Theo Tổng cục Thống Kê năm 2015, dân số Thành phố Hồ Chí Minh đạt 8.146.300 người, đây là nơi tập hợp nhiều khu đô thị, công nghiệp, bệnh viện, siêu thị, trung tâm thương mại, và trung tâm hành chính khác. Với dân số đông, tương ứng phát sinh một lượng lớn nước thải cần được xử lý. Về mặt môi trường, khi nhu cầu ngày càng lớn, dưới áp lực dân số sẽ kéo theo khó khăn về diện tích, mặt bằng xây dựng cho các công trình xử lý nước thải tại nội thành. Hiện nay một trong những công nghệ rất phổ biến được ứng dụng nhiều nhất là công nghệ bùn hoạt tính thông thường (Conventional Activated Sludge – CAS), tuy nhiên hệ thống CAS đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế như khó khăn trong nâng cấp công suất, lượng bùn sinh ra quá cao, chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn xả thải, tái sử dụng theo nhu cầu của nhiều quốc gia như hiện nay.

Ở đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, phát sinh môt lượng lớn nước thải từ nhiều ngành nghề, hiện nay đáng chú ý chính là nước thải từ các bệnh viện và trạm y tế, cơ sở chăm sóc sức khỏe. Do đặc thù, những chất thải từ nước thải bệnh viện có thể dể dàng tiếp xúc với cơ thể người đồng thời gây ra ô nhiễm nguồn nước và sức khỏe cộng đồng (Nguyen và cộng sự, 2016). Đặc biệt là các chất ô nhiễm vi lượng từ nước thải y tế, bệnh viện tồn động trong nước thải đô thị ngày nay được xem là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, có thể có ảnh hưởng bất lợi cho môi trường dù chúng ở nồng độ thường thấp tại nơi được phát thải. (Jan Sipma và cộng sự, 2009).

 

Nguồn gốc nước thải y tế, chủ yếu phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt của đội ngũ công nhân viên, bác sĩ, bệnh nhân; từ hoạt động khám chữa bệnh: mổ, tẩy rửa, sát trùng… từ các cơ sở chăm sóc sức khỏe, bệnh viện. Do đó, tính chất nước thải tương tự như nước thải sinh hoạt, nhưng có thêm các thành phần đặc trưng như: vi khuẩn, vi rút gây bệnh, các chất kháng sinh, kim loại nặng, chất độc, dược phẩm (PhACs), hóa chất trong quá trình điều trị, chữa bệnh (PPCPs); chất phóng xạ từ quá trình chuẩn đoán và điều trị). Theo Emmanuel và cộng sự (2002) nước thải bệnh viện có tính chất hỗn tạp, giống cả nước thải đô thị, công nghiệp, và nước thải từ quá trình chăm sóc, nghiên cứu y tế.

Xuất phát từ những thực tiễn đó, Cơ quan chủ quản Qũy phát triển khoa học và công nghệ quốc gia phối hợp cùng PGS.TS Bùi Xuân Thành thực hiện nghiên cứu nhằm mục tiêu:

  • Xác định đặc tính của kháng sinh bị ô nhiễm trong nước thải bệnh viện tại Tp. Hồ Chí Minh
  • Nghiên cứu đánh giá hiệu quả xử lý để loại bỏ kháng sinh trong nước thải bệnh viện bằng công nghệ sinh học màng Sponge-MBR.
  • Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý nước thải bệnh viện dựa trên công nghệ màng kết hợp quá trình ozone hoá.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 26 HTXLNT bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh. Đánh giá nồng độ ô nhiễm chất kháng sinh có trong nước thải của 26 bệnh viện được khảo sát. Phân tích đánh giá nồng độ các chất kháng sinh: norflorxacine, ofloxacine, ciprofloxacine (nhóm Fluoroquinolones) và sulfamethoxazone (nhóm sulformides).

Kết quả nghiên cứu đánh giá được ô nhiễm kháng sinh và các chất ô nhiễm khác trong nước thải bệnh viện tại TPHCM

  • So sánh và đánh giá được hiệu năng xử lý của MBR thông thường và Sponge MBR trong xử lý nước thải bệnh viện.
  • Đánh giá được khả năng loại bỏ các loại kháng sinh phổ biến và các chất ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, v.v… trong nước thải bệnh viện bằng công nghệ sponge MBR kết hợp quá trình oxi hoá

Tổng hợp kết quả công bố ISI:

  • Số bài báo quốc tế uy tín đề tài đăng ký: 02 quốc tế uy tín + 01 quốc tế khác + 02 tạp chí trong nước.
  • Số bài báo ISI đề tài đã được công bố/chấp nhận công bố: 02 ISI uy tín + 01 quốc tế uy tín + 01 quốc tế khác + 01 tạp chí trong nước và 01 hội thảo quốc tế.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15264/2018) tại Cục Thông tin KH&CNQG.

Đ.T.V (NASATI)