Tôm hùm là đối tượng nuôi lồng trên biển chủ lực ở một số tỉnh thuộc vùng duyên hải Việt Nam (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận). Với diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản biển rộng lớn, người dân đã tận dụng diện tích để xây dựng hệ thống lồng/bè nuôi với các hình thức lồng nuôi như: nuôi bằng lồng chìm (lồng sắt) ở Sông Cầu (Phú Yên), Cam Ranh (Khánh Hòa); lồng găm ở Vạn Ninh, Cam Ranh (Khánh Hòa), Ninh Hải (Ninh Thuận); bè nổi ở Qui Nhơn (Bình Định), Sông Cầu, Đông Hòa (Phú Yên), Vạn Ninh, Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hòa), Ninh Hải (Ninh Thuận). Cho đến nay, tại các vùng nuôi tôm hùm lồng việc phát triển còn mang tính tự phát, công tác quản lý lồng/bè nuôi chưa được quan tâm đúng mức, kiến thức nuôi tôm hùm của bà con ngư dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính. Việc nhận biết dấu hiệu các bệnh trên tôm hùm nuôi lồng và biện pháp phòng trị bệnh cho tôm còn sơ sài, đôi khi thiếu sự hiểu biết. Vì vậy, bệnh trên tôm hùm nuôi lồng thường xuyên xảy ra, đặc biệt là bệnh sữa, một bệnh do vi khuẩn gây ra, lây nhiễm trên diện rộng và việc chữa trị chưa thực sự mang lại hiệu quả cao, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng tôm hùm nuôi trong thời gian gầy đây.

Đến nay, có ít các công trình nghiên cứu về giải pháp kỹ thuật và quản lí phòng trị bệnh trên tôm hùm, đặc biệt là bệnh sữa trên tôm hùm ở Việt Nam. Bệnh sữa gây nguy hiểm, lây nhiễm nhiều, xuất hiện thường xuyên nhưng chưa có giải pháp đồng bộ và tổng thể, bao gồm các giải pháp về kỹ thuật nuôi, giải pháp quản lí phòng trị bệnh sữa hiệu quả nhằm giảm thiểu sự xuất hiện bệnh, giảm thiểu rủi cho người nuôi tôm hùm lồng ở Việt Nam, đặc biệt khu vực các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

Các nghiên cứu trước đây về bệnh sữa trên tôm hùm mới chỉ tập trung vào việc tìm tác nhân gây bệnh, phương pháp chẩn đoán và thử nghiệm dùng kháng sinh để điều trị bệnh. Chưa có công trình nghiên cứu nào về giải pháp kỹ thuật và quản lí phòng trị bệnh sữa ở tôm hùm nuôi lồng. Mặt khác, cho đến thời điểm này, phát đồ điều trị bệnh sữa bằng cách tiêm kháng sinh oxytetracycline đã được Bộ NN & PTNT hướng dẫn ít được người nuôi tôm hùm sử dụng bởi gặp khó khăn trong cách dùng (tiêm), tiêu tốn nhiều công sức, ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng quần đàn tôm nuôi. Do vậy, việc nghiên cứu giải pháp kỹ thuật và quản lí phòng trị bệnh sữa ở tôm hùm nuôi lồng nhằm chỉ ra được điều kiện phát sinh dịch bệnh sữa trên tôm hùm nuôi và chủng vi sinh vật gây bệnh sữa trên tôm hùm; đề xuất được qui trình phòng trị hiệu 2 quả bệnh sữa; qui trình kỹ thuật nuôi và quản lí vùng nuôi phòng trị bệnh sữa trên tôm hùm hiệu quả, đồng thời thực nghiệm mô hình áp dụng các giải pháp đã được đề xuất để người dân có thể học tập và áp dụng là việc làm hết sức cần thiết ở thời điểm hiện tại.

Xuất phát từ thực tế trên, PGS.TS. Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III phối hợp với các nhà nghiên cứu, kỹ sư thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật và quản lý phòng trị hiệu quả bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng” với mục tiêu tìm ra giải pháp kỹ thuật và quản lý phòng, trị hiệu quả bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng.

Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã đạt được một số kết quả nổi bật sau:

– Đã chỉ ra được các chủng vi sinh vật có trong máu tôm hùm bị bệnh sữa thu tại vùng nuôi tôm hùm lồng của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa có thành phần loài vi khuẩn nuôi cấy được rất phong phú và không có sự khác biệt ở cả 3 vùng nuôi, cụ thể:

+ Nhóm Vibrio, có 6 loài đã được tìm thấy, V. aginolyticus, V. parahaemolyticus, V. vulnificus, V. anguilarum, V. harveyi và Vibrio sp.. Trong đó, loài bắt gặp với tần suất khá cao là loài V. aginolyticus (65,3%).

+ Nhóm Aerononas, có 4 loài đã được tìm thấy, A. salmonicida, A. media, A. hydrophila và Aeromonas sp. và các loài này bắt gặp với tần suất thấp, từ 6,7-25,3%.

+ Nhóm Pseudomonas, có 4 loài đã được tìm thấy, P. putida, P. vesicularis, P. cepacia và Pseumonas sp. và các loài này bắt gặp với tần suất thấp, từ 18,0-30,0%.

Ngoài ra, còn bắt gặp một số vi khuẩn khác, tuy nhiên tần suất xuất hiện rất thấp (2,0-6,0%) trên các mẫu máu tôm hùm bị bệnh sữa thu được ở các vùng nuôi của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.

– Đã chứng minh được rickettsia like bacteria (RLB), là vi khuẩn không nuôi cấy được, có dạng cong như vành trăng khuyết, Gram (-), chiều dài 1,5-2,0 µm, bắt gặp 100% số mẫu tôm hùm bị bệnh sữa đem nghiên cứu là tác nhân chính gây nên bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng. Các vi khuẩn khác tìm thấy trong máu tôm hùm bị bệnh sữa chỉ là tác nhân cơ hội, kết hợp với RLB làm bệnh phát triển nhanh hơn và gây tác hại nặng hơn.

– Đã xác định được kháng sinh có khả năng trị hiệu quả bệnh sữa là tetracyline và phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm hùm bằng thuốc kháng sinh kết hợp với hoạt chất sinh học Mos, chế phẩm sinh học đã được đề xuất, cho hiệu quả điều trị tôm hùm khỏi bệnh sữa hơn 86% (ở cả trong điều kiện thí nghiệm và ngoài thực địa), phác đồ điều trị này đã được Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật số 03-02:2017/BNNPTNT.

– Đề tài đã xác định được một số giải pháp kỹ thuật có khả năng hạn chế mầm bệnh RLB nhiễm vào tôm hùm nuôi lồng, gồm: Cho tôm hùm ăn thức ăn có nguồn gốc nước ngọt, rửa thức ăn tươi bằng KMnO4, cho ăn thức ăn tươi xen kẽ thức ăn công nghiệp (thức ăn viên), đồng thời đã đề xuất được quy trình kỹ thuật phòng và quản lý bệnh sữa hiệu quả trên tôm hùm nuôi lồng.

– Kết quả triển khai 02 mô hình (01 ở Phú Yên và 01 ở Khánh Hòa) nuôi tôm hùm áp dụng tổng hợp các giải pháp nhằm phòng trị hiệu quả bệnh sữa đã đạt được một số chỉ tiêu: Tôm hùm nuôi không bị bệnh sữa trong suốt quá trình triển khai mô hình; Tỷ lệ sống của tôm: 90,3-93,3%, kích cỡ tôm trung bình: 610-800 g/con, khối lượng tôm hùm: 2.721 kg, năng suất trung bình: 4,37 kg/m2 lồng (tính đến thời điểm kết thúc mô hình).

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15128/2017) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.K.L (NASATI)