Trong hoạt động phát triển kinh tế – xã hội (KT – XH), nhiều xung đột xảy ra không chỉ có tác động tiêu cực mà cũng có mặt tích cực, đó là sự chuyển hóa mang tính phát triển. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên (TNTN) bất hợp lý có thể ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến sự phát triển bền vững (PTBV) nền KT – XH. Tăng trưởng kinh tế cũng dẫn đến nhiều xung đột như: sự phân hóa các sắc tộc, những mô hình phát triển KT – XH đa dạng và đặc thù giữa các dân tộc; vấn đề tôn giáo; ảnh hưởng do sự di dân và các hệ canh tác mang tính tập quán lâu đời,… Tây Nguyên là vùng đất có các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đồng thời là một vùng địa văn hóa, kinh tế, chính trị và lịch sử đặc sắc. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với sự hình thành và mở rộng các cửa khẩu quốc tế ở Tây Nguyên đã tạo ra nhiều động lực cho sự phát triển KT – XH của vùng. Nhiều mô hình kinh tế mới (mô hình trồng cây cao su, cà phê,…) và nhiều ngành kinh tế mũi nhọn (du lịch, thủy điện) đã hình thành và phát triển. Đặc biệt, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong những năm gần đây đã tác động đến môi trường tự nhiên và gây ra nhiều áp lực trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Từ đó dẫn đến hình thành và phát triển những bất đồng, mâu thuẫn, đối lập về lợi ích hoặc các mối quan tâm khác nhau giữa các cá nhân hoặc giữa các nhóm xã hội (các cộng đồng dân cư, các dân tộc, các tổ chức xã hội khác), giữa các ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, du lịch) giữa bảo tồn và phát triển,… Với vị trí và vị thế đặc thù của Tây Nguyên, quá trình tác động đến môi trường tự nhiên và quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên trên vùng đất này không chỉ dẫn đến những xung đột môi trường trong phạm vi vùng mà còn có tác động liên vùng và liên quốc gia. Nói cách khác, những vấn đề môi trường ở Tây Nguyên không khác với các vấn đề môi trường ở nước ta; và việc giải quyết các vấn đề môi trường không chỉ giới hạn trong phạm vi vùng lãnh thổ Tây Nguyên; không dừng lại sau đường biên giới quốc gia, hoặc ranh giới địa phương đã gây ra chúng.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Viện Địa lý tài nguyên TP. Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá xung đột môi trường ở Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững” do TS. Lê Ngọc Thanh làm chủ nhiệm đề tài.

Qua thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả: Các hoạt động phát triển KT – XH của con người đã làm phát sinh những vấn đề môi trường bức xúc, dẫn đến xuất hiện nhiều sự kiện, hiện tượng xã hội mới cần quan tâm nghiên cứu, đặc biệt là các xung đột môi trường. Trên cơ sở thu thập tài liệu, hệ thống hóa các nghiên cứu trong và ngoài nước, đề tài đã xác định các khái niệm môi trường và xung đột môi trường (XĐMT) theo quan điểm của xã hội học môi trường; đã tiến hành phân tích và làm rõ một số vấn đề nghiên cứu về xung đột môi trường, và đưa ra quan điểm và phương pháp đánh giá XĐMT.

Trong thời kỳ đổi mới, tính từ năm 1990 đến nay, phát triển KT – XH của Tây Nguyên đã làm nảy sinh những vấn đề môi trường bức xúc liên quan với quản lý, khai thác, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, vừa mang tính đặc thù Tây Nguyên vừa có đặc điểm chung của đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa:

– Đối với tài nguyên đất, đó là chuyển đổi mục đích sử dụng đất với chính sách di dân có kế hoạch, kèm theo hiện tượng di dân tự do; thoái hóa đất và hoang mạc hóa.

– Đối với tài nguyên nước, việc sử dụng nước không đồng bộ, quá mức của các công trình thủy lợi, thủy điện; cho nông – lâm nghiệp, công nghiệp – sinh hoạt; giữa nước mặt và nước ngầm.

– Đối với tài nguyên khoáng sản, đó là khai thác khoáng sản quy mô công nghiệp; quy mô nhỏ, tận thu và khai thác tự do, trái phép.

Từ đó đã làm nảy sinh 16 dạng XĐMT chủ yếu như sau: 1) Liên quan với quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất: 06 dạng; 2) Liên quan với quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước: 05 dạng; 3) Liên quan với quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên rừng: 02 dạng; 4) Liên quan với quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản: 03 dạng.

Đề tài đã xây dựng Hệ thống phân loại các xung đột môi trường gồm 07 tiêu chí với 37 chỉ tiêu và áp dụng để phân loại 16 dạng xung đột môi trường đã nảy sinh trong quá trình khai thác,sử dụng và quản lý 04 loại tài nguyên: đất, nước, rừng và khoáng sản ở Tây nguyên.

Nguyên nhân dẫn đến các xung đột môi trường chủ yếu, gồm (i) Bất cập của hệ thống pháp luật về tài nguyên thiên nhiên; (ii) Bất cập của các chủ trương, chính sách Nhà nước; (iii) Quản lý tài nguyên thiên nhiên kém hiệu quả; (iv) Đặc trưng văn hóa – xã hội Tây Nguyên; và (v) Nhận thức của người dân về xung đột môi trường.

Bên cạnh đó còn đề xuất các nhóm giải pháp chính sách chủ đạo nhằm hạn chế, giải quyết và quản lý các xung đột môi trường đã, đang và có thể sẽ xảy ra ở khu vực Tây Nguyên:

1) Nhóm các giải pháp chính sách nhằm hạn chế xung đột môi trường ở các tỉnh vùng Tây Nguyên gồm: (i) Phát triển các hoạt động KT – XH phù hợp với đặc trưng sinh thái vùng Tây Nguyên; (ii) Phân vùng chức năng sinh thái cho vùng Tây Nguyên để làm cơ sở cho việc phát triển các cây trồng, vật nuôi và các hoạt động phi nông nghiệp khác phù hợp với đặc trưng sinh thái tự nhiên của từng tiểu vùng; (iii) Thực hiện nghiêm ngặt các công cụ hỗ trợ việc nhận diện các thay đổi về môi trường do tác động bởi các hoạt động phát triển KT – XH vùng Tây Nguyên; (iv) Có các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế các nguồn gây ra các áp lực cho XĐMT ở Tây Nguyên như: chính sách di dân và tái định cư ở vùng Tây Nguyên; cần hoàn thiện chính sách về sinh kế cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

2) Nhóm các giải pháp chính sách nhằm khắc phục XĐMT vùng Tây Nguyên gồm các chính sách liên quan đến tài nguyên đất, rừng, sử dụng tài nguyên nước và tài nguyên khoáng sản.

3) Để quản lý các XĐMT ở Tây Nguyên, khuyến nghị một số nhóm giải pháp chính sách như sau: (i) Bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo Tây Nguyên trong việc điều tiết các hoạt động khai thác TNTN, các vấn đề môi trường chung của vùng; (ii) Phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong việc đánh giá, giám sát các vấn đề liên quan đến khai thác, sử dụng và xả thải các chất ô nhiễm ra môi trường; (iii) Quản lý chặt chẽ công tác đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, quy hoạch môi trường trong các dự án, kế hoạch, quy hoạch có liên quan đến khai thác, sử dụng và xả thải các chất ô nhiễm ra môi trường. Việc giám sát các cam kết bảo vệ môi trường, phục hồi môi trường cũng cần phải được thực hiện thường xuyên; (iv) Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan môi trường các cấp các Bộ, ngành, địa phương; (v) Quản lý chặt chẽ và xây dựng cơ chế khai thác, sử dụng các nguồn thông tin, dữ liệu có liên quan đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường tự nhiên.

4) Các chính sách quản lý môi trường ở tầm vĩ mô gồm: (i) Đổi mới mô hình quản lý môi trường theo hướng quản trị môi trường: đổi mới mô hình quản lý môi trường truyền thống sang mô hình quản trị nhằm phát huy được vai trò và trách nhiệm của mọi thành phần xã hội trong công cuộc bảo vệ môi trường; (ii) Chính sách về di dân và sinh kế cho người dân là giải pháp căn bản nhằm đảm bảo lợi ích và giảm các áp lực lên tài nguyên thiên nhiên và môi trường tự nhiên; (iii) Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch, cần phải đồng bộ và phát huy tính hiệu lực của các quy hoạch. Các quy hoạch cũng cần phải được xây dựng trên cơ sở cân nhắc hài hòa giữa các hoạt động KT – XH và môi trường; (iv) Minh bạch về thông tin là giải pháp hữu hiệu nhất để thực hiện một mô hình quản trị môi trường tốt và góp phần giảm thiểu xung đột môi trường; (v) Các chính sách về tài nguyên thiên nhiên và môi trường tự nhiên cần được phân cấp, phân quyền rõ ràng trong quản lý nhằm tránh sự chồng chéo, thiếu hiệu lực của các chính sách pháp luật.

Bên cạnh đó, các giải pháp như phát huy vai trò của cộng đồng trong việc giải quyết các xung đột môi trường; Thiết lập mô hình quản lý xung đột môi trường; Hình thành và phát triển các cơ chế, chính sách thích hợp chia sẻ nguồn lợi chung; Cần có các công cụ hỗ trợ cho việc ra quyết định chính sách và các công cụ chia sẻ, phân phối lợi ích.. cũng rất cần thiết ở cấp vĩ mô.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12901/2016) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)