Hệ thống chiếu sáng công cộng là một trong những hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật không thể thiếu của các đô thị. Tuy nhiên, hạng mục này đang tồn tại nhiều hạn chế chẳng hạn như chế độ đóng cắt còn đơn điệu chưa phong phú, không có nhiều tùy chọn chế độ đóng cắt; chưa có một giải pháp toàn diện và tối ưu cho thiết bị thu phát và đóng cắt tại đầu đầu của trung tâm điều khiển và đầu cuối của mỗi xuất tuyết đèn; chưa có khả năng đưa ra các dự báo đóng cắt ngắn hạn, linh hoạt với thời tiết theo các thông tin từ Internet để tối ưu chế độ vận hành nhằm tiết kiệm điện năng trong từng chu kỳ đóng cắt; giá thành đắt, khó phù hợp với các địa phương và đơn vị nhỏ.
Trước thực tế này, nhằm có thể làm chủ công nghệ thiết kế hệ thống điều khiển đèn chiếu sáng đô thị theo hướng thông minh và tiết kiệm điện năng trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật truyền thông qua mạng không dây GSM/GPRS/3G kết hợp công nghệ vi điều khiển và điện tử công suất, nhóm nghiên cứu do Trường Cao đẳng công nghiệp Huế – Bộ Công thương do TS. Trần Phương Nam làm chủ nhiệm đã triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế hệ thống điều khiển đèn chiếu sáng đô thị theo hướng thông minh và tiết kiệm năng lượng”.
Sau 1 năm (01/01/2017-31/12/2017) triển khai thực hiện, Đề tài đã nghiên cứu và thiết kế thành công hệ thống điều khiển chiếu sáng đô thị theo hướng thông minh và tiết kiệm năng lượng với các ưu điểm sau:
- Hệ thống có khả năng điều khiển, đóng/cắt và giám sát từ xa hệ thống chiếu sáng đô thị.
- Việc truyền thông, giao tiếp giữa thiết bị đầu cuối (tủ điều khiển) về thiết bị đầu đầu (Server trung tâm) thông qua công nghệ không dây bằng sóng GSM/GPRS/3G.
- Việc đóng/cắt được thực hiện rất linh hoạt theo các chế độ lập trình. Trong đó chế độ đóng/cắt tự động linh hoạt theo kiểu thời tiết dự báo là ưu điểm chính của sản phẩm so với các sản phẩm hiện có trên thị trường (đóng cắt theo chế độ mặc định sẵn). Điều
này giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ của hệ thống đèn chiếu sáng đô thị. Đây có thể xem là hệ thống thông minh có khả năng dự báo, “tính toán“ chế độ vận hành tối ưu và đóng cắt linh hoạt.
- Việc điều điều khiển đóng/cắt xen kẽ các pha cũng được điều khiển từ xa theo thời gian.
- Hệ thống có khả năng lưu trữ dữ liệu về các thông số dòng điện, điện áp, điện năng, trạng thái trên máy tính.
- Có mã nguồn mở nên có thể điều chỉnh, cập nhật phần mềm thiết bị đầu đầu và đầu cuối dễ dàng.
- Có tính bảo mật cao, có khả năng thương mại hóa.
Nhóm thực hiện đề tài mong muốn được tiếp tục triển khai nghiên cứu và nâng cấp phần cứng và phần mềm tiếp để hoàn thiện hơn, đồng thời được cho phép tiếp tục thử nghiệm hệ thống được đề xuất với thời gian dài hơn tại các hệ thống chiếu sáng công cộng thực tế để qua đó đánh giá chính xác các chỉ tiêu như độ bền, độ chính xác, tính ổn định… của hệ thống.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14799/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)