Dải ven bờ biển khu vực nghiên cứu từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế hiện tượng xói lở – bồi tụ (XL – BT) bờ biển, bồi lấp cửa sông diễn biến rất phức tạp. Quá trình xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông ở dải ven biển từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế diễn ra với tốc độ khác nhau, đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế – xã hội (KT-XH) như mất nhà, mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất, đe dọa phá hủy các công trình đê – kè biển, cản trở giao thông thủy, làm hư hỏng tàu thuyền, tiêu thoát lũ… Ngoài ra, trong nhiều thập kỷ gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng dữ dội với xu hướng gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ, cùng với việc khai thác tài nguyên của con người trên lưu vực sông tăng mạnh nên hiện tượng xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông ở nhiều khu vực cửa sông ven biển từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng với quy mô, mức độ ngày càng gia tăng.

Một trong những khu vực bị ảnh hưởng điển hình về xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông là khu vực cửa Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình. Quá trình xói lở bờ biển xảy ra liên tục ở bãi biển cửa Nhật Lệ, điểm đến từng được xếp vào danh sách một trong số những bãi biển nổi tiếng nhất của miền Trung đã kéo dài dai dẳng suốt cả chục năm qua, đồng thời quá trình bồi lấp luồng tàu cửa sông Nhật Lệ tăng mạnh trong những năm gần đây đã gây thiệt hại nặng nề đến sự phát triển KT – XH của tỉnh Quảng Bình. Từ thực trạng đó, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực sông biển thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu quá trình xói lở, bồi tụ dải bờ biển, cửa sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế, có xét tới ảnh hưởng của các tác động từ thượng nguồn và đề xuất giải pháp ổn định” từ năm 2017 đến năm 2020.

Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: xác định được hiện trạng, nguyên nhân, cơ chế, dự báo diễn biến và các yếu tố ảnh hưởng đến sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông trên dải bờ biển từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế; đề xuất được các giải pháp khoa học và công nghệ có tính khả thi và hiệu quả, nhằm ổn định cửa sông, bờ biển trong vùng nghiên cứu; và đề xuất được cơ chế chính sách nhằm quản lý bền vững dải bờ biển vùng nghiên cứu.

Một số kết quả nổi bật của đề tài sau ba năm nghiên cứu:

– Đã tiến hành đo đạc bổ sung dữ liệu địa hình, thủy hải văn, bùn cát đáy cho vùng cửa sông Nhật Lệ với 2 đợt đo vào tháng 5 và tháng 10 năm 2018. Những dữ liệu này được sử dụng hữu ích trong việc nghiên cứu nguyên nhân, cơ chế xói lở, bồi lấp vùng cửa sông Nhật Lệ làm tiền đề cho việc đề xuất giải pháp chỉnh trị vùng cửa sông và ven biển khu vực này.

– Đã xây dựng được phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu cho dải ven biển từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế sử dụng công nghệ WEB-GIS cho phép người sử dụng dễ dàng truy cập, khai thác, tìm kiếm và cập nhật thông tin về diễn biến xói lở bồi tụ bờ biển, bồi lấp cửa sông từ Quảng Bình đến đến Thừa Thiên – Huế.

– Đã ứng dụng kết hợp nhiều mô hình toán để giải quyết bài toán của toàn lưu vực ra tới vùng cửa sông, ven biển: Mô hình SWAT tính toán dòng chảy từ mưa và tính bùn cát từ trên lưu vực tới vùng cửa sông. Mô hình Mike Flood tính toán dòng chảy lũ trên hệ thống sông Nhật Lệ. Mô hình MIKE 21FM tính toán thủy động lực và thủy triều vùng biển 3 tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế, DEFLT3D tính thủy lực và diễn biến hình thái vùng cửa sông Nhật Lệ, mô hình MIKE 21SW tính truyền sóng từ vùng nước sâu vào bờ, mô hình LITPACK tính toán diễn biến đường bờ biển cho 3 tỉnh vùng nghiên cứu. Đây là các công cụ tiên tiến, phù hợp cho nghiên cứu và tạo ra các kết quả có độ tin cậy.

– Đã ứng dụng mô hình vật lý thí nghiệm phương án công trình chỉnh trị cửa sông Nhật Lệ. Mô hình thí nghiệm có tỷ lệ lớn (1:75) cho phép nghiên cứu chi tiết được sự biến động của các yếu tố thủy động lực với giải pháp công trình chỉnh trị, làm cơ sở tin cậy cho việc sẵn sàng chuyển giao kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất.

– Đã đề xuất các giải pháp ổn định bờ biển và bồi lấp cửa sông cho vùng nghiên cứu với các đoạn bờ biển và cửa sông gồm: ổn định bờ biển cho 14 đoạn bờ biển và bồi lấp cửa sông cho 06 cửa sông chính thuộc các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế.

– Đã thiết kế sơ bộ các hạng mục công trình gồm: công trình bảo vệ bờ: mỏ hàn, đê ngầm giảm sóng (mỗi hạng mục 2 phương án kết cấu); công trình đê hướng dòng cửa sông với 2 phương án kết cấu.

– Đã đề xuất sơ bộ trình tự và biện pháp thi công cho mỗi hạng mục công trình (nạo vét luồng tàu, đê mái nghiêng) và đánh giá sơ bộ tác động môi trường trong quá trình thi công. Kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy, dự án có các tác động lớn tới môi trường trong quá trình thi công và vận hành, bao gồm cả tác động tích cực và tác động tiêu cực. Các tác động tiêu cực chủ yếu xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình, các tác động này sẽ được giảm thiểu khi có các biện pháp bảo vệ và giám sát môi trường thích hợp.

– Đã tính toán sơ bộ khối lượng công trình làm cơ sở để khái toán tổng mức đầu tư xây dựng công trình cho phương án quy hoạch 1 và phương án kết cấu mà đề tài đã lựa chọn. Kết quả tính khái toán cho thấy, công trình bảo vệ bờ biển có TMĐT khoảng 297 tỷ đồng, công trình ổn định cửa sông có TMĐT khoảng 513 tỷ đồng. Sau khi đưa ra kết quả khái toán TMĐT đề tài đã đề xuất phương án phân kì đầu tư làm 2 giai đoạn cụ thể. Đây sẽ là cơ sở cho các nhà đầu tư cân nhắc lựa chọn công trình chỉnh trị phòng chống xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông cho cửa Nhật Lệ.

Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học phục vụ cho việc đề xuất các giải pháp phòng chống, khắc phục, giảm thiểu hiện tượng xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông dải ven biển từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế, đặc biệt là khu vực cửa Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18660/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI) vista.gov.vn