Qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế với 9 mặt hàng nông sản chủ lực có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm (Lê Văn Bảnh, 2015); nông sản xuất khẩu nước ta có mặt ở trên 160 nước và vùng lãnh thổ… Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2016 đạt 32,1 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2015. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng chính đạt 15,1 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2015, cao su 1,67 tỷ USD, gạo 2,2 tỷ USD; thủy sản 6,99 tỷ (Bộ NN và PTNT, 2016).

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều tồn tại, kìm hãm sự phát triển. Hiện nay, tỷ trọng chế biến thô toàn ngành chiếm gần 90% và chỉ khoảng 10% nông sản xuất khẩu là tinh chế. Nguyên nhân đó làm cho giá nông sản Việt Nam thường thấp hơn từ 15-50% so với sản phẩm cùng loại của các nước khác. Do xuất khẩu thô, nên giá cả nông sản bấp bênh, sức cạnh tranh yếu và bị phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài.

Chính phủ đã có những chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào chế biến nông sản trong thời gian qua nhưng vấn đề chưa được cải thiện nhiều. Phải chăng các chính sách và giải pháp chưa đủ động lực thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu nông sản phẩm. Vì vậy cần đổi mới để có cơ chế chính sách và giải pháp phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu nông sản, trước hết là những nông sản chủ lực là lúa gạo, cao su, cá tra. Khuyến khích chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông sản, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản nước ta, tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp theo hứng sản xuất hàng hóa góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp sớm đạt được các mục tiêu mong đợi. Đề tài “Nghiên cứu đề xuất chính sách và giải pháp khuyến khích chế biến sâu một số nông sản chủ lực của Việt Nam (lúa gạo, cao su, cá tra)” được đặt ra nhằm góp phần giải quyết vấn đề trên.

Đề tài tập trung nghiên cứu vào 3 loại nông sản chủ lực của Việt Nam là lúa gạo, cao su, cá tra. Nghiên cứu được tiến hành ở các vùng sản xuất tập trung gắn liền với chế biến các nông sản chủ lực là vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng tập trung sản xuất và chế biến lúa gạo, cá tra; vùng Đông Nam bộ nơi tập trung sản xuất và chế biến cao su. Trong mỗi vùng, mỗi sản phẩm được tập nghiên cứu ở một số tỉnh đại diện. Các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm chủ lực trên nằm ở các địa phương khác được tham khảo qua các kênh thông tin chính thống. Các chính sách được nghiên cứu

 

là các chính sách hiện hành còn hiệu lực. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia chế biến, các tác nhân sản xuất và thu gom nguyên liệu.

Đề tài “Nghiên cứu đề xuất chính sách và giải pháp khuyến khích chế biến sâu một số nông sản chủ lực của việt nam (lúa gạo, cao su, cá tra)” góp phần luận giải cơ sở lý luận và thực tiễn và tổng quan các nghiên cứu về chính sách và giải pháp khuyến khích chế biến sâu nông sản. Qua đó làm cơ sở cho vận dụng nghiên cứu thực trạng và đè xuất đổi mới chính sách và giải pháp khuyến khích chế biến sâu nông sản.

Qua đánh giá thực trạng, chính sách và giải pháp khuyến khích chế biến, chế biến sâu một số nông sản chủ lực của Việt Nam (lúa gạo, cao su, cá tra) đề tài đạt được một số kết quả như sau:

  • Trong giai đoạn 1990 – 2014, việc gia tăng diện tích canh tác lúa không liên tục, chỉ lên đến đỉnh điểm vào năm 2000 rồi sau đó giảm dần đi. Nhưng hoạt động thâm canh đã mang lại kết quả rất tích cực, liên tục trong 20 năm diện tích gieo trồng lúa tăng bình quân 1,1%/năm; năng suất lúa tăng bình quân 2,6%/năm; dẫn đến sản lượng lúa đã tăng hơn 2 lần trong cùng kỳ, từ mức 19,2 triệu tấn năm 1990 lên đến 45 triệu tấn vào năm 2014, tốc độ tăng bình quân đạt 3,7%/năm. Các công ty xuất khẩu là đơn vị quyết định giá bán gạo trên thị trường thế giới, từ đó truyền tín hiệu về giá dọc xuống toàn bộ chuỗi giá trị, thông qua các tác nhân bao gồm thương lái, nhà máy xay xát và các môi giới. Trong khi đó, chỉ một số nhỏ nông dân có quan hệ với công ty xuất khẩu. Hơn 90% sản lượng họ sản xuất ra được bán trực tiếp cho thương lái. Thương lái cũng đóng vai trò quan trọng không chỉ trong khâu mua bán lúa, mà cả trong khâu mua bán gạo;
  • Năm 2015, diện tích trồng cao su của Việt Nam là 981.000 ha, sản lượng cao su đạt

1.017.000 tấn, chiếm 7,9% tổng sản lượng của thế giới. Việt Nam là nước sản xuất cao su thiên nhiên đứng thứ 3 trên thế giới sau Thái Lan, Indonesia. Về xuất khẩu, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới, chiếm hơn 11% thị phần thế giới. Hiện nay, ở nước ta có gần1 triệu ha cao su trong đó 49% diện tích cao su đại điền, 51% diện tích cao su tiểu điền. Khoảng 50% sản lượng mủ cao su được đưa trực tiếp đến nhà máy chế biến (chủ yếu từ các nông trường trực thuộc công ty và Hợp tác xã), một nửa còn lại được chuyển qua đối tượng thu gom. Mủ vườn cây sau khi được chế biến thành mủ cốm, mủ bành, mủ tờ, mủ latex concentrates được đem xuất khẩu trên 80% khối lượng. Còn lại gần 20% được đưa vào chế biến thành phẩm;

  • Theo số liệu ước tính của Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi trồng cá tra trong năm 2015 ước đạt 5.100/5.200 ha KH, sản lượng ước đạt 1,15/1,05 triệu tấn KH, Còn theo ước tính tổng cục thống kê, sản lượng thủy sản tháng 11/2015 ước tính đạt 490,2 nghìn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 358 nghìn tấn, tăng 3,4%; tôm đạt 76,2 nghìn tấn, tăng 6,3%. Trong những tháng cuối năm nhu cầu nhập khẩu cá tra của các nước tăng nên sản lượng cá tra công nghiệp trong tháng ước tính đạt 89,5 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có sản lượng cá tra lớn: Đồng Tháp đạt 37,2 nghìn tấn, tăng 0,2%; An Giang đạt 20,1 nghìn tấn, tăng 3,1%. Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2013 đạt 1,761 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008-2013 là 3,8%/năm. Tốc độ tăng bình quân về giá trị cao hơn về khối lượng XK cho thấy giá XK bình quân có xu hướng tăng dần, EU vẫn là khu vực thị trường nhập khẩu cá tra chính của Việt Nam trong giai đoạn này, với giá trị KNXK 385,4 triệu USD; tiếp đến là thị trường Mỹ với giá trị KNXK 380,8 triệu

 

USD; thị trường ASEAN đứng thứ ba đạt giá trị 124,8 triệu USD, Cá tra Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, riêng thị trường Châu Âu và Mỹ chiếm khoảng 50%. Tác nhân tham gia chuỗi bao gồm nhà cung cấp giống/thức ăn, nông dân, thương lái và công ty chế biến xuất khẩu. Trong chuỗi ngành cá tra, các doanh nghiệp chế biến xuất khâu đóng vai trò trung tâm của chuỗi. Trong khoảng 220 doanh nghiệp xuất khâu cá tra, có khoảng 70 doanh nghiệp có nhà máy chế biến và còn lại là các doanh nghiệp thương mại xuất khẩu cá tra.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13910/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)