Quá trình phát triển kinh tế – xã hội và nhập nền kinh tế quốc tế trở thành động lực thúc đẩy cho quá trình hình thành và phát triển của hệ thống phòng thí nghiệm tại Việt Nam trong thời gian qua. Trong khoảng 15-20 năm trở lại đây, hoạt động các phòng thí nghiệm phát triển được một bước dài đáng ghi nhận với sự đa dạng hóa hệ thống phòng thí nghiệm ở nhiều lĩnh vực và mức đầu tư ước tính đến vài ngàn tỷ đồng cho các thiết bị khoa học. Hiện nay đa số các phòng thí nghiệm được đầu tư tới 50-70 tỷ đồng, có những phòng thí nghiệm được đầu tư cả trăm tỷ đồng.
Các phòng kiểm nghiệm, thí nghiệm thường thải ra môi trường một lượng khí thải nhất định. Tùy thuộc vào lượng mẫu tại mỗi cơ sở tiến hành thử nghiệm hàng ngày, nồng độ các chất ô nhiễm trong khí thải khác nhau.Sự phát thải khí thải từ các box phá mẫu, khu vực làm giàu mẫu và các máy phân tích hóa lý có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh và sức khỏe dân cư trong khu vực.
Như vậy, cùng với sự tăng trưởng các phòng thí nghiệm kéo theo vấn đề xử lý khí thải tại các môi trường này là vô cùng cần thiết và cấp bách.
Phần lớn khí thải các phòng thí nghiệm sử dụng các tủ hút khí độc hoạt động theo nguyên lý hút thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường và không đạt yêu cầu với các phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO, HACCP,…
Việc nghiên cứu và phát triển loại thiết bị tủ hút có đồng thời 2 chức năng hút và xử lý khí thải là vấn đề được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Với mục tiêu nghiên cứu thiết kế bị tủ hút và xử lý khí thải đồng bộ đặt trong phòng thí nghiệm có công suất tới 3.000m3 không khí/giờ, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, có chi phí hợp lý và cạnh tranh cao. Nhóm nghiên cứu do Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp cùng phối hợp với chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Hữu Nam để thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị tủ hút và xử lý khí thải phòng thí nghiệm theo phương pháp hấp thụ rửa khí công suất đến 3.000m2 không khí/giờ”.
Nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của các thiết bị nước ngoài hiện đang dần được ứng dụng đưa vào thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế. Trên cơ sở đó, tiếp thu, tìm hiểu, có xử lý các kết quả thu nhập được xây dựng mô hình thiết bị phù hợp với các điều kiện của Việt Nam.
Sau thời gian nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã chế tạo thành công thiết bị hút và xử lý khí thải phòng thí nghiệm bằng phương pháp hấp thụ rửa khí công suất 1.200m3 không khí/giờ. Thiết bị này đã được tiến hành khảo sát, đánh giá hiệu quả xử lý trên thiết bị tủ hút được đặt tại tòa nhà Viện Dầu khí Việt Nam. Trong nghiên cứu, các kỹ sư đã giới hạn phạm vi khảo sát đánh giá với thiết bị xử lý khí thải bằng phương pháp hấp thụ rửa khí (dạng sủi bọt) với thông số ô nhiễm cơ bản là SO2.
Qúa trình nghiên cứu tiến hành đối với sự thay đổi các yếu tố bao gồm vận tốc khối lượng dòng khí, nồng độ dung dịch hấp thụ và áp suất phân khối khí (chiều cao dung dịch hấp thụ). Qua khảo sát cho thấy, hiệu suất đạt hiệu quả tối ưu nhất về mặt kỹ thuật cũng như kinh tế khi vận tốc dòng khí đạt 2,5m/s, nồng độ dung dịch hấp thụ 20% và áp suất phân khối khí 15kPa, với hiệu suất xử lý đạt 91,88%.
Các kết quả của nghiên cứu này sẽ là tiền đề cho quá trình nghiên cứu sâu hơn cũng như hiệu chỉnh cho quá trình thiết kế đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12228/2016) tại Cục Thông tin KHCNQG
Đ.T.V (NASATI)