Các nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Công nghệ môi trường và phát triển bền vững (ĐHQGHN).
(Tạp chí Tia Sáng) Trong lĩnh vực nghiên cứu về ô nhiễm môi trường, sự chủ động tìm hiểu và lựa chọn những hướng đi còn tương đối mới của thế giới vẫn còn chưa đủ. Để các vấn đề mình đặt ra có thể góp phần đem lại giải pháp cho những vấn đề “nóng” của môi trường, các nhà nghiên cứu vẫn cần sự hỗ trợ và hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước.
Đó là câu chuyện của các nhà nghiên cứu ĐHQGHN, ĐHQG TP.HCM sau khi trở về từ cuộc họp đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tại Đà Nẵng vào cuối tháng 6/2018. GS. TS Phạm Hùng Việt – một thành viên của đoàn cán bộ ĐHQGHN tham dự hội nghị, cho biết, từ 12 phiên họp bàn tròn của GEF về kinh tế tuần hoàn, thành phố bền vững, các mục tiêu khoa học cho Trái đất, lương thực – sử dụng và phục hồi đất…, ông đã chắt lọc được hai nội dung “gần gũi với [khả năng nghiên cứu của] mình nhất, [có thể tạo ra] nhiều cơ hội nghiên cứu cho mình nhất là chất thải nhựa đại dương và ngăn ngừa hóa chất nguy hại, chất thải công nghiệp”.
Ở Việt Nam, những vấn đề này hoặc còn quá mới mẻ, hoặc đã tồn tại nhưng còn chưa được quan tâm đúng mức, “trước đây Việt Nam mình mới chỉ nghĩ đến cái gì đó hẹp hẹp dạng ‘khúc nọ khúc kia’, bây giờ được tham gia trực tiếp hội nghị GEF 6, trao đổi với họ thì cũng bắt đầu có một cái nhìn rộng lớn hơn và nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ hơn”, GS. TS Phạm Hùng Việt nhận xét.
Để thực hiện được điều này, theo quan điểm của ông, “nếu có bắt tay vào nghiên cứu, rất cần sự tham gia của các đơn vị quản lý về môi trường trong việc hỗ trợ các nhà nghiên cứu và điều phối chương trình như đối với các chương trình nghiên cứu, xử lý các chất POPs (hợp chất hữu cơ khó phân hủy) trước đây. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tìm ra được giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường một cách bền vững như tinh thần hội nghị GEF”.
Chuẩn bị cho những nghiên cứu chuyên sâu và bài bản
Không chỉ ở hội nghị GEF 6, ô nhiễm chất thải nhựa đại dương và ô nhiễm thủy ngân mới được đặt ra cho môi trường Việt Nam, đặc biệt là vấn đề về thủy ngân. PGS. TS Dương Thị Hồng Anh – một nhà nghiên cứu trẻ nhưng đã có thâm niên nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu Công nghệ môi trường và phát triển bền vững (CETASD, ĐHQGHN)–cho biết, “cùng với Indonesia, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia ô nhiễm thủy ngân hàng đầu khu vực ASEAN, chủ yếu từ hoạt động của các nhà máy nhiệt điện, sản xuất xi măng, clinker, luyện kim… hay từ quá trình khai thác vàng quy mô nhỏ, chưa có ý thức tuân thủ các quy định của nhà nước”. Khi phát thải vào môi trường, thủy ngân chuyển hóa rất phức tạp, phát tán trong không khí, tích tụ trong trầm tích, sau đó xâm nhập cơ thể qua nhiều con đường hô hấp, ăn uống…, lâu ngày tích tụ trong não hoặc truyền từ mẹ sang con, có thể dẫn đến khả năng tổn thương hệ thần kinh trung ương như trường hợp nạn nhân của thảm họa nhà máy hóa chất Minimata, Nhật Bản những năm 1950, 1960.
Cách đây ba năm, tại hội nghị khởi động dự án “Đánh giá ban đầu Công ước Minamata về thủy ngân tại Việt Nam”do GEF tài trợ– dự án lớn đầu tiên của Việt Nam liên quan đến ô nhiễm thủy ngân, TS. Nguyễn Anh Tuấn (Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường) từng ước lượng, “tương đương với khoảng 300 tấn vàng mà Việt Nam quy hoạch khai thác trong tương lai là khả năng phát thải khoảng 900 tấn thủy ngân thông qua các hoạt động khai thác”.
Có một vấn đề là trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành, số lượng các công bố của các nhà nghiên cứu Việt Nam còn thưa thớt, tản mạn và ở quy mô nhỏ. “Từ trước đến nay, chưa có nhiều nghiên cứu về ô nhiễm thủy ngân nồng độ thấp tại Việt Nam”, TS. Nguyễn Văn Đông (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGTPHCM) – người từng làm luận án tiến sỹ về ô nhiễm thủy ngân ở Thụy Điển, thừa nhận.
“Đây là vấn đề vừa là cũ vừa mới. Ở Việt Nam cũng như nước ngoài, người ta đã biết và nghiên cứu về thủy ngân nhưng cách làm vẫn chưa thật sự triệt để”, GS. TS Phạm Hùng Việt giải thích. Hơn nữa, nhà nghiên cứu mới chỉ có năng lực chuyên môn trong phân tích, xử lý mẫu trong phòng thí nghiệm, “trong khi muốn làm, muốn giải quyết được những vấn đề lớn thì phải có người đặt hàng và thực tế là chưa có ai đặt vấn đề này với mình cả”, ông cho biết thêm.
Cũng còn một lý do nữa là số lượng các nhà nghiên cứu ô nhiễm thủy ngân Việt Nam cũng rất hiếm hoi với hai nhóm nghiên cứu, một ở Hà Nội do PGS. TS Vũ Đức Lợi (Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) – từng được đào tạo ở Viện Minimata về thủy ngân dẫn dắt và có kinh nghiệm trong việc đánh giá, phân tích thủy ngân; một ở TPHCM do TS. Nguyễn Văn Đông dẫn dắt, đã chế tạo được một số bộ thiết bị lấy mẫu thủy ngân, chủ yếu tìm hiểu thủy ngân trong các mẫu trầm tích, cá ở khu vực ĐBSCL. Vì thế, GS. TS Phạm Hùng Việt hi vọng, sau đại hội GEF 6, khi đặt lại vấn đề ô nhiễm thủy ngân và thực hiện các dự án do GEF tài trợ, các nhà nghiên cứu Việt Nam không chỉ có điều kiện “làm cái gì đó bài bản và có ý nghĩa”, đồng thời sẽ đào tạo thêm một số gương mặt mới.
Hướng nghiên cứu thứ hai mà các nhà khoa học Việt Nam có thể tiếp cận là ô nhiễm chất thải nhựa đại dương – “một hướng đi hoàn toàn mới và chưa được thực hiện tại Việt Nam”, GS. TS Phạm Hùng Việt cho biết. Từng tham gia một chương trình phân tích, quan trắc về ô nhiễm hóa chất trong khu vực Đông Á của trường Đại học Liên Hợp Quốc (Nhật Bản) và cùng xuất bản công bố “Vận chuyển và giải phóng các chất từ nhựa ra môi trường và đời sống tự nhiên” (Transport and release of chemicals from plastics to the environment and to wildlife), ông cho rằng, ô nhiễm chất thải nhựa đại dương (microplastics) là một vấn đề hết sức phức tạp, xuyên không gian và thời gian, riêng “định nghĩa đã cho thấy nó bao hàm một phạm vi rất rộng, không chỉ là những thứ mình thấy như túi nhựa, chai nhựa mà còn là các loại polymer, các sợi nilon có trong vải vóc, các hạt vi nhựa…”.
Thuận lợi lớn nhất của Việt Nam ở thời điểm này là việc nghiên cứu và phân tích các mẫu chất thải nhựa đại dương không quá khó với các nhà nghiên cứu Việt Nam, đặc biệt những người đã từng tham gia nghiên cứu về POPs, có nhiều kinh nghiệm và thành thạo kỹ thuật sử dụng trong quy trình lấy mẫu, tách chiết, làm giàu chất ô nhiễm – vốn chỉ xuất hiện trong mẫu ở mức phần tỷ, cũng như sẵn một số máy móc, thiết bị phù hợp… Qua những chương trình nghiên cứu trước đây về POPs do Quỹ GEF tài trợ, Việt Nam đã có một đội ngũ nhà nghiên cứu và một mạng lưới các phòng thí nghiệm có đủ sức thực hiện các đề tài cơ bản về chất thải nhựa đại dương.
Tuy nhiên, đây chỉ là một góc rất nhỏ của chất thải nhựa đại dương. Để thực hiện được những nghiên cứu toàn diện về đối tượng này, cần phải có sự tham gia của nhiều lĩnh vực, “không riêng hóa môi trường, hóa phân tích, độc học mà còn phải có sự vào cuộc của vật lý, khoa học vật liệu, sinh học phân tử nhằm hiểu rõ về cơ chế ô nhiễm, tính chất các loại sợi, các hợp chất cao phân tử, thậm chí cả sự vào cuộc của khí tượng thủy văn, địa chất, vật lý địa cầu vì liên quan đến khí hậu biển, dòng chảy đại dương, thềm lục địa…”, GS. TS Phạm Hùng Việt bổ sung.
Cần tư duy mới của các cơ quan quản lý
Khi tham gia đại hội GEF 6, không chỉ chủ động tìm hiểu những nét mới trong chương trình tài trợ của Quỹ, các nhà nghiên cứu Việt Nam còn chú ý đến một điều quan trọng: nắm bắt thông tin và tìm hiểu cơ chế vận hành Quỹ giữa bên cấp kinh phí với bên tiếp nhận kinh phí dự án để có thể thuận lợi hơn trong việc triển khai ý tưởng nghiên cứu của mình.
Ở góc độ một nhà quản lý và điều phối nhiều dự án về các chất POPs do Quỹ GEF tài trợ từ nhiều năm trước, TS. Nguyễn Anh Tuấn nhận xét: “Thay đổi lớn nhất của các nhà quản lý quốc tế là họ đã nhìn nhận vấn đề trên quy mô rộng hơn. Thay vì tập trung vào những dự án mang tính giải pháp để xử lý các vấn đề trước mắt, họ bắt đầu khuyến khích những dự án dài hơi – thậm chí mang tính dự báo, liên ngành, lồng ghép rất nhiều chương trình do Quỹ cấp kinh phí nhằm tạo ra những tác động trên quy mô lớn, có khả năng thay đổi nhận thức của người dân”. Do đó, theo đánh giá của anh, nếu các chương trình nghiên cứu đề xuất từ Việt Nam đạt được các tiêu chí này thì khả năng nhận được tài trợ rất cao.
Điều đó có nghĩa là phải có sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề của cả người cấp kinh phí lẫn người nhận kinh phí, tuy nhiên ngần ấy vẫn là chưa đủ, dù những dự định của GS. TS Phạm Hùng Việt và một số nhà nghiên cứu khác cũng có phần “nương theo” một cách linh hoạt với thay đổi trong nhìn nhận của Quỹ GEF. Với những kinh nghiệm tích lũy hơn 20 năm nghiên cứu về ô nhiễm kim loại và các hợp chất POPs, GS. TS Phạm Hùng Việt cho rằng, không thể thiếu được sự chủ động và sâu sát của cơ quan quản lý nhà nước, ví dụ Bộ TN&MT, Bộ Công thương. Trong trường hợp này, chủ động và sâu sát có nghĩa là thành lập những chương trình mang tính định hướng lớn, đưa ra những vấn đề thiết thực để có thể mời được đông đảo các nhà khoa học vào cuộc cùng các nhà quản lý kiểm kê nguồn phát thải, tìm các điểm nóng ô nhiễm (hotspot), nghiên cứu cơ chế ô nhiễm, tính chất ô nhiễm, tác động của ô nhiễm với môi trường, con người và tìm ra giải pháp xử lý.
Thông thường, trong lĩnh vực ô nhiễm môi trường, nhà khoa học đã rất cần sự hỗ trợ của các nhà quản lý, nay với những nghiên cứu mang tính phức tạp và đòi hỏi phải thực hiện trên phạm vi rất rộng về chất thải nhựa đại dương thì vai trò của các cơ quan quản lý lại càng quan trọng, “ngoài kinh phí, nhà khoa học còn cần những hỗ trợ về mặt tổ chức để có thể thực hiện nghiên cứu trên những đoạn bờ biển tương đối dài, lấy mẫu mang tính đại diện trong điều kiện thời tiết khác nhau và trên những vị trí địa lý khác nhau… Mặt khác, tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa đại dương xuyên biên giới, một quốc gia đôi khi không giải quyết được triệt để vấn đề. Nếu có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, việc kết nối quốc tế sẽ thuận lợi và mang tính ‘chính tắc’ hơn”, GS.TS Phạm Hùng Việt nhận xét.
Quan sát quá trình hoạt động của những chương trình nghiên cứu ở quy mô đa quốc gia và do những quỹ đầu tư quốc tế hỗ trợ kinh phí, các nhà nghiên cứu của CETASD đã rút ra một quy tắc: sự hiệu quả của nghiên cứu còn tùy thuộc vào mức độ vào cuộc và nhanh nhạy của cơ quan quản lý quốc gia và “bao giờ cũng là cơ chế cơ quan nhà nước làm đầu mối, [bởi] họ thường đi tìm một nơi chịu trách nhiệm, cam kết thực hiện đến cùng dự án rồi mới cấp kinh phí thực hiện nghiên cứu”. Đây cũng là cách mà Quỹ GEF sẽ áp dụng trong đầu tư kinh phí cho các nhà khoa học Việt Nam thực hiện nghiên cứu về ô nhiễm thủy ngân và chất thải nhựa đại dương, GS.TS Phạm Hùng Việt dự đoán.
Gần hai tháng sau đại hội GEF 6, những tín hiệu tích cực đầu tiên đã tới, đó là một cuộc hẹn làm việc giữa Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ TN&MT) với Trung tâm CETASD để bàn về việc hợp tác nghiên cứu chất thải nhựa đại dương. Và khi còn chưa rõ về những chương trình về ô nhiễm thủy ngân và chất thải nhựa đại dương của Bộ TN&MT thì CETASD đã chuẩn bị sẵn những gì có thể: đặt một số thiết bị chuyên dụng phân tích thủy ngân và tìm học bổng tiến sỹ tại Viện Minimata cho một thành viên của Trung tâm, tiến tới có thể “cùng với họ nghiên cứu một vấn đề nào đó về ô nhiễm thủy ngân, có thể thủy ngân trong than”.