Trong khoảng 10 năm gần đây, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB) thường xuyên xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng. Tổng cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp & PTNT cho biết tình trạng hạn hán đã gây thiệt hại nặng nề, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh liên tục từ 2014 – 2016 trên vùng DHNTB, lượng mưa thiếu hụt nghiêm trọng, nền nhiệt độ tăng cao, kéo dài gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống người dân.

Toàn vùng DHNTB có trên 30,8 ngàn ha đất đai bị bỏ trống không sản xuất được, trong đó, diện tích lúa gần 15,7 ngàn ha, đất rau, màu và cây ăn trái 15,2 ngàn ha. Diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán là 29.621ha, mất trắng 2.719ha, trong đó lúa mất trắng 2.182ha, rau màu và cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày bị thiệt hại 6.820ha. Các tỉnh bị thiệt hại lớn là Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận. Mặc dù đã có nhiều cố gắng thực hiện các giải pháp về nguồn nước phục vụ chống hạn nhưng đến mùa khô 2019-2020 toàn DHNTB lại một lần nữa gánh chịu một cơn đại hạn khủng khiếp gây nên những thiệt hại to lớn đối với sản xuất và đời sống người dân nơi đây. Theo đánh giá sơ bộ cơn đại hạn 2019-2020 đã gây ra nhưng thiệt hại lớn cho vùng DHNTB có thể hơn cả năm 2015-2016; Rõ ràng là an ninh nguồn nước trong vùng nghiên cứu đang chịu sức ép rất lớn từ những thách thức trước mắt cũng như lâu dài. Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, đảm bảo an ninh nguồn nước, là một yêu cầu cấp bách đặt ra đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói chung và vùng DHNTB nói riêng.

Nhằm đánh giá được hiện trạng tài nguyên nước (nước mặt, nước ngầm), hiện trạng hạn hán vùng DHNTB; đề xuất được hệ thống giám sát hạn, các giải pháp khai thác sử dụng hợp lý, đảm bảo an ninh nguồn nước ứng phó với hạn hán thường xuyên xảy ra vùng DHNTB; xây dựng được kế hoạch sử dụng nước cho các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm ứng phó hiệu quả với tình hình hạn hán vùng DHNTB, GS.TS. Lê Sâm và nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp khoa học – công nghệ khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước phục vụ phòng chống hạn, đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng duyên hải Nam Trung Bộ”.

Đề tài đã hoàn thành đúng thời gian và đạt được mục tiêu, nội dung đề ra.

  1. Các kết quả về khoa học – công nghệ:

– Đề tài đã hoàn thành đánh giá tài nguyên nước vùng DHNTB (DHNTB) bao gồm nước mưa, nước mặt và nước dưới đất; Tổng lượng mưa vùng DHNTB đạt trung bình so với cả nước, tuy nhiên phân bố không đều theo không gian và thời gian, là yếu tố làm gia tăng hạn hán, thiếu nước một số vùng. Gần 70% lượng mưa tập trung vào 3 tháng mùa mưa, mùa khô dài 8-9 tháng nắng nóng, gió mạnh chỉ có 30-35% lượng mưa; Những năm hạn hán không phải là năm có lượng mưa bé nhất, mà là năm có lượng mưa mùa khô nhỏ và số ngày không mưa kéo dài.

– Đề tài đã tổng hợp và đánh giá thực trạng hạn hán vùng DHNTB trong khoảng 10 năm trở lại đây, đặc biệt chú ý các năm hạn điển hình; Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy hạn hán diễn ra với tần suất ngày càng tăng, mức độ thiệt hại cũng ngày càng lớn; Là minh chứng sự biến đổi cực đoan của thời tiết, khí hậu nói chung và vùng DHNTB nói riêng, hai đợt hạn nặng 2016 và 2019-2020 vừa qua đã chứng minh điều đó. Rõ ràng an ninh nguồn nước đang bị đe dọa nghiêm trọng trên vùng DHNTB. Cần phải có giải pháp lâu bền cho an ninh nguồn nước phục vụ phát triển bền vững cả nước nói chung và DHNTB nói riêng.

– Đề tài đã hoàn thành xây dựng phương pháp, quy trình và công cụ kiểm kê nguồn nước phục vụ phòng chống hạn hán và điều hành cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng DHNTB; Là sản phẩm khoa học có giá trị thực tiễn góp phần dự báo, cảnh báo hạn hán và phục vụ phân phối nguồn nước hợp lý theo nhu cầu trong các kịch bản hạn hán có thể xẩy ra, đặc biệt đã xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát hạn hán thời gian thực và nhận định hạn hán trên nền tảng Web-GIS phục vụ sản xuất nông nghiệp và an ninh nguồn nước cho vùng DHNTB, đã áp dụng tính toán phục vụ thực tiễn sản xuất tại hai tỉnh Bình Định và Ninh Thuận.

– Đề tài đã hoàn thành xây dựng cơ sở khoa học khai thác sử dụng nguồn nước vùng DHNTB theo các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm ứng phó hiệu quả với hạn hán xảy ra, tính toán với các mốc hiện trạng, năm 2020 và 2030; Thông qua kết quả tính toán cân bằng nước với các mốc thời gian như trên với nền tảng dữ liệu nguồn nước đến, nhu cầu nước theo các kịch bản chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đến 2030, kết quả cho thấy khi giảm diện tích trồng lúa thì nhu cầu nước sẽ giảm ngay (tiêu biểu như Bình Định); Đề tài khảng định một trong những giải pháp đảm bảo an ninh nước cấp bách và cần thiết nhất hiện nay chính là chuyển đổi từ 30 đến 50% diện tích trồng lúa hiện tại sang hoa màu, cây ăn quả và đồng cỏ. Giải pháp này sẽ tác động giảm ngay căng thẳng về nước và có thể tăng hiệu quả kinh tế DHNTB.

– Đề tài đã hoàn thành việc đề xuất các giải pháp ngắn và dài hạn khai thác sử dụng hợp lý, bảo vệ phát triển tài nguyên nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra cho các tỉnh vùng DHNTB thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở kế thừa và phát triển các kết quả khoa học liên quan kết hợp thực tiễn vùng DHNTB, xác định các giải pháp bảo vệ và phát triển tài nguyên nước DHNTB gồm: Khôi phục và phát triển rừng đầu nguồn với tinh thần “Rừng là quê hương của nước” và khảng định “có rừng là có nước”; Phải có chính sách rất cụ thể bài bản, phải đưa cả nước vào chương trình phát triển rừng cho tổ quốc. Tiếp tục tăng cường công trình chôn trữ nước trên khắp mọi vùng đặc biệt là vùng đồi núi và ven biển; Cùng với các giải pháp như dự báo, cảnh báo, quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên nước hợp lý, chống ô nhiễm, lãng phí nước… là hết sức cần thiết; Đẩy mạnh cắt giảm diện tích lúa nước để ưu tiên cây ăn quả và đồng cỏ.

Bằng kết quả tính toán tổng hợp đề tài đã cho thấy: Toàn DHNTB có diện tích lúa là 541.000 ha năm 2018, cần lượng nước 3,2 tỷ m3, khi cắt giảm 50% diện tích lúa thì sẽ dư 1,6 tỷ m3, năm 2018 toàn DHNTB thiếu 1,62 tỷ m3, sau khi giảm 50% diện tích lúa chỉ còn thiếu 20 triệu m3, lượng thiếu này là không đáng kể; Điều này chứng minh rằng chuyển đổi diện tích lúa sang màu, cây ăn quả và đồng cỏ là đảm bảo an ninh nguồn nước bền vững cho DHNTB kể cả trước mắt cũng như lâu dài.

  1. Về thực tiễn:

– Xây dựng được kế hoạch sử dụng nước năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 theo các phương án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng vùng khô hạn DHNTB;

– Đề tài đã ứng dụng vào thực tiễn sản xuất một mô hình đập bán ngầm khai thác nguồn nước trong đồi cát ven biển phục vụ sản xuất và đời sống trên vùng khan hiếm nước tại Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Nâng cao mực nước ngầm, đảm bảo nguồn nước tưới cho Thanh Long và nước sinh hoạt ngay trong mùa hạn khốc liệt năm 2020;

– Thí điểm áp dụng công cụ giám sát dung tích hồ chứa bằng ảnh vệ tinh quang học tại tỉnh Bình Định;

– Thí điểm áp dụng công cụ giám sát dung tích hồ chứa bằng ảnh vệ tinh quang học tại tỉnh Ninh Thuận;

– Bước đầu thử nghiệm nghiên cứu ứng dụng mạng thần kinh nhân tạo để dự báo hạn hán dựa trên các chỉ số khí hậu cho vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

– Áp dụng giải pháp khai thác nguồn nước ngầm hợp lý, bảo đảm nước tưới ổn định cho vườn cây Thanh Long tại Tuy Phong, Bình Thuận trong mọi thời gian.

  1. Đề nghị công nhận 3 giải pháp hữu ích:

– Giải pháp xây dựng đập bán ngầm trữ nước vùng DHNTB;

– Giải pháp canh tác màu trên vùng hoang mạc bằng kỹ thuật tưới ngầm;

– Giải pháp khai thác nước trong đồi cát bằng hệ thống giếng thu nước

Có thể thấy, kết quả của đề tài vừa mang tính tổng thể và cụ thể, thể hiện qua các giải pháp mang tính chiến lược đảm bảo phát triển bền vững tài nguyên nước, đồng thời cũng chỉ ra các giải pháp cụ thể trước mắt nhằm đảm bảo cấp nước, chống hạn, giảm thiêu thiệt hại do hạn hán gây ra cũng như hướng tới phát triển bền vững vùng DHNTB. Những giải pháp của đề tài mang tính khả thi cao và nhiều giải pháp đã được thực tế chấp thuận, ứng dụng vào cuộc sống của người dân. Hiệu quả kinh tế được chứng minh rõ ràng khi không có công trình (mô hình mẫu) thì thiếu nước tưới và nước sinh hoạt (giếng cạn), sau khi có mô hình nguồn nước ồi dào (giếng không cạn) ngay cả trong mùa hạn nặng năm 2020; Các mô hình áp dụng tại Tuy Phong cũng mang lại hiệu quả tương tự, một gia đình nông dân từ nghèo đói, thiếu ăn, nay đã vươn lên trở thành tỷ phú có vường cây hàng chục héc ta có nước tưới quanh năm, doanh thu hàng năm từ 3-4 tỷ đồng là minh chứng cho hiệu quả của đề tài mang lại.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19010/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI) vista.gov.vn