Sốt rét là một bệnh do ký sinh trùng sốt rét thuộc chi Plasmodium gây nên thường phổ biến ở các nước nhiệt đới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển thuộc khu vực châu Á và châu Phi. Mỗi năm, thế giới có thêm khoảng 300 triệu người bị nhiễm sốt rét và hơn một triệu người trong số đó chết. Sự kháng rất nhanh của ký sinh trùng sốt rét đối với những thuốc có nhóm quinoline như quinine và chloroquine là vấn đề rất khó khăn cho việc kiểm soát và tìm ra thuốc để điều trị bệnh này (Trigg et al., 1998). Như vậy, việc tìm ra nguồn dược liệu mới nhằm mục đích phát triển những thuốc hiệu quả nhanh, không có độc tố và giá thành thấp để thay thế các thuốc ngày càng trở nên ít hiệu quả là rất cần thiết.

Giai đoạn ký sinh trong tế bào hồng cầu của người hoặc động vật, ký sinh trùng sốt rét sử dụng nguồn acid amin từ sự thủy phân hemoglobin. Quá trình thủy phân hemoglobin kèm theo sự giải phóng nhóm heme tự do, nhóm heme tự do này gây độc đối với tế bào và làm cho ký sinh trùng sốt rét chết. Để tránh sự tổn thương do nhóm heme tự do gây ra, ký sinh trùng sốt rét biến đổi heme thành những chất không gây độc. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hơn 90% heme được kết tinh thành hemozoin (HZ) hay còn gọi là *-hematin (BH), một chất không tan trong nước được tạo thành trong không bào tiêu hóa của ký sinh trùng sốt rét. Hiện nay đã được biết cơ chế khử độc heme là duy nhất và chuyên biệt đối với ký sinh trùng sốt rét (Sullivan et al., 1996).

Từ xưa, trong dân gian đã sử dụng rộng rãi một số loài thảo mộc để làm thuốc chữa bệnh. Có khoảng 80% dân số trên thế giới đang được điều trị chủ yếu bằng phương pháp y học cổ truyền, đặc biệt là điều trị với các phương thuốc làm từ các chất chiết thực vật (Phillipson et al., 1991). Theo kết quả điều tra của tổ chức Y tế thế giới, khoảng 25% số thuốc hiện sử dụng có nguồn gốc từ các cây thuốc đã được dân gian sử dụng từ lâu. Mặt khác các loại thuốc dùng để trị bệnh sốt rét được sử dụng hiện nay phần lớn có nguồn gốc từ thực vật như quinine và artemisinin, hoặc là các dẫn xuất được tổng hợp dựa trên kiểu mẫu của các hợp chất thiên nhiên như chloroquine được tổng hợp dựa trên công thức của quinine, hay artesunate, artemether, arteether là dẫn xuất của artemisinin. Nhiều cây cỏ ở Việt Nam đã được chứng minh có khả năng ức chế sự phát triển của ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum 3D7 in vitro như: cây Gòn (Ceiba pentandra (L.) Gaertn.), cây Bá bịnh (Eurycoma longifolia Jack.), Ké đầu ngựa (Xanthium strumarium DC.),… (Quan et al., 2003) Dịch chiết từ Tinospora crispa được cho là có khả năng kháng ký sinh trùng sốt rét (Hasimah et al., 1991).

Xuất phát từ thực tế trên, nhà nghiên cứu Tôn Thất Quang cùng các đồng nghiệp thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu hoạt tính kháng ký sinh trùng sốt rét của một số cây thuốc Việt Nam” nhằm các mục tiêu:
* Khảo sát hoạt tính kháng ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum của một số cây họ Cúc (Asteraceae) như: Sơn quỳ, Sơn cúc ba thùy, Cúc mui,… và cây Dây xanh họ Tiết dê (Menispermaceae).

* Tiến hành cô lập và xác định cấu trúc của những hợp chất của những cây có hoạt tính mạnh nhất.

* Thử nghiệm hoạt tính kháng ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum của những hợp chất cô lập được.

Sau đây là một số kết quả nổi bật của đề tài: 

Đã tìm hiểu, khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính kháng ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum của một số cây họ Cúc (Asteraceae) như: Sơn cúc hai hoa (Wedelia biflora), Sơn cúc ba thùy (Wedelia trilobata), Ngải cứu (Artemisia vulgaris L.), cây Dây xanh (Tiliacora triandra) họ Tiết Dê (Menispermaceae).

Tính mới:

Đã cô lập được một số hợp chất mới từ cây Sơn cúc hai hoa (Wedelia biflora), Sơn cúc ba thùy (Wedelia trilobata) và Ngải cứu (Artemisia vulgaris L.). Một số cây có hoạt tính kháng ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum đáng chú ý như Sơn cúc ba thùy (Wedelia trilobata), Ngải cứu (Artemisia vulgaris L.) và cây Dây xanh (Tiliacora triandra).

Đề tài đã đạt được những kết quả khá khả quan. Một số cây thuốc dân gian và một số hợp chất tinh khiết được cô lập cho hoạt tính kháng ký sinh trùng sốt rét plasmodium falciparum trên mô hình in vitro đáng quan tâm.

Đề tài có khả năng phát triển ở mức độ cao hơn, tiến hành thử nghiệm hoạt tính kháng ký sinh trùng sốt rét plasmodium falciparum trên mô hình in vivo, tiến tới định hướng ứng dụng các cậy thuốc cũng như các hoạt chất vào thực tế điều trị bệnh sốt rét.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14268/2017) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.K.L (NASATI)