Hiện nay, các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược cũng đang được quan tâm, nghiên cứu và phát triển. Các sản phẩm thiên nhiên trên thế giới được nhiều quốc gia, nhiều nhà khoa học quan tâm từ lâu do đặc tính ít độc, dễ hấp phụ đối với cơ thể và ít gây ra các phản ứng phụ. Về lâu dài, những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên có thể là các chất dẫn đường đối với sự phát triển của các loại dược phẩm mới. Do đó, phát triển sản xuất các loại thuốc, thực phẩm chức năng điều trị và hỗ trợ điều trị bệnh từ thảo dược ngày càng được khuyến khích bởi đây là nguồn nguyên liệu có nhiều ưu điểm như phong phú, sẵn có, dễ sử dụng, giá thành rẻ và dễ được chấp nhận ở nhiều quốc gia đang phát triển.

Cây Bụp giấm có tên khoa học là Hibiscus sabdariffa L. hay Abelmoschus cruentus (Bertol.) Walp., thuộc họ Bông (Malvaceae). Đây là một loài cây có nguồn gốc ở Tây Phi, được di thực vào Việt Nam và trồng nhiều ở miền Trung do có đặc tính không kén đất, ưa vùng đất đồi núi, khí hậu nóng ẩm. Ở miền Bắc, cây được trồng ở Hà Tây, Thái Nguyên. Ở miền Nam, cây được trồng nhiều ở Bà Rịa, Đồng Nai, Sông Bé, Bình Thuận…. Công dụng của cây Hibiscus sabdariffa rất phong phú. Theo kinh nghiệm dân gian, đài hoa Bụp giấm có tác dụng chống co thắt cơ trơn, làm thư giãn cơ trơn tử cung, làm hạ huyết áp, xơ cứng động mạnh và có tính kháng sinh, trị ho, viêm họng…

Xuất phát từ tính cấp thiết trong thực tiễn cuộc sống cần phải tạo ra các chế phẩm ứng dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh về gan, tiểu đường, cao huyết áp…. và chế phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật, an toàn với con người và thân thiện môi trường, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Trần Thu Hương, Hội Hóa học Việt Nam đứng đầu đã lựa chọn đài hoa Bụp giấm Hibiscus sabdariffa L. làm đối tượng nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu quy trình chiết xuất phân đoạn giàu hợp chất polyphenol từ loài Hibiscus sabdariffa L. (Malvaceae), ứng dụng để tạo thực phẩm chức năng” nhằm xây dựng được quy trình chiết xuất phân đoạn giàu hợp chất polyphenol từ loài Hibiscus sabdariffa L. (Malvaceae) và tạo sản phẩm hữu ích ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Sau 18 tháng thực hiện (từ 1/2017 đến 6/2018), Đề tài đã hoàn thành các mục tiêu và nội dung nghiên cứu, cụ thể là:

  1. Đã thu được lượng lớn mẫu đài hoa Bụp giấm (Hibiscus sabdariffa L.) và tiến hành giám định tên khoa học của mẫu thực vật.
  2. Đã xây dựng được quy trình chiết xuất phân đoạn giàu hợp chất polyphenol với hàm lượng polyphenol đạt trên 60%.
  3. Bằng việc kết hợp các phương pháp sắc ký và phổ hiện đại, đã nghiên cứu phân lập và xác định được cấu trúc của 05 hợp chất từ đài hoa Bụp giấm (Hibiscus sabdariffa L.) bao gồm luteolin (1), quercetin (2), hibiscus acid dimethyl ester (3), β-sitosterol (4) và daucosterol (5). Đây là các hợp chất đã biết nhưng lần đầu tiên được phân lập từ cây Bụp giấm ở Việt Nam.
  4. Đã khảo sát hoạt tính chống oxi hóa của các dịch chiết từ đài hoa Bụp giấm bằng phương pháp thử dựa vào khả năng trung hòa gốc tự do DPPH. Kết quả cho thấy dịch chiết đài hoa Bụp giấm thể hiện khả năng trung hòa gốc tự do của DPPH với giá trị SC50 từ 103,61-119,16 µg/ml.
  5. Đã thử hoạt tính gây độc tế bào của dịch chiết từ đài hoa Bụp giấm. Kết quả thử cho thấy dịch chiết này không thể hiện hoạt tính ở các nồng độ thử nghiệm.
  6. Đã nghiên cứu 3 quy trình tạo chế phẩm cao đặc, chè nhúng và nước uống giải khát từ đài hoa Bụp giấm:

+ Chế phẩm cao đặc HB được tạo ra bởi việc chiết xuất bột khô đài hoa Bụp giấm và làm đặc theo quy định. Chế phẩm này có hàm lượng polyphenol đạt 64,58%;

+ Chế phẩm chè nhúng: pha loãng cao chiết thành dịch trong 5 phút ở 50˚C, rồi phun hỗn hợp trà theo tỷ lệ chè đen: cao Bụp giấm là 1:0,75, sau đó sấy 2 lần ở nhiệt độ 78oC và đóng gói;

+ Chế phẩm nước giải khát từ cao Bụp giấm trích ly trong 5 phút ở 50oC (5mg/180ml), chè đen trích ly trong 20 phút ở 90oC (5mg/180ml), sau đó phối trộn theo tỷ lệ 1:1 hoặc 2:1 và tiệt trùng.

Các chế phẩm này đã đạt yêu cầu về số lượng theo đúng thuyết minh.

  1. Đã thử độc tính cấp của chế phẩm cao đặc HB. Kết quả nghiên cứu cho thấy chế phẩm cao đặc HB thuộc nhóm không gây độc theo đường uống, do đó các chế phẩm được tạo ra trong đề tài đều có độ an toàn cao.

Nhóm đề tài cho biết, đề tài này mới chỉ bước đầu nghiên cứu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của đài hoa Bụp giấm ở tỉnh Bắc Giang, Việt Nam. Để khảo sát ảnh hưởng của các yếu tố địa lý, thổ nhưỡng khác nhau đến thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của loài Bụp giấm, cần mở rộng việc thu thập mẫu nguyên liệu ở các địa phương khác, nhằm định hướng bảo tồn, phát huy và nâng cao giá trị kinh tế của loài thực vật tiềm năng này. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện quy trình chiết xuất phân đoạn giàu hợp chất polyphenol từ đài hoa Bụp giấm ở quy mô lớn hơn và đánh giá độ ổn định của quy trình.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15753/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)