Trước tình hình khó khăn về nguồn nước, hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra và nhu cầu nước ngày càng tăng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng Nam Trung bộ, các vấn đề xây dựng, quản lý và vận hành các công trình hồ chứa lớn, đặc biệt là các công trình thủy điện còn nhiều bất cập, những ảnh hưởng của chuyển nước lưu vực từ các lưu vực sông vùng Tây Nguyên và các tác động ngày càng lớn do biến đổi khí hậu và nước biển dâng của vùng.

Nhóm nghiên cứu do bà Đặng Thị Kim Nhung, Viện Quy hoạch Thủy lợi đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu đánh giá tiềm năng, hiện trạng sử dụng nguồn nước mặt để cân bằng nước và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước bền vững cho vùng Nam Trung bộ” nhằm nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá được tiềm năng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước, cân bằng nước và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả và sử dụng bền vững tài nguyên nước cho vùng Nam Trung bộ. Đề tài này nằm trong phạm vi của “Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KC08/11-15 về Khoa học công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên”.

Sau một thời gian triển khai nghiên cứu, đề tài đã thực hiện đầy đủ các mục tiêu đặt ra và tính toán thêm cho một số nội dung nhằm đảm bảo tính lôgic của thuyết minh và yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn.

Nội dung thực hiện bao gồm đã tính toán đánh giá, hệ thống hóa và bản đồ hóa toàn bộ tình hình hiện trạng và tiềm năng nguồn nước trong vùng Nam Trung bộ, tính toán được nhu cầu nước cho giai đoạn hiện tại và tương lai theo các kịch bản biến đổi khí hậu, từ đó tính toán được khả năng cân bằng nước trên các vùng sử dụng nước cho toàn vùng Nam Trung Bộ. Kết quả cân bằng nước là cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp về quy hoạch công trình và phi công trình, về thể chế – chính sách quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước và phát triển nguồn nước bền vững vùng Nam Trung bộ.

  1. Nghiên cứu đã thực hiện phân vùng thủy văn, phân vùng sử dụng và đánh giá về nguồn nước cho toàn vùng Nam Trung Bộ với khối lượng tính toán rất lớn. Toàn vùng Nam Trung bộ được phân thành 4 vùng thủy văn dựa vào tính toán tương quan về nguồn nước. Sau khi xây dựng các tiêu chí phân vùng sử dụng nước, dựa vào kết quả phân vùng thủy văn, toàn vùng Nam Trung bộ được phân thành 23 vùng sử dụng nước để đánh giá nguồn nước và tính toán cân bằng nước. Tổng lượng nguồn nước tự nhiên hiện nay trong vùng là khoảng 60,7 tỷ m3, tiềm năng nguồn nước trong tương lai gia tăng so với giai đoạn hiện trạng, theo kịch bản trung bình B2 đến năm 2030, nguồn nước trung bình nhiều năm gia tăng khoảng 2% và ở mức 61,7 tỷ m3.

Đánh giá được tiềm năng nguồn nước tự nhiên trong giai đoạn khan hiếm nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu trong mùa kiệt và 3 tháng kiệt nhất trong năm. Có sự chênh lệch rất lớn về nguồn nước theo mùa, có đến 66% nguồn nước phát sinh vào mùa lũ và 34% trong mùa kiệt, đặc biệt là trong 3 tháng kiệt nhất trong năm tổng lượng nước phát sinh chỉ chiếm 8% tổng lượng nguồn nước cả năm (4,8/60,7 tỷ m3). Như vậy có thể thấy rằng phân bố nguồn nước rất không đều trong năm, trong giai đoạn cần nước nhất thì nguồn nước lại cạn kiệt nhất. Cần phải có các giải pháp tạo nguồn, điều hòa nguồn nước để sử dụng trong mùa kiệt, nhất là trong 3 tháng kiệt nhất.

Đánh giá được nguồn nước có thể khai thác sử dụng trong các công trình thủy lợi – thủy điện trong toàn vùng bao gồm cả các hệ thống chuyển nước lưu vực: Trong đánh giá trữ lượng nước trong các công trình thủy lợi, thủy điện, tổng dung tích hữu ích tính đến giai đoạn hiện trạng 2014 là khoảng 5,3 tỷ m3 chiếm khoảng 8,7% tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm trong vùng. Trong đó có khoảng 3,7 tỷ m3 từ các công trình thủy điện và thủy lợi trên dòng chính. Tính đến năm 2030, tổng dung tích trữ công trình là khoảng 8,7 tỷ m3, tương đương với khoảng 14,2% tổng lượng dòng chảy trong vùng và bằng 164% tổng lượng trữ so với giai đoạn hiện trạng 2014.

Tính toán được nhu cầu nước hiện tại và tương lai 2030 trên 23 vùng sử dụng nước trong vùng Nam Trung bộ của tất cả các ngành kinh tế có liên quan. Tổng nhu cầu nước trong giai đoạn hiện trạng là khoảng 12,4 tỷ m3 và tổng nhu cầu nước đến năm 2030 là khoảng 14,3 tỷ m3. Kết quả thấy rằng, giai đoạn nhu cầu nước cao nhất trùng với thời đoạn 3 tháng kiệt nhất trên các lưu vực sông. Hơn nữa tổng nhu cầu nước tăng lên khoảng 1,15 lần so với hiện trạng, trong đó nhu cầu nước tăng lên ở tất cả các ngành nhưng chủ yếu là nhu cầu nước cho công nghiệp và dân sinh. Tuy nhiên tỷ trọng chính trong nhu cầu nước vẫn là nông nghiệp và dòng chảy tối thiểu trên sông.

Tính toán cân bằng nước theo các vùng sử dụng nước cho toàn vùng Nam Trung bộ, theo đó chỉ ra được các vùng đủ nước, các vùng đã và sẽ thiếu nước trong tương lai.

Vùng đủ nước: Vùng 14: Vùng Vĩnh Thạnh.

Các vùng hiện trạng thiếu nước và tương lai đủ nước: 3 vùng bao gồm vùng 11: Vùng Nam La Tinh – Bắc Sông Kôn, Vùng 12: Vùng Nam sông Kôn; Vùng 13: Vùng Hà Thanh. Các vùng hiện trạng không thiếu nước, tương lai thiếu nước: Vùng 1: Sông Cu Đê. Các vùng thiếu nước hiện tại và tương lai: 10 vùng bao gồm: Vùng 2, 3: Vùng Thượng lưu sông Vu Gia, vùng thượng lưu sông Thu Bồn. Vùng 5: Vùng sông Tam Kỳ; Vùng 6: Vùng Thượng Trà Bồng – Trà Khúc – Vệ: Vùng 15: Vùng Tân An – Đập Đá; ùng 16: Vùng Sông Cầu – Kỳ Lộ; Vùng 17: Vùng Thượng Đồng Cam; ùng 18: Vùng Hạ Đồng Cam; Vùng 19: Vùng Sông Cái Ninh Hòa và phụ cận: Vùng 20: Vùng Sông Cái Nha Trang và phụ cận.

Các vùng thiếu nước nghiêm trọng: Vùng 4: Vùng hạ Vu Gia – Thu Bồn; Vùng 7: Vùng Hạ Trà Bồng – Trà Khúc – Sông Vệ; Vùng 8: Vùng Trà Câu; Vùng 9: Vùng Lại Giang; Vùng 10: Vùng Bắc La Tinh; Vùng 21: Vùng Sông Cái Phan Rang và phụ cận; Vùng 22: Vùng Sông Lũy và phụ cận; Vùng 23: Vùng Sông La Ngà và phụ cận. Trong đó vùng 4 và vùng 21 vấn đề thiếu nước trở nên nghiêm trọng trong tương lai trong đó vùng 21 là vùng thiếu nước nghiêm trọng nhất trong vùng Nam Trung bộ.

Đánh giá được các tác động của các hệ thống thủy lợi thủy điện dòng chính tác động đến nguồn nước và rủi ro thiên tai trên các lưu vực sông chính trong vùng. Các hồ chứa có thể giảm lũ cho hạ du, tuy nhiên mức độ giảm lũ là không đáng kể. Giảm lũ chỉ góp phần chống lũ sớm và lũ muộn, riêng lũ chính vụ hiệu quả giảm lũ không rõ rệt. Các hồ chứa làm tăng dòng chảy hạ du trong mùa kiệt cung cấp nguồn nước cho việc đẩy mặn và cấp nước cho các ngành sử dụng nước. Tuy nhiên việc vận hành của thủy điện còn theo nhu cầu phát điện nên có các giai đoạn thấp điểm, nguồn nước hạ lưu bị suy kiệt do các hồ chứa không xả đủ yêu cầu về dòng chảy tối thiểu của hạ lưu

Đề xuất được các biện pháp về quy hoạch quản lý nguồn nước trong vùng Nam Trung bộ.

Đối với công trình cấp nước: Cần nâng cấp sửa chữa và xây dựng mới các công trình trên lưu vực để tăng khả năng tạo nguồn cấp nước trong vùng. Đối với vùng miền núi cần xây dựng các công trình hồ chứa quy mô vừa và nhỏ để đảm bảo tưới nội vùng và cấp nước cho hạ du. Vùng hạ lưu cần xây các hệ thống đập lấy nước và đập ngăn mặn để khai thác và bảo vệ nguồn nước, nâng cấp và kiên cố hóa hệ thống kênh mương để nâng cao khả năng sử dụng nước.

Đối với vấn đề phòng chống lũ: Kiến nghị hạ thấp mực nước trước lũ các công trình thủy điện để tăng dung tích phòng lũ cho hạ du. Kiến nghị nâng dung tích phòng lũ thiết kế cho các công trình hồ thủy điện chưa triển khai xây dựng. Cần xây dựng hệ thống đê, kè bảo vệ bờ và đê bao để bảo vệ các khu đô thị và các vùng sản xuất nông nghiệp.

Đề xuất được các biện pháp quản lý khai thác hệ thống công trình thủy điện, thủy lợi trong vùng.

Đảm bảo an toàn công trình thủy điện, thủy lợi: Không tích nước đối với các hồ chứa không đảm bảo an toàn; Tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật đối với công tác quản lý an toàn hồ chứa nước; Cần phải đẩy nhanh chương trình an toàn hồ đập.

Tối ưu hóa quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông cho cả năm: Cần có một nghiên cứu tổng thể để đánh giá lại mục tiêu phục vụ của các hồ chứa như mục tiêu phát điện, chống lũ, cấp nước.. trong từng thời đoạn trong năm và xác định các mục tiêu ưu tiên cho từng thời đoạn. Từ đó tiến hành lập duy nhất một quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực cho cả năm dựa trên các tính toán tối ưu đa mục tiêu đã xác định như đã nêu trên, trong đó các mục tiêu chống lũ và chống hạn cần nâng mức độ ưu tiên trong thời đoạn thiên tai.

Hiện đại hóa, tin học hóa hệ thống quản lý vận hành công trình: Hiện đại hóa hệ thống hạ tầng vận hành và quản lý công trình trên lưu vực. Triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý vận hành công trình. Kiến nghị ứng hệ thống SCADA để hiện đại hoá công tác điều hành tưới, tiêu. Kiên cố hóa nhằm nâng cao hệ số sử dụng kênh mương.

Đề xuất được các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và phát triển bền vững tài nguyên nước dựa trên các đặc thù của vùng Nam Trung bộ.

Cần xem xét tưới tiết kiệm nước là một giải pháp quan trọng để phát triển bền vững: Điều chỉnh mùa vụ và cơ cấu sử dụng nước; Khai thác hợp lý các nguồn nước; Phổ biến kỹ thuật canh tác và các biện pháp sinh học; Hoàn thiện các giải pháp quản lý.

Chính sách khuyến khích đầu tư Công – Tư: Chuyển dịch vai trò của nhà nước từ cung cấp trực tiếp dịch vụ công sang xây dựng khung pháp lý, chính sách hỗ trợ, điều phối, giám sát thực hiện, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình và hiệu quả vốn đầu tư công. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy hợp tác đầu tư Công – Tư.

Giải pháp về tài chính: thu thuế và phí theo nguyên tắc “người dùng và người gây ô nhiễm nguồn nước phải trả tiền” nhằm cung cấp tài chính cho quản lý tài nguyên nước và cung cấp tài chính cho tổ chức lưu vực sông.

Cần lập các Ban Quản lý lưu vực sông có đầy đủ chức năng quyền hạn giải quyết các vấn đề phối hợp đa ngành, liên tỉnh cho các lưu vực sông lớn.

Cần lập các Hội người dùng nước được tăng cường năng lực về mọi mặt để có thể tham gia tích cực vào quá trình quản lý tài nguyên nước.

Cần lập quy hoạch sử dụng tổng hợp tài nguyên nước cho các lưu vực sông trên cơ sở tính toán kinh tế, xã hội, môi trường sao cho việc thực hiện quy hoạch phù hợp với yêu cầu phát triển tài nguyên nước bền vững.

  1. Các đóng góp của đề tài vào thực tiễn

Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa

Trong quá trình triển khai thực hiện, nhóm thực hiện đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong quá trình xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông:

Sông Vu Gia – Thu Bồn (Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 16/06/2014; Quyết định 1537/QĐ-TTg ngày 7/9/2015);

Sông Kôn – Hà Thanh (Quyết định 1462/QĐ-TTg 2014 ngày 21/08/2014; Quyết định số 1841/QĐ-TTg ngày 29/10/2015);

Sông Ba (Quyết định số 1077/QĐ-TTg Ngày 7/7/2014).

Hỗ trợ kỹ thuật cho công tác chống hạn năm 2014/2015

Nhóm nghiên cứu đã hỗ trợ Tổng cục Thủy lợi – Bộ NN&PTNT trong việc quản lý điều hành chống hạn và quản lý sản xuất trong điều kiện hạn hán năm 2014/2015 trên địa bàn các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên.

Nhóm nghiên cứu đã hỗ trợ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam trong việc quản lý điều hành chống hạn và quản lý sản xuất trong điều kiện hạn hán năm 2014/2015.

Nhóm nghiên cứu đã hỗ trợ Sở NN&PTNT Quảng Ngãi trong việc quản lý điều hành chống hạn và quản lý sản xuất trong điều kiện hạn hán năm 2014/2015 Nhóm nghiên cứu đã hỗ trợ Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa trong việc quản lý điều hành chống hạn và quản lý sản xuất trong điều kiện hạn hán năm 2014/2015.

Nhóm nghiên cứu đã hỗ trợ Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận (Chi cục Thủy lợi; Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận) trong việc quản lý điều hành chống hạn và quản lý sản xuất trong điều kiện hạn hán năm.

Các hỗ trợ kỹ thuật khác

Hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho Bộ NN&PTNT trong quá trình phê duyệt Quy hoạch lưu vực sông Trà Bồng – Trà Khúc, và cho tỉnh Quảng Ngãi trong quá trình phê duyệt Quy hoạch thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi;

Hỗ trợ Cục Phòng chống Thiên tai xây dựng bản đồ ngập lụt sông Ba theo các cấp báo động nhằm hỗ trợ công tác phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên.

Tư vấn kỹ thuật, đề xuất cơ sở khoa học để xác định mực nước và lưu lượng vùng hạ lưu sông Kôn – Hà Thanh làm cơ sở cho UBND tỉnh Bình Định phê duyệt Quy hoạch công trình tiêu úng thoát lũ vùng hạ lưu sông Hà Thanh phục vụ yêu cầu PTKTXH TP Quy Nhơn đến năm 2020.

Tư vấn cho Bộ NN&PTNT lựa chọn ra các tỉnh bị hạn hán nghiêm trọng để xây dựng dự án vốn vay từ ADB hỗ trợ cho các tỉnh bị hạn hán (Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán ADB8, đang trong quá trình xây dựng dự án).

  1. Các nội dung thực hiện ngoài phạm vi đề cương

Đề tài đã tính toán thêm các nội dung nằm ngoài phạm vi yêu cầu của đề cương nhưng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn quản lý thiên tai hạn hán đầu năm 2015 tại tỉnh Ninh Thuận: Tính toán cân bằng nước thời đoạn mùa cạn kết hợp với các kịch bản mưa đã hỗ trợ Tổng cục Thủy lợi và các sở NN&PTNT điều hành sản xuất chống hạn tại tỉnh Ninh Thuận.

Đề tài đã xây dựng thêm 01 bộ bản đồ thiếu nước cho toàn vùng, trong đó thể hiện được hiện trạng và tương lai cân bằng nước theo 23 vùng sử dụng nước. Đây là tài liệu quan trọng trong việc đánh giá mức độ thiếu nước trong vùng Nam Trung bộ.

Từ các kết quả thu được, nhóm nghiên cứu kiến nghị cần đầu tư nâng cấp, bổ sung các hệ thống quan trắc tài nguyên nước ở hầu hết các lưu vực sông vùng Nam Trung bộ đặc biệt trong giai đoạn trước mắt cần quan tâm đến một số lưu vực hiện nay rất thiếu như sông Tam Kỳ, sông Lại Giang, sông Cầu, sông Cái Ninh Hòa, sông Cái Nha Trang, sông Cái Phan Rang… Việc thiếu tài liệu đo đạc ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý nguồn nước và quản lý rủi ro thiên tai trong vùng; Cần đầu tư xây dựng khung hỗ trợ ra quyết định về quản lý rủi ro thiên tai nói chung và quản lý rủi ro lũ lụt hạn hán nói riêng. Cần xây dựng các bản đồ rủi ro thiên tai như lũ, hạn với tỷ lệ lớn (ít nhất là tỷ lệ 1/10.000) để phục vụ công tác quản lý thiên tai trong vùng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12170-2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)