Hiện nay, dự báo sóng biển chỉ mới được thực hiện ở Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (DBKTTVTƯ) và chủ yếu được sử dụng như nguồn tham khảo cho bản tin dự báo hằng ngày. Dự báo sóng tại trung tâm DBKTTVTƯ đang ở trong giai đoạn đầu nên rất cần có công nghệ dự báo sóng hoàn thiện để phục vụ cho dự báo tác nghiệp hàng ngày khi có bão hay gió mùa mạnh.
Để hoàn thiện công nghệ dự báo sóng biển, bên cạnh việc áp dụng mô hình số trị dự báo sóng phiên bản mới nhất, khai thác triệt để các lựa chọn, tính năng của chúng thì đòi hỏi phải tìm tòi thêm các nguồn số liệu quan trắc khác ngoài nguồn số liệu hiện nay. Công nghệ Ra đa biển có rất nhiều ưu thế trong quan trắc biển. Kết hợp giữa số liệu điều tra cơ bản từ mạng lưới quan trắc và giám sát tại trạm KTHV cố định với số liệu Ra đa biển đang tạo ra những lợi ích và hiệu quả thiết thực phục vụ cho kiểm chứng và hiệu chỉnh mô hình dự báo sóng.
Việc triển khai thử nghiệm, kiểm định, đánh giá sản phẩm của đề tài thực hiện trong Trung tâm KTTVQG vào thực tiễn dự báo khí tượng thủy văn biển và sau đó là khả năng đưa vào dự báo tác nghiệp tại Trung tâm KTTVQG sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với các đề tài thực hiện ngoài ngành KTTV.
Với hiện trạng và nhu cầu thực tiễn, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ và bồi dưỡng nghiệp vụ khí tượng thủy văn và môi trường đã thực hiện đề tài:
“Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ dự báo sóng tác nghiệp cho vùng biển vịnh Bắc Bộ có sử dụng số liệu ra đa biển” trong giai đoạn 2012-2014.
Một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:
- Hệ thống dự báo sóng WAM-SWAN trong đề tài này có nhiều điểm mới so với các đề tài đã thực hiện trước đây có sử dụng WAM, SWAN: Mô hình SWAN trong hệ thống này là phiên bản mới có lựa chọn lưới phi cấu trúc mà các đề tài trước không có, lưới tính phi cấu trúc có thế mạnh là thể hiện được địa hình ven bờ chi tiết hơn lưới có cấu trúc, đồng thời tối ưu hóa tổng số nút lưới trên toàn miền tính; Trong hệ thống này đã đưa được chương trình đồng hóa số liệu theo sơ đồ lọc Kalman vào trong SWAN; Việc kết nối SWAN với WAM được thực hiện hoàn chỉnh hơn và hệ thống WAM- SWAN chạy tự động từ công đoạn nhận số liệu trường gió đầu vào đến chạy WAM, SWAN, chiết xuất kết quả và hiện thị bản đồ trường sóng biển Đông, trường sóng vịnh Bắc Bộ nhờ phần mền đồ họa GRADS phiên bản cho
- Hệ thống dự báo sóng WAM-SWAN đã được kiểm định và hiệu chỉnh trong bão và gió mùa mạnh nhờ nguồn số liệu thu thập được khá phong phú và được phân tích lựa chọn kỹ càng trước khi đưa vào hiệu chỉnh và kiểm định.
- Hệ thống dự báo sóng WAM-SWAN đã được thử nghiệm cho dự báo sóng trong bão và gió mùa mạnh năm 2013-2014 tại Đài KTTVKV Đông Bắc và Phòng Dự báo KTTVB trung tâm DBKTTVTƯ. Kết quả dự báo sóng thử nghiệm rất khả quan, nhất là trong trường hợp gió mùa mạnh WAM-SWAN mô phỏng khá tốt trường sóng trong vịnh Bắc Bộ. Trong bão phần lớn các trường hợp WAM-SWAN mô phỏng tương đối tốt, nhưng vẫn còn một số trường hợp kết quả dự báo sóng còn sai lệch tương đối nhiều so với thực đo tại trạm KTHV trong khu vực vịnh Bắc Bộ, sự sai lệch này có thể từ nguyên nhân trường gió dự báo đầu vào trong bão chưa sát với thực tế diễn biến của bão, số liệu quan trắc sóng tại trạm KTHV trong khu vực dựa trên phương pháp quan trắc thủ công như ước lượng bằng mắt thường hoặc được đo bằng máy ngắm sóng IVANOB (thực chất cũng là ước lượng), chất lượng cua nguồn số liệu này phụ thuộc vào kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm của các quan trắc viên. Qua phân tích số liệu thực đo tại các trạm KTHV trong khu vực, một số thời điểm còn tồn tại các nghi vấn bất hợp lý.
Ngoài công nghệ dự báo sóng phù hợp thì vấn đề quan trọng là cần có được trường gió dự báo tốt, tin cậy.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13544) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)