Song song với sự tăng trưởng diện tích, năng suất và sản lượng, hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác bảo vệ môi trường sản xuất nói chung và môi trường NTTS nói riêng. Để quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước phục vụ cho NTTS ở nước ta nói chung và vùng ven biển Bắc bộ, vùng nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Môi trường nông nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì đề tài và cùng thực hiện với chủ nhiệm đề tài PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp xử lý suy thoái môi trường nước nhằm sử dụng bền vững tài nguyên cho các vùng nuôi tôm các tỉnh ven biển Bắc bộ và vùng nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long”.

Qua thời gian nghiên cứu, đề tài đã đánh giá đầy đủ, chi tiết về hiện trạng thủy lợi phục vụ nuôi tôm vùng ven biển Bắc Bộ và vùng nuôi cá tra ĐBSCL; Tính toán chính xác cân bằng nước cho các khu vực nuôi trồng thuỷ sản quy mô cấp huyện thuộc vùng ven biển Bắc Bộ và vùng nuôi cá tra vùng ĐBSCL; Đã xây dựng được 04 bộ hồ sơ thiết kế sơ bộ hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm ven biển Bắc bộ và nuôi cá tra vùng ĐBSCL; Lựa chọn được giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ công nghệ nuôi tuần hoàn nước, cho vùng ven biển Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Đề xuất được giải pháp quản lý về cơ chế chính sách, công nghệ để quản lý phù hợp nhằm phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản ở hai vùng nghiên cứu; Xây dựng được 1 mô hình nuôi tôm và 1 mô hình nuôi cá tra theo công nghệ tuần hoàn ít thay nước; Đã hoàn thành hồ sơ đăng ký giải pháp hữu ích được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận; Tổ chức được 4 lớp tập huấn cho 200 lượt nông dân; Đào tạo 02 thạc sỹ và đăng tải 2 bài báo trên tạp chí chuyên ngành.

Mặc dù nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm và cá tra nói riêng đang là ngành hàng phát triển tiềm năng và có lợi thế nhưng hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS còn chưa được đầu tư xây dựng thỏa đáng. Các địa phương đã có quy hoạch vùng nuôi tập trung nhưng cho đến nay ngoại trừ một số vùng nuôi gần nguồn nước có thể sử dụng trực tiếp nguồn nước bơm từ biển hay sông chính, hầu hết các địa phương đều tận dụng hệ thống thủy nông trong trồng trọt để phục vụ cấp thoát nước cho NTTS. Hầu hết các vùng nuôi đều chưa có hệ thống kênh cấp và kênh thải riêng do đó nhiều dòng nước thải từ ao nuôi đã hoà lẫn với nước cấp và quay trở lại ao nuôi.

Các nguồn nước cấp cho nuôi tôm hiện rất ít hoặc không bị ô nhiễm kim loại nặng và dư lượng thuốc BVTV nhưng vẫn còn bị ô nhiễm TSS, P, K, DO, COD, TP, NH4, TSS, NH3 và Coliform ở cả mùa khô và mùa mưa, trong đó NH4vượt tiêu chuẩn cho phép cao nhất (tới 30 lần). Trong ao nuôi, các chỉ tiêu TSS, P, K, DO, COD, TP, NH4, NH3 và Coliform cũng vượt từ 1,8 đến 34 lần. Trong nước thải, các chỉ tiêuTSS, DO, K, P, N, NH4, vượt QCVN từ 2 đến hơn 38 lần. Đặc biệt trong bùn thải đã phát hiện sự tích tụ của các kim loại nặng như Fe, Al, Cu, Hg, Cd và As nhưng với nồng độ thấp.

Các nguồn nước cấp cho ao nuôi cá tra cũng không bị ô nhiễm bởi kim loại nặng, thuốc BVTV và các hoá chất độc hại nhưng vẫn có chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép trong cả hai mùa khô và mùa mưa bao gồm các chỉ tiêu N, P, DO, COD, BOD, TN, TP, NH4, độ đục, TSS, NH3 và NO2, trong đó có chỉ tiêu NH4 có mức độ vượt cao nhất lên đến 20 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Trong ao nuôi các chỉ tiêu N, P, DO, COD, BOD, TN, TP, NH4, độ đục, TSS, NH3, NO2 cũng vượt mức cho phép. Trong nước thải sau nuôi có 10 chỉ tiêu vượt QC1,2 đến hơn 20 lần, trong bùn đáy chủ yếu các chỉ tiêu dinh dưỡng như N, P đều khá cao nhưng các chỉ tiêu kim loại nặng đều nằm trong giới hạn cho phép.

Để đảm bảo đủ nguồn nước cấp cho hoạt động nuôi tôm theo quy hoạch đến năm 2020, các trạm cấp nước của Quảng Ninh cần phải điều tiết lượng nước cho 7 tháng nuôi tôm tập trung là tháng 3: 22.527; 4: 594; 5: 861; 6: 22827; 7: 854; 8: 730 và tháng 9 là 872 m3/ ha. Tương tự các trạm cấp nước của Nam Định cũng phải cấp lượng nước cho các tháng tương ứng trên đây là 22.394; 5070; 8680; 22.929; 1047; 775 và 694 m3/ ha. Đối với các vùng nuôi cá tra, với nhu cầu nước là 1.303.740 m3/ha/vụ trong mùa khô và 1.294.020 m3/ha/vụ trong mùa mưa thì thì lượng nước từ các sông và kênh rạch vẫn đáp ứng được từ 214,49 – 473.669,8% nhu cầu nước ngay cả trong điều kiện bất lợi nhất là tháng kiệt nhất của mùa khô. Như vậy, nguồn cung cấp nước trên các sông kênh hoàn toàn cung cấp đủ lượng nước yêu cầu sử dụng cho hoạt động nuôi cá tra ĐBCL hiện nay.

Hiện có thể sử dụng nhiều công nghệ xử lý nước cho các ao nuôi phục vụ công nghệ nuôi tuần hoàn nước. Tuy nhiên, để xử lý hiệu quả nguồn nước cấp cần áp dụng công nghệ lọc tuần hoàn nước bằng các vật liệu lọc cao tải như Zeolit, than hoạt tính. Trong ao nuôi, cần xử lý hoá chất như Iodine hay Clorine trước khi thả tôm, cá đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học như Biogro (khi bị ô nhiễm nặng TSS, Nts và Pts hay BIO-S khi bị suy giảm COD) và khoáng tạt để xử lý ao nuôi và bổ sung trong suốt quá trình nuôi. Đồng thời cấn áp dụng bổ sung hệ thống sục khí và hệ thống hoạt hoá nước để tăng cường hàm lượng oxy trong ao. Để xử lý nước thải cần có ao chứa và áp dụng công nghệ sinh thái sử dụng một số loài thực vật như bèo tây, sậy, hay thuỷ trúc cho các vùng nước ngọt và rong đuôi chó cho các vùng nước lợ.

Nhóm thực hiện đề tài đã hoàn thành thiết kế sơ bộ hệ thống cấp, thoát nước phục vụ nuôi tôm vùng ven biển Bắc bộ theo 2 mô hình là Mô hình hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm quảng canh cải tiến ngoài đê, kênh cấp thoát 2 cấp và Mô hình hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm quảng canh cải tiến ngoài đê, kênh cấp thoát 3 cấp. Để phát triển bên vững cho nghề nuôi cá tra ĐBSCL thì hệ thống ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước cần được xây dựng khép kín. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến một số điều kiện bất lợi như hạn hán, mưa lũ kéo dài ảnh hưởng đến vấn đề cấp thoát nước cho ao nuôi. Do đó cần có các công trình phụ trợ như giếng lấy nước, trạm bơm,…

Kết quả thử nghiệm mô hình nuôi tôm và cá tra theo công nghệ tuần hoàn nước cho thấy chất lượng môi trường nước hoàn toàn đảm bảo cho hoạt động nuôi tôm và hạn chế lây lan dịch bệnh từ bên ngoài. Năng suất tôm tăng 1,26 lần và lợi nhuận tăng 128% so với ngoài mô hình nuôi tôm không theo hệ thống tuần hoàn nước, tỷ suất lợi nhuận trong mô hình là 0,39 lần, so với ngoài mô hình là 0,19 lần. Năng suất cá tra nuôi trong mô hình tăng 10,2% so với ngoài mô hình, lợi nhuận tăng 83%, tỷ suất lợi nhuận trong mô hình là 0,24 lần, so với ngoài mô hình là 0,13 lần.

 

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (12904/2016) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Đ.T.V (NASATI)

N.P.D (NASATI)