Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, là một khâu đột phá trong việc thực hiện Chiến lược kinh tế-xã hội 2011-2020, và chắc chắn sẽ tiếp tục là khâu đột phá chiến lược trong 10 năm tới. Để thực hiện chủ trương này Chính phủ đã ban hành Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Theo đó, do tầm quan trọng của công nghệ thông tin (CNTT), sẽ triển khai quyết liệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành một nước mạnh về công nghệ thông tin-truyền thông”.

Tuy nhiên, có thể thấy chất lượng Chiến lược cũng như Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 – 2020 ở tất cả các bình diện quốc gia, bộ, ngành và địa phương còn rất nhiều bất cập, hạn chế. Trong đó bất cập và hạn chế lớn nhất là kết quả dự báo còn rất thiếu tin cậy, gây khó khăn rất lớn cho việc đề xuất giải pháp cũng như hoạch định chính sách phát triển nhân lực nhằm khắc phục điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội ở phạm vi quốc gia cũng như địa phương, kể cả trước mắt cũng như lâu dài.

Riêng đối với công tác GD&ĐT, do chưa dự báo được nhu cầu nhân lực của xã hội cũng như toàn nền kinh tế một cách tin cậy, sát với đòi hỏi của thực tiễn, nên hiện tượng đào tạo vừa thừa vừa thiếu diễn ra khá phổ biến và ngày càng trầm trọng hơn. Trong bối cảnh trên, vấn đề dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở đổi mới chương trình đào tạo trong lĩnh vực CNTT có tính cấp thiết cao do tầm quan trọng đặc biệt của lĩnh vực này.

Xuất phát từ thực tiễn trên, PGS. TS. Trần Thị Thái Hà và nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã thực hiện đề tài Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025” với mục tiêu: Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực làm cơ sở định hướng xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025 và đề xuất các giải pháp triển khai (nghiên cứu trường hợp ngành CNTT).

Ở Việt Nam, từ những năm 80 của thế kỷ trước, các nghiên cứu về dự báo nhân lực và nhu cầu đào tạo nhân lực đã được thực hiện. Sau đó, trong một thời gian dài, nghiên cứu về vấn đề này không được quan tâm đúng mức nên đã không có công trình nghiên cứu nào. Từ năm 2007, nghiên cứu dự báo nhân lực mới được đặt ra cấp bách với minh chứng là việc xây dựng các trung tâm dự báo về lao động hoặc nhân lực ở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, các công trình nghiên cứu về dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực là còn ít, mặc dù vậy, đã có những đóng góp bước đầu và quan trọng về cả giá trị lý luận và thực tiễn.

Ngoài việc nghiên cứu cơ sở lý luận về dự báo nhu cầu nhân lực và học hỏi phương pháp, mô hình dự báo của các nước thì các nhà nghiên cứu và quản lý nhân lực của Việt Nam cũng đã tự áp dụng các phương pháp toán thống kê và mô hình dự báo sẵn có để thực nghiệm dự báo nhân lực và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực của Việt Nam. Trước hết, cần khẳng định, ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào thực hiện về việc định hướng và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực một cách khoa học và cụ thể. Hầu hết các dự báo hiện nay chủ yếu vẫn tập trung vào dự báo phát triển nhân lực nói chung cho cả nước hoặc chỉ tập trung vào đại học. Các dự báo phân theo ngành cụ thể còn ít và chủ yếu tập trung ở các địa phương lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Việc xác định nhu cầu về đào tạo nghề phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội chưa thực sự được quan tâm thích đáng.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Việt Nam đã có nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực CNTT nói riêng trẻ, trình độ chuyên môn khá, năng động, ham học hỏi, khả năng tiếp thu nhanh, cần cù, chịu khó với công việc. Tuy nhiên, nguồn nhân lực nước ta đang rơi vào tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, mất cân đối cung-cầu nghiêm trọng trên cả hai bình diện lượng và chất. So với mục tiêu đề ra theo NQ 36 ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị là “phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước về số lượng và chất lượng, có khả năng cung cấp nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho khu vực và thế giới” thì hiện trạng nguồn nhân lực CNTT đặt ra nhiều vấn đề phải xem xét.

Vấn đề phải xem xét mà đề tài này đặt ra là những bất cập trong công tác dự báo và kèm theo đó là sự chậm đổi mới của chương trình đào tạo. Vì thế, đề tài này tìm câu trả lời cho những câu hỏi sau, giới hạn trong phạm vi nhân lực CNTT trình độ đại học:

– Về số lượng, cầu nhân lực CNTT trình độ đại học trong giai đoạn 2021-2025 sẽ có biến động như thế nào xét theo ngành kinh tế và theo vị trí việc làm;

– Về chất lượng, đâu là khoảng trống thiếu hụt trong cung-cầu nhân lực CNTT trình độ đại học;

– Về chương trình đào tạo, việc đổi mới phải được thực hiện như thế nào để khắc phục khoảng trống thiếu hụt nêu trên;

– Về cơ sở dữ liệu, cần xây dựng thế nào để công tác dự báo nhân lực CNTT trong tương lai được thực hiện một cách tin cậy và kịp thời.

Để dự báo cầu nhân lực CNTT về số lượng, phân theo ngành kinh tế và vị trí việc làm, trong giai đoạn 2021-2025, Đề tài đã sử dụng mô hình I/O mở rộng và mô hình hệ số kinh tế với dữ liệu đầu vào là các chỉ tiêu tăng trưởng đến năm 2025 đã được điều chỉnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19.

Kết quả dự báo cho thấy:

1) Nhìn chung trong 5 năm tới, cầu nhân lực trình độ đại học tăng thêm hằng năm khoảng 500.000-600.000 người, số lượng này hệ thống GDĐH Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng được;

2) Tuy nhiên, cầu nhân lực CNTT trình độ đại học gia tăng đáng kể, cần thêm khoảng 80.000-100.000 người hằng năm; điều này đòi hỏi tái cơ cấu hệ thống GDĐH nhằm đáp ứng sự gia tăng về chỉ tiêu đào tạo trong lĩnh vực CNTT;

3) Trong tổng cầu nhân lực CNTT trên thì khoảng 70% nhu cầu tập trung vào các ngành thông tin và truyền thông (25%), bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (15%), công nghiệp chế biến, chế tạo (12%), GD&ĐT (11%); điều này đặt ra vấn đề cân đối chỉ tiêu đào tạo theo các nhóm ngành;

4) Riêng trong ngành công nghệ thông tin, có sự dịch chuyển đáng kể về các vị trí việc làm, theo đó có những vị trí tăng nhanh về nhu cầu (như nhà lập trình các ứng dụng, nhà phát triển phần mềm, v.v…), có những vị trí giảm về nhu cầu (như kỹ thuật viên hỗ trợ, kỹ thuật viên trang web v.v…); điều này đòi hỏi điều chỉnh các chương trình đào tạo theo chuyên ngành trong lĩnh vực CNTT.

Trên cơ sở điều tra khảo sát thông qua phiếu hỏi, phỏng vấn, hội thảo và tọa đàm, tập trung vào các bên liên quan gồm giảng viên CNTT, sinh viên năm cuối theo học CNTT, sinh viên tốt nghiệp CNTT, người lao động làm việc trong các ngành CNTT và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, đề tài đã nhận dạng được khoảng trống thiếu hụt về chất lượng đào tạo trong cung-cầu nhân lực CNTT.

Để định hướng cho việc đổi mới chương trình đào tạo, ngoài việc nhận dạng khoảng thiếu hụt về chất lượng đào tạo trong cung-cầu nói trên, Đề tài đã tham khảo một số kinh nghiệm và xu thế quốc tế trong phát triển chương trình đào tạo CNTT, bao gồm: 1) Xu thế xây dựng các khung chương trình hoặc các hướng dẫn chung về chương trình; 2) Xu thế xác định các năng lực chung về CNTT; 3) Xu thế áp dụng phương pháp CDIO trong tổ chức chương trình đào tạo theo tiếp cận năng lực. Trên cơ sở đó, Đề tài đã đề xuất cấu trúc khung của các chương trình đào tạo trong lĩnh vực CNTT nhằm đáp ứng các yêu cầu sau: Chương trình đào tạo phải (i) chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực; (ii) chuyển từ trọng cung sang trọng cầu, bảo đảm thực học, thực nghiệp; (iii) chuyển từ đóng sang mở, hướng tới học tập suốt đời; (iv) kế thừa và phát triển những năng lực chung của chương trình giáo dục phổ thông mới; (v) khai thác, tiếp thu, thường xuyên cập nhật những bước tiến trong phát triển chương trình đào tạo CNTT trên thế giới.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18837/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Đ.T.V (NASATI) vista.gov.vn