Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Người dân nước ta thì ngày càng quan tâm hơn đến mối quan hệ giữa thực phẩm, chế độ dinh dưỡng và sức khỏe. Bên cạnh việc ăn uống hàng ngày, mọi người cũng có bổ sung các loại sản phẩm thực phẩm chức năng nhằm hỗ trợ chức năng giúp tạo trạng thái thoải mái cho cơ thể, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ và tác hại bệnh tật. Các cơ sở sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thực tế, còn lại đa phần các loại thực phẩm chức năng trong đó có các dòng sản phẩm cung cấp các axít béo không bão hòa đa nối đôi thuộc nhóm omega-3 và omega-6 (gọi tắt là -3/-6 PUFAs) như axít eicosapentaenoic (EPA, C20: 5-3), axít docosahexaenoic (DHA, C22: 6-3), axít docosapentaenoic (DPA, C22: 5-6)…  vẫn phải nhập ngoại.

Trên thế giới, hiện nay, PUFAs đã được sản xuất ở quy mô thương mại từ dầu cá, dầu thực vật và dầu của một số loài vi tảo biển dị dưỡng thuộc các chi như Crypthecodinium, Schizochytrium, Ulkenia. Việc sản xuất PUFAs từ dầu tảo được coi là một giải pháp tiềm năng và hữu hiệu khắc phục được nhiều nhược điểm so với dầu cá và dầu thực vật. Ngoài việc chủ động về nguồn nguyên liệu do có thể nuôi cấy vi tảo ở quy mô lớn bằng những hệ thống lên men thông thường với hiệu quả cao thì việc dễ dàng tinh sạch, hàm lượng DHA cao, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng và thân thiện với môi trường cũng là những ưu điểm khi khai thác PUFAs từ dầu tảo. Các dòng dầu tảo giàu các axít béo omega-3 và omega-6 này hiện vẫn chưa được nghiên cứu ở Việt Nam. Do đó, việc sản xuất dầu sinh học giàu các axit béo dạng omega-3 và omega-6 như EPA, DHA và DPA ở Việt Nam là một hướng đi giúp tăng cường giá trị sử dụng cũng như đa dạng; nội địa hóa sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống con người; góp phần đáp ứng được một phần nhu cầu đang ngày càng tăng về dầu sinh học chứa các axít béo EPA, DHA, DPA làm thực phẩm chức năng, dược phẩm đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Từ những thực tiễn trên, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Đặng Diễm Hồng, Viện Công nghệ Sinh học đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu quy trình tách chiết dầu sinh học giàu axít béo omega-3 và omega-6 (EPA, DHA, DPA) từ sinh khối vi tảo biển dị dưỡng” với mục tiêu chính là xây dựng được quy trình công nghệ nhân nhanh tảo và tách chiết, thu nhận dầu sinh học giàu EPA, DHA, DPA từ sinh khối vi tảo biển dị dưỡng và ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm chức năng.

Sau một thời gian triển khai nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 01 quy trình nuôi trồng vi tảo biển dị dưỡng Schizochytrium mangrovei PQ6 ở quy mô bình lên men 150 lít với thể tích dịch nuôi là 100 lít; sinh khối nuôi đạt 100-120 gr tươi/ lít sau 4-5 ngày nuôi cấy; lượng sinh khối khô đạt 30,37 g khô/l và hàm lượng lipit đạt 50,13% sinh khối khô; hàm lượng EPA, DPA và DHA chiếm 43,197% so với tổng số axít béo. Đồng thơi đã xây dựng được 01 quy trình tách chiết và thu nhận dầu sinh học giàu omega-3 và omega-6 ở quy mô phòng thí nghiệm đạt 0,5 kg sinh khối vi tảo biển khô/mẻ. Dầu sinh học thu được có hàm lượng EPA, DHA và DPA chiếm ≥80% có thể sử dụng làm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng Viên nang mềm Algal Oil Omega-3-6.

Cả 02 quy trình có được của đề tài đều có độ ổn định và độ lặp lại cao cho phép tạo ra được 5 kg dầu sinh học để gia công được 10.000 viên nang Algal Oil Omega-3-6 loại 700 ±10% mg/ viên nang đạt Tiêu chuẩn cơ sở đề ra; có thể nâng quy mô lên 30.000 viên nang/ mẻ. Tiêu chuẩn cơ sở về dầu sinh học và viên Thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên nang mềm Algal Oil Omega-3-6 đã được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp số 17282/2015/ATTP- XNCB ký ngày 17 tháng 07 năm 2015. Viên nang mềm được bảo quản tốt sau 15 tháng với việc bổ sung vitamin E 0,0075% được đóng trong chai nâu để trong nhiệt độ mát. Các tiêu chuẩn cơ sở của viên nang Algal Oil Omega-3-6 được tạo ra đáp ứng được TCCS đã đề ra trừ chỉ tiêu tổng axít béo EPA, DHA, DPA đạt 79,1%.

Về tiêu chuẩn chất lượng của dầu sinh học giàu axít béo omega-3-6 được tạo ra từ sinh khối vi tảo biển dị dưỡng của đề tài có chất lượng tương đương với dầu sinh học DHA từ tảo Schizochytrium sp. do Martek (2003) sản xuất đã cho thấy chúng ta đã có được chủng /loài vi tảo biển dị dưỡng tiềm năng cho nuôi trồng đủ sinh khối có chất lượng tốt để tách chiết và làm giàu hỗn hợp axít béo omega- 3-6 với hàm lượng axít béo DHA, EPA và DPA chiếm 79,10% so với axít béo tổng số từ sinh khối tảo nuôi trồng được.

Quy trình công nghệ nuôi trồng chủng PQ6 trên quy mô bình lên men 150 lít có năng suất sinh khối cao, quy trình tách chiết và làm giàu hỗn hợp axít béo omega – 3 và omega – 6 để thu được dầu sinh học có chất lượng tốt đạt TCCS đã đề ra cho dầu sinh học và viên Thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên nang Algal Oil Omega-3-6. Hiện nay, sản phẩm tương tự trên thị trường về viên nang dầu sinh học có chứa DHA, EPA, DPA chủ yếu đều phải nhập ngoại. Các sản phẩm dầu thực vật hiện nay đang bán trên thị trường chỉ có các axít béo với số carbon ≤18. Việt Nam chưa sản xuất được viên nang dầu có chứa EPA, DHA, và DPA và giá bán loại thực phẩm chức năng này còn cao, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Chính vì vậy, việc đề tài đã sản xuất được sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên nang mềm Algal Oil Omega-3-6 từ sinh khối vi tảo biển dị dưỡng trong đó hàm lượng DHA, EPA, DPA chiếm 79,10 % trong hỗn hợp dầu sinh học tạo ra được.

Nhóm nghiên cứu hy vọng các sản phẩm khoa học và công nghệ của đề tài sẽ được chuyển giao sản xuất để cung cấp ra thị trường cũng như từng bước thương mại hóa sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Hơn nữa, do hàm lượng các axít béo EPA, DHA và DPA trong viên nang chiếm 79,10% khối lượng dầu nên nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị cần phải tiếp tục nghiên cứu tối ưu các thông số sản xuất để hoàn thiện quy trình bao viên dầu với một số lượng lớn. Nâng cao hiệu suất tách chiết dầu sinh học giàu axít béo omega-3 và omega-6 (EPA, DHA, DPA) và quy trình bao viên nang mềm Algal Oil Omega-3-6 từ sinh khối vi tảo biển Schizochytrium mangrovei PQ6. Tiến hành thử nghiệm đánh giá hoạt tính sinh học của viên nang mềm Algal Oil Omega-3-6 trên động vật thực nghiệm và người tình nguyện.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12600-2016) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

P.T.T (NASATI)