Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn.) thuộc họ Sâm cau (Hypoxidaceae) là cây thuốc quý trong y học cổ truyền Việt Nam và các nước châu Á khác. Do nhu cầu sử dụng dược liệu tăng mạnh trong thời gian gần đây, dẫn đến nguồn nguyên liệu trở nên cạn kiệt. Mặt khác, vùng phân bố của Sâm cau bị tàn phá nghiêm trọng khiến loài cây này rơi vào tình trạng gần như tuyệt chủng. Hiện nay, do việc nhân giống in vitro cây Sâm cau đang gặp rất nhiều vướng mắc như: tỷ lệ phần trăm mẫu nhiễm khuẩn cao và do quá trình mẫu oxy hóa phenolic lớn và sự nảy chồi rất chậm trong nuôi cấy. Để đáp ứng nhanh và bền vững nguồn giống Sâm cau có chất lượng tốt, cần có những biện pháp kỹ thuật để khắc phục những hạn chế trong quá trình nhân giống in vitro cây Sâm cau.
Trong nền y học dân gian Việt Nam có rất nhiều bài thuốc sử dụng Sâm cau, nhưng việc nghiên cứu xác định thành phần hóa học đánh giá được giá trị dinh dưỡng, tìm kiếm các chất có tính dược lý trong Sâm cau có ý nghĩa to lớn, không những góp phần nâng cao giá trị gia tăng từ trồng cây Sâm cau, còn góp phần bổ sung thêm những cơ sở khoa học cho các nghiên cứu về cây Sâm cau trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và quảng bá thương hiệu trên trường quốc tế về một loại dược liệu quí hiếm của Việt Nam. Vì những lý do đó, Trung tâm Sinh học Thực nghiệm đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu nhân giống in vitro và xác định một số thành phần hóa học chính trong cây Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn.) của Việt Nam” nhằm phục vụ nhân giống, bảo tồn nguồn gen qúy hiếm và góp phần khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu cho ngành dược và sản xuất thực phẩm chức năng từ cây Sâm cau. Đề tài do ThS. Nguyễn Thị Lài làm chủ nhiệm, được thực hiện trong thời gian từ năm 2017 đến 2018.
Một số kết quả nổi bật của đề tài:
- Thu thập và xác định vùng phân bố cây Sâm cau chủ yếu phân bố ở khu rừng lá rộng thường xanh ở độ cao 700 – 1.200 m trên đất, chúng mọc sát ngay bề mặt đất nơi đất giàu mùn, độ ẩm và độ xốp cao, thoáng khí; thậm chí ngay trên lớp thảm mục của rừng đang phân huỷ. Điều tra điểm khảo sát cho thấy loài Sâm cau phân bố rải rác với số lượng rất ít.
- Các hóa chất và môi trường phù hợp sử dụng trong nuôi cấy in vitro loài Sâm cau bao gồm: chất khử trùng: dung dịch NaOCl 2% trong 15 phút, cho tỷ lệ mẫu sạch 81,2%. Môi trường MS bổ sung 1,5 mg/l TDZ + 0,5 mg/l IBA + 1,0 mg/l AgNO3 + 50 mg/l tảo Spirulina là thích hợp nhất đến khả năng nhân nhanh in vitro cây Sâm cau, với số chồi/mẫu là 20,8, số lá/chồi (5,2 lá) sau 6 tuần nuôi cấy.
- Môi trường Murashige and Skoog (MS) bổ sung 1 g/l than hoạt tính + 0,5 mg/l IBA thích hợp nhất đến sự hình thành rễ in vitro của cây Sâm cau, chiều cao cây đạt 11,8 cm, số lá đạt 7,2 lá/cây, số rễ đạt 10,3 rễ/cây, chiều dài rễ đạt 5,1 cm sau 6 tuần nuôi cấy.
- Hỗn hợp đất mùn + vụn xơ dừa (tỷ lệ 70:30) được xác định là giá thể phù hợp nhất cho sinh trưởng của cây con trong vườn ươm với tỷ lệ sống đạt (98%), chiều cao cây 16,6 cm, số lá 6,9, số rễ mới xuất hiện 6,3 rễ sau 10 tuần nuôi trồng. Khi phun dinh dưỡng Growmore Mỹ (30:10:10) ở liều lượng 1 g/l cho cây sinh trưởng và phát triển đạt các chỉ tiêu cao nhất: 19,30 cm; 8,8 lá; 8,0 rễ mới.
5.Ngoài giá trị làm cảnh, Sâm cau có chứa một số hoạt chất có tính dược lý: Mẫu Sâm cau tự nhiên (M1) hàm lượng alkaloids toàn phần chiếm: 0,16%, Flavonoids toàn phần chiếm: 0,30%, Saponins toàn phần chiếm: 0,71%; còn mẫu Sâm cau nuôi cấy mô (M2) hàm lượng alkaloids toàn phần chiếm: 0,21%, Flavonoids toàn phần chiếm: 0,26%, Saponins toàn phần chiếm: 0,66%. Các thành phần kim loại nặng 2 mẫu này ở giới hạn cho phép. Hai mẫu Sâm cau nuôi cấy mô và Sâm cau tự nhiên đều có hàm lượng hoạt chất tương đương nhau
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16210/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)