Hiện nay, ung thư phổi là một trong những bệnh rất nguy hiểm trên thế giới. Căn bệnh này đang gia tăng đáng kể ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ 2 về số ca bệnh và số lượng bệnh nhân tử vong trong tổng số các loại ung thư hàng năm ở cả hai giới nam và nữ. Ung thư phổi được chia làm hai loại: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (UTPKPTBN). Mỗi loại phát triển theo những cách khác nhau và hướng điều trị cũng khác nhau. Trong đó, UTPKPTBN chiếm khoảng 80% tổng số ca bệnh ung thư phổi. Việc điều trị UTPKPTBN thường được biết đến với phương pháp hóa trị hoặc xạ trị. Tuy nhiên, các liệu pháp này có một số hạn chế như khả năng kéo dài thời gian sống của bệnh nhân thường ngắn, thông thường dưới 1 năm đi kèm với chất lượng sống bị ảnh hưởng nặng nề. Người bệnh phải gánh chịu nhiều tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là các tác dụng phụ trên tủy xương, gây ra tình trạng thiếu máu, chảy máu và giảm sức đề kháng của cơ thể dẫn đến các khả năng nhiễm khuẩn huyết làm cho bệnh nhân sớm tử vong. Với các UTPKPTBN có đột biến hoạt hóa EGFR sẽ làm cho bệnh với mức độ ác tính mạnh hơn và thời gian sống của bệnh nhân ngắn hơn, khả năng đáp ứng với hóa trị liệu thông thường kém hơn.Erlotinb (Tarceva) là thuốc được sản xuất bởi hãng dược phẩm Hoffmann – La Roche sử dụng có hiệu quả cao để điều trị bệnh UTPKPTBN có đột biến hoạt hóa EGFR.
Đây là phương pháp đột phá trong điều trị UTPKPTBN tạo ra cơ hội kéo dài thời gian sống với chất lượng sống cao hơn.
Ở Việt Nam, thuốc Tarceva chứa erlotinib hydrochlorid chưa được sử dụng rộng rãi, trước hết vì chi phí điều trị bằng Tarceva rất đắt tiền, 2.000 USD/chu kỳ điều trị (một chu kỳ =1 tháng), giá bán trên thị trường Việt Nam khoảng 42 triệu đồng/lọ/30 viên loại 150mg.
Vì vậy, việc nghiên cứu tổng hợp erlotinib hydrochlorid làm nguyên liệu bào chế thuốc chống ung thư phổi tại Việt Nam có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.
Nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Viện Hóa học-Viện Hàn lâm KH&CNVN cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài GS. TS. Nguyễn Văn Tuyến thực hiện nghiên cứu với mục tiêu Xây dựng được quy trình ổn định tổng hợp và tinh chế erlotinib hydroclorid quy mô 100 g/mẻ đạt tiêu chuẩn dược dụng để làm nguyên liệu sản xuất thuốc.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thực hiện được những kết quả như sau:
- Đã nghiên cứu quy trình tổng hợp erlotinib hydroclorid quy mô 100 g/mẻ. hiệu suất tổng hợp đạt khoảng 40-45%.
- Đã nghiên cứu quy trình tinh chế erlotinib hydroclorid quy mô 100 g/mẻ. Hiệu suất tinh chế đạt khoảng 85%.
- Đã tổng hợp được 300 g erlotinib hydroclorid đạt TCCS tương đương tiêu chuẩn dược dụng của hãng F. Hoffman – La
- Đã xác định độc tính cấp erlotinib hydroclorid là LD50 = 2655 mg/kg.
- Đã xác định độc tính bán trường diễn của erlotinib hydroclorid. Kết quả nghiên cứu đôc tính bán trường diên của erlotinib hydroclorid: Erlotinib hydrochlorid với liều 36 mg/kg thể trọng chưa thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về sự phát triển cân nặng của chuột, về các chỉ số huyết học và hóa sinh máu so với đối chứng (P 0,05). Erlotinib hydrochlorid ở liều 144 mg/kg thể trọng có ảnh hưởng đến sự gia tăng trọng lượng chuột, giảm SLHC, tăng SLBC, tăng GOT và GPT trong máu so với đối chứng (P < 0,05). Tuy nhiên khi phân tích giải phẫu mô gan và thận, chưa phá t hiên t ổn thương các cơ quan này ở cả hai lô thí nghiệm
- Đã nghiên cứu độ ổn định của sản phẩm erlotinib hydroclorid theo phương pháp lão hóa cấp tốc, kết quả nghiên cứu độ ổn định trong điều kiện lão hóa cấp tốc (nhiệt độ 502± độ C 5%) của nguyên ±oC và độ ẩm tương đối 75% liệu erlotinib hydrocorid được tổng hợp Phòng Hóa Dược – Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy chất lượng của lô sản phẩm đạt yêu cầu các chỉ tiêu đã thử theo tiêu chuẩn cơ sở (xây dựng theo tiêu chuẩn dược dụng của hãng F. Hoffman – La Roche), chế phẩm ổn định sau 6 tháng bảo quản và theo dõi ở điều kiện lão hóa cấp tốc tương đương độ ổn định ở điều kiện nhiệt độ thường 25 độ C và độ ẩm 75% trong 36 tháng.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15381/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)