Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan Đảng và Nhà nước là xu thế tất yếu, Chính phủ cũng đang thực hiện mạng mẽ chủ trương ứng dụng CNTT nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan Chính phủ, năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, cùng với sự bùng nổ của các nguy cơ an toàn bảo mật, khi mà động cơ của việc tấn công không chỉ vì mục tiêu kinh tế, tài chính mà còn liên quan đến quân sự, tôn giáo hay các vấn đề chính trị, thì việc nghiên cứu, phát triển máy tính “Made in Vietnam” sẽ mang lại ý nghĩa to lớn trong việc làm chủ công nghệ, giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn thông tin không chỉ trong phạm vi phục vụ Chính phủ điện tử mà còn cho các mục tiêu thương mại khác.

Vì thế, nhóm nghiên cứu của ThS. Hoàng Mạnh Cường tại Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT Technology) đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, phát triển máy tính an toàn phục vụ Chính phủ điện tử” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2020.

Rủi ro an toàn bảo mật đối với máy tính cá nhân có thể đến từ nhiều lớp khác nhau, trong phạm vi của đề tài, nhóm đề tài đã tập trung nghiên cứu ở lớp phần cứng và BIOS.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công:

– 50 bộ máy tính cá nhân an toàn;

– Mô đun nền tảng bảo đảm an toàn TPM;

– Phần mềm mã hóa phân vùng ổ cứng trên cơ sở ứng dụng TPM;

– Các bộ tài liệu là sản phẩm trong quá trình thực hiện như tài liệu thiết kế, tài liệu kiểm thử, hướng dẫn sử dụng;

– Xây dựng và ban hành nội bộ bộ Tiêu chuẩn cơ sở.

Các máy tính này đã được kiểm thử bằng các bài kiểm thử, hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí đề ra trong bộ Tiêu chuẩn cơ sở. Các máy tính đã và đang dùng thử nghiệm tại một số đơn vị để đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các công việc tại VNPT Technlogy và các đơn vị thành viên.

Sản phẩm máy tính an toàn, được nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam bởi các đơn vị trong nước sẽ góp phần đảm bảo vấn đề an toàn thông tin, đặc biệt với chính phủ điện tử. Nhóm nghiên cứu đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy việc sử dụng sản phẩm của đề tài trong các lĩnh vực quan trọng.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17644/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)