc, giao phối cận huyết gây ra các tác động tiêu cực như tăng đồng hợp tử dẫn đến gia tăng biểu hiện của gen lặn gây hại,  suy thoái cận huyết và giảm biến dị di truyền. Điều này dẫn đến làm động vật thủy sản trong đó có tu hài sinh trưởng chậm, giảm khả năng kháng bệnh và khả năng đạt kích cỡ tối đa trong quá trình nuôi.

Ở Việt Nam, mặc dù tu hài được nuôi phổ biến kể từ năm 2005 nhưng cho đến nay, tên khoa học cho loài được dùng chưa thống nhất; Hội nghề cá Việt Nam sử dụng tên khoa học cho tu hài là L. philippinarum Reeve 1854; Trong khi Tổng cục Thủy sản lấy tên khoa học cho tu hài L. rhynchaena Jonas, 1849 trong công bố tiêu chuẩn giống nhuyễn thể. Phân loại loài tu hài còn chưa rõ ràng, Holm và Hà Đức Thắng cho rằng L. philippinarum và L. rhynchaena cùng một loài; CSIRO – Australia công bố loài tu hài có tên khoa học là L. rhynchaena và cũng có tên gọi ở Australia là L. australis, L. philippinarum. Những nghiên cứu khoa học về tu hài chỉ mới tập trung vào sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm, những nghiên cứu khoa học đánh giá về đa dạng di truyền của quần thể tu hài còn rất hạn chế; thông tin về đa dạng di truyền các quần thể tu hài Việt Nam chưa có công bố. Vì vậy, việc tiến hành đề tài: “Nghiên cứu đánh giá đa dạng di truyền ốc hương và tu hài” do Cơ quan chủ quản Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật và Thủy sản cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Thái Thanh Bình thực hiện là rất cần thiết, làm cơ sở khoa học đề xuất các chương trình chọn lọc và lai tạo giống trên tu hài giúp làm tăng biến dị di truyền, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và phục vụ bảo tồn nguồn gen tu hài ở Việt Nam.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Bộ chỉ thị đề tài đã phát triển được bao gồm 10 chỉ thị microsatellite, 7 SNP cho ốc hương và 10 chỉ thị microsatellite, 3SNP rất hữu hiệu trong đánh giá đa dạng di truyền ốc hương và tu hài. Đề tài chưa lựa chọn được các chỉ thị SNP liên quan đến tính trạng sinh trưởng của ốc hương và tu hài.

Đa dạng di truyền quần thể ốc hương Việt Nam ở mức cao, tuy nhiên sự sai khác giữa các quần thể không lớn. Quần đàn ốc hương thu thập từ tỉnh Bình Thuận có tỷ lệ sống và sinh trưởng cao nhất.

Đa dạng di truyền các quần thể tu hài ở Việt Nam có mức trung bình và có sự cận huyết xẩy ra. Quần đàn tu hài có nguồn gốc từ Vân Đồn có tỷ lệ sống cao và sức sinh trưởng nhanh nhất.

 

Đề tài đã lưu giữ được quần đàn ốc hương Bình Thuận và tu hài Vân Đồn phục vụ cho giai đoạn chọn giống tiếp theo.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15338/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)