Từ năm 2018, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước đề tài: “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen hải sâm vú”, với mục tiêu xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm. Đây là đề tài nghiên cứu khó, vì ngay cả thế giới dù đã có rất nhiều nghiên cứu về sản xuất giống nhưng chưa có công bố khoa học rõ ràng về kết quả thành công của đối tượng này. Sau một thời gian nghiên cứu, Nhóm nghiên cứu hải sâm của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III lần đầu tiên sản xuất thành công giống hải sâm vú trắng, mở ra hướng nuôi trồng và bảo tồn nguồn lợi cho loài hải sâm này.

Hải sâm vú bố mẹ.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 60 loài hải sâm trong số hơn 1.000 loài, được khai thác thương mại. Tại Việt Nam có khoảng 20 loài hải sâm có giá trị kinh tế được khai thác. Trong đó, hải sâm vú trắng (Holothuria fuscogilva) được xem là một trong những loài có giá trị kinh tế cao nhất. Bên cạnh loài hải sâm cát H. scabra đã được sản xuất giống và nuôi thương phẩm thành công tại Việt Nam, loài hải sâm vú trắng gần đây đã được đưa vào nghiên cứu sản xuất giống và tiến tới nuôi trồng tại Việt Nam.

Hải sâm vú trắng là loài quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao, chúng bị khai thác gần như cạn kiệt trên thế giới và tại Việt Nam. Tỉ lệ suy giảm gần đây được đánh giá có thể lên đến gần 50%. Năm 2019, hải sâm vú trắng được Hội đồng các nhà nghiên cứu khai thác hải sâm trên thế giới đề xuất đưa vào danh sách những loài nguy cấp trong Công ước về buôn bán quốc tế về loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Điều này sẽ dẫn đến hạn chế hoặc cấm hoàn toàn buôn bán hải sâm vú có nguồn gốc tự nhiên. Do đó, việc sản xuất giống nhân tạo phục hồi nguồn lợi và nuôi trồng hải sâm vú trắng có ý nghĩa rất lớn.

Hải sâm vú trắng có thân dạng hình tròn, kích thước lớn, con trưởng thành có thể đạt hơn 3kg. Dọc theo hai bên sườn nổi lên các u thịt trông như hai hàng vú, mỗi hàng 6 – 8 cái. Xung quanh miệng có 14 xúc tu để bắt mồi và hậu môn có 5 gai riêng biệt. Hải sâm vú trắng thường sống ở độ sâu từ 3-40m, kích thước có thể lên đến 57cm và tuổi thọ đến hơn 12 năm. Chúng phân bố rộng khắp vùng biển nhiệt đới Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, chúng phân bố các đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Phú Quý (Bình Thuận), Trường Sa (Khánh Hòa). Hiện nay, hải sâm vú trắng chỉ còn tìm thấy ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa do việc hạn chế khai thác tại khu vực này, còn lại nguồn lợi này tại đảo khác gần như đều cạn kiệt.

Giá trị kinh tế từ hải sâm vú trắng là khá lớn. Khi nguồn lợi ven bờ cạn kiệt, người dân tìm đến những vùng nước sâu và xa bờ để lặn bắt. Tại Việt Nam, nghề lặn biển tại một số địa phương có mối liên quan rất lớn đến việc khai thác đối tượng hải sâm vú trắng. Điển hình như ở Lý Sơn, Quảng Ngãi, theo một số người dân lặn hải sâm vú trắng, số tàu lặn không chỉ khai thác trong khu vực mà nhiều khi còn đi ra ngoài hải phận Việt Nam để săn lùng loài hải sâm vú quý hiếm này. Tuy nhiên, ngoài giá trị lớn không ít thu được từ những chuyến đi biển thuận lợi mang lại thu nhập cho người dân lặn bắt hải sâm, đã có không ít những hệ lụy, rủi ro đến tính mạng và tính bất hợp pháp trong khai thác nguồn lợi quý hiếm này. Nhiều phóng sự trên báo chí về nghề lặn hải sâm cho thấy sự rủi ro, đánh đổi sức khỏe và tính mạng khi lặn bắt hải sâm vú.

Trước nguy cơ tuyệt chủng của loài quý hiếm, lần đầu tiên nhóm nghiên cứu về hải sâm của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (Viện III) đã thực hiện sản xuất thành công con giống hải sâm vú trắng. Việc này mở ra hướng nuôi trồng và bảo tồn nguồn lợi cho loài hải sâm có giá trị kinh tế rất cao này.

Tuy nhiên khó khăn nhất trong việc nuôi ương ấu trùng là giai đoạn ấu trùng bắt đầu chuyển sang giai đoạn sống bám. Giai đoạn này nếu dinh dưỡng không đủ thì ấu trùng không thể nào chuyển giai đoạn bám đáy thành công. Trước những khó khăn như vậy, từ gần cuối năm 2019, đội ngũ nghiên cứu đề tài đã phối hợp với nhóm nghiên cứu của dự án 4Innovation tại Viện III để cùng tìm hướng đi và đột phá cho sản xuất giống và ương nuôi hải sâm vú trắng. Dự án trên thuộc chương trình đổi mới sáng tạo 4Innovation trong khuôn khổ hợp tác giữa Chính phủ Úc và Bộ Khoa học và Công Nghệ, Việt Nam: “Nâng cao sản xuất hải sâm giá trị cao thông qua công nghệ phân tử”, đã được lựa chọn là 1 trong 3 dự án trong số 120 đề án tham gia được phê duyệt đợt 1 trong năm 2019.

Dự án ra đời dựa trên sự phối hợp nghiên cứu giữa Trường Đại học Sunshine Coast, Úc và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III. Nhóm nghiên cứu của dự án là những chuyên gia hàng đầu trong sản xuất hoocmon kích thích sinh sản, chuyên gia kỹ thuật chuyên sâu về sản xuất giống hải sâm của Viện III và Trường Đại học Sunshine Coast (Úc). Kết quả sử dụng hoocmon cho thấy hiệu quả trong việc kích thích hải sâm bố mẹ chủ động và nâng cao chất lượng trứng cùng ấu trùng phục vụ ương nuôi ấu trùng so với phương pháp kích thích hải sâm bố mẹ sinh sản bằng phương pháp truyền thống như kích nhiệt. Kết quả gần đây cho thấy sự phối hợp của các chuyên gia trong nhóm dự án và nhóm đề tài đã lần đầu tiên sản xuất thành công con giống hải sâm vú trắng, chuẩn bị đưa ra ương nuôi con giống lớn để phục vụ nuôi thương phẩm.

Thành công của dự án là kết quả của sự kiên trì và sáng tạo của cả nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước, cùng trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và sản xuất, ứng dụng công nghệ mới. Việc chuẩn bị đưa con giống vào ương nuôi đã sẵn sàng và nhóm nghiên cứu dự án cũng đang khảo sát các vùng nuôi phù hợp cho nuôi thương phẩm. Nếu việc triển khai nuôi thương phẩm thành công trong thời gian tới, dự án sẽ tạo ra một đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo tồn nguồn lợi hải sâm vú trắng tự nhiên và tạo sinh kế cho nhiều người dân biển đảo.

NASATI