Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ 30/12/2018, trong đó quy định nhiều ưu đãi đối với các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa các quốc gia thành viên, do đó, đây sẽ là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các mặt hàng truyền thống, có thế mạnh của Việt Nam như da giày, dệt may, đồ gỗ… Và những thị trường tiêu biểu, truyền thống như Nhật Bản được dự báo là sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là những nhóm hàng mà Việt Nam có thế mạnh.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, gỗ và sản phẩm gỗ là nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Trong số các nước tham gia Hiệp định CPTPP, ngành gỗ Việt Nam đã có quan hệ lâu đời và có thị trường xuất khẩu ổn định tới một số quốc gia và kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào các nước này cũng rất lớn. Theo số liệu của VIFOREST, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Nhật Bản đạt trên 1,3 tỷ USD (tăng 17% so với năm 2018 và chiếm khoảng hơn 13% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước), chiếm trên 20% thị trường tiêu thụ của Nhật Bản; kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Australia, New Zealand, Malaixia cũng tăng trưởng ở mức khá. Việc các nội dung của Hiệp định CPTPP tiếp tục được thực thi một cách có hiệu quả, sẽ có nhiều dòng thuế nhập khẩu giữa các nước thành viên về mức 0%; mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ được làm từ nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ các nước trong khối cũng sẽ hưởng nhiều ưu đãi; ngoài ra, Hiệp định còn quy định mức thuế suất đối với các thiết bị chế biến gỗ cũng bằng 0%, do đó đây sẽ là lợi thế rất lớn để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam và đây cũng là kỳ vọng lớn của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) đối với Hiệp định này. Trong số các thành viên tham gia Hiệp định, Nhật Bản là nền kinh tế lớn, một trong những nước đóng vai trò trụ cột của khối, là thị trường có nhiều tiềm năng, dư địa xuất khẩu cũng như nhu cầu về các sản phẩm gỗ tăng nhanh. Theo các điều khoản trong CPTPP, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm G&SPG thuộc danh mục EIF của Việt Nam kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực với Nhật Bản; bên cạnh đó, áp dụng lộ trình 15 năm đối với các mặt hàng gỗ cây lá kim ván ép và áp dụng quy chế ngưỡng nhập khẩu đối với một vài mặt hàng nhưng đảm bảo lợi ích xuất khẩu của Việt Nam. So với các Hiệp định AJCEP và VJEPA, đây là những cam kết mạnh mẽ mà Nhật Bản dành cho các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam, điều này sẽ mở cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam gia tăng thị phần và sản lượng tiêu thụ các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ tại thị trường Nhật Bản. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng và đề xuất một số giải pháp nhằm đầy mạnh xuất khẩu G&SPG là một mục tiêu, một yêu cầu khách quan, nhằm duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong tình hình mới – bối cảnh thực hiện các FTAs, trong đó có CPTPP.

Vì những lý do trên, nhóm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, do ThS. Vương Quang Lượng đứng đầu đã đề xuất thực hiện thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Nhật Bản trong bối cảnh thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đề tài thực sự cần thiết và mang tính cấp bách, không chỉ có ý nghĩa về lý luận, mà còn có ý nghĩa thực tiễn, góp phần đưa ra những quan điểm, định hướng đúng đắn và đề xuất các giải pháp, chính sách có tính khả thi nhằm đẩy mạnh xuất khẩu G&SPG của Việt Nam.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận như sau:

– Đề tài đã hệ thống hóa và làm rõ một số vấn đề lý luận về phát triển xuất khẩu mặt hàng G&SPG. Trong đó, chỉ rõ khái niệm, nội dung và tiêu chí đánh giá phát triển xuất khẩu trên cả ba góc độ tiếp cận là kinh tế, môi trường và xã hội.

– Đề tài cũng đã tìm hiểu và nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước (bao gồm cả trong và ngoài CPTPP) trong việc phát triển xuất khẩu G&SPG sang Nhật Bản và rút ra một số bài học là phải: chủ động thực hiện và điều chỉnh các chiến lược, chương trình phát triển xuất khẩu các sản phẩm gỗ phù hợp với lợi thế so sánh của nước mình; đa dạng hóa nguồn cung gỗ nguyên liệu, tạo sự phát triển bền vững cho ngành; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, phát triển thị trường xuất khẩu; và nâng cao khả năng đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật…

– Đề tài cũng đã phân tích, đánh giá thực trạng xuất khẩu mặt hàng G&SPG của Việt Nam sang Nhật Bản; đánh giá những tác động của hoạt động xuất khẩu G&SPG đến các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. Đánh giá một số kết quả khảo sát doanh nghiệp xuất khẩu G&SPG thông qua bảng hỏi, những kết quả đạt được, cũng như thành công, hạn chế và kiến nghị của doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước.

– Trên cơ sở lý thuyết về phát triển xuất khẩu đối với mặt hàng G&SPG, cùng với những đánh giá về thực trạng xuất khẩu trong thời gian qua và những đánh giá về cam kết của Nhật Bản đối với sản phẩm gỗ Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP, đề tài đưa ra những dự báo về cơ hội cũng như thách thức đối với ngành gỗ Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến những khó khăn về sự cạnh tranh đến từ các nước trong Hiệp định cũng như những rào cản về mặt kỹ thuật ngày càng khắt khe của Nhật Bản. Từ đó đưa ra quan điểm, định hướng và đề xuất một số giải pháp nhằm tranh thủ tối đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại, đẩy mạnh xuất khẩu G&SPG của Việt Nam theo hướng ổn định và bền vững. Đồng thời, đề tài cũng đưa ra một số kiến nghị với Nhà nước, với doanh nghiệp và hiệp hội trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng ngành gỗ trong những năm tới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước

Kết quả của đề tài là căn cứ để điều chỉnh chính sách nhằm phát triển xuất khẩu mặt hàng G&SPG sang thị trường Nhật Bản phù hợp với tình hình mới trong bối cảnh hội nhập và tăng cường ký kết cũng như thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có Hiệp định CPTPP.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18355/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI) vista.gov.vn