Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cơ cấu dân số. Hiện nay, nông nghiệp chiếm tỉ trọng khá cao trong cơ cấu của nền kinh tế. Dù vậy, ngành nông nghiệp vẫn chưa đạt được hiệu quả cao tương xứng với vị trí của nó trong nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu do các khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản hiện nay được thực hiện chưa khoa học. Điều đó làm giảm giá trị các sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Gần đây chúng ta đã có chủ trương chuyển đổi 1 phần diện tích trồng lúa sang trồng ngô để tránh nhập khẩu, mặt khác để phát triển mạnh hơn, quy mô hơn ngành chế biến ngô cho phù hợp với cơ cấu cây trồng tại các nơi có tiềm lực phát triển. Trong tổng cơ cấu cây trồng thì ngô hiện vẫn là cây lương thực đứng hang thứ hai sau cây lúa. Với sự ra đời của hàng loạt giống Ngô cho năng suất cao do Viện nghiên cứu ngô – Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa vào sản xuất khắp các tỉnh thành trong cả nước (Năng suất đạt 7 – 10 tấn/ha) cùng với việc nhập nhiều giống ngô ngoại vào Việt Nam. Trong tương lai Việt Nam có thể hoàn toàn tự cung cấp ngô cho các nghành sản xuất, chế biến. Vì vậy việc nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch để chế biến ngô thương phẩm, ngô làm giống là một đòi hỏi cấp bách hiện nay, một mặt nâng cao phẩm cấp của ngô thương phẩm và ngô giống vì vẫn còn lẫn tạp chất, mối mọt mặt khác tạo ra được loại giống ngô có năng suất cao.

Ngoài ra, trong quy trình công nghệ sấy chế biến ngô thịt, ngô giống công nghệ phân loại làm sạch là công nghệ quan trọng trong quy trình, nó đảm bảo phẩm cấp cho sản phẩm. Bởi vậy việc nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu, tính toán, thiết kế, chế tạo hệ thống máy sàng làm sạch ngô năng suát siêu lớn 35 – 40 tấn/h” của nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Nguyễn Đình Tùng, Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp đứng đầu sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của sản xuất đòi hỏi và góp phần nâng cao giá trị gia tăng đối với mặt hàng nông sản ngô.

 

Sau một thời gian triển khai, đề tài nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ các nội dung và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật theo hợp đồng đã được ký kết với Bộ Công Thương, cụ thể:

  • Đã nghiên cứu tổng quan về tình hình trồng ngô và chế biến/phân loại ngô trên thế giới và ở Việt Nam;
  • Đã nghiên cứu tính toán và thiết kế đưa ra thiết bị máy sàng phân loại/làm sạch ngô phù hợp với các cơ sở chế biến nông sản và/hoặc chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô công nghiệp ở Việt Nam;
  • Đã thiết kế, chế tạo thiết bị đáp ứng quy mô công nghiệp, năng suất siêu lớn 35-40 tấn/h;
  • Đã ứng dụng các phần mềm chuyên ngành vào tính toán lý thuyết để tối ưu hóa quá trình tính toán, hạn chế sai số tích lũy. Cụ thể sử dụng phần mềm máy tính dùng phương pháp phần tử hữu hạn phân tích sức bền kết cấu, cho biết tính ổn định của máy đạt yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra sử dụng Marco Excel để tính toán thiết kế và kiểm nghiệm cho mẫu máy, đảm bảo độ tin cậy, độ chính xác cao;
  • Đã xây dựng được mô hình toán tối ưu bằng phương pháp quy hoạch hóa thực nghiệm trên phần mềm máy tính, tìm được vùng tối ưu cho chế độ công nghệ của máy, giảm chi phí và thời gian tiến hành thực nghiệm;
  • Đã khảo nghiệm mẫu máy đưa vào ứng dụng trong sản xuất. Kết quả khảo nghiệm cho thấy năng suất đạt được lớn hơn năng suất thiết kế 3,925% và kết quả đã đánh giá được chất lượng của máy phân loại làm sạch như độ sạch đạt 98,39%; độ sót 0,10%; độ vỡ hạt 0,059%.

Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu kiến nghị có thể ứng dụng nguyên lý sàng kiểu này đối với các loại nguyên liệu dạng hạt khác như đỗ, lạc, các loại hạt giống khác,… Cần phát triển, hoàn thiện để chế tạo sản xuất hàng loạt mẫu máy, hoàn toàn có thể phát triển thành dự án sản xuất thực nghiệm.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14644/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)