Phần nối bể thận niệu quản là phần tiếp nối giữa bể thận và niệu quản. Tắc nghẽn hoàn toàn hay một phần phần nối bể thận niệu quản làm cản trở lưu thông nước tiểu qua phần nối bể thận niệu quản xuống niệu quản, gây nên tình trạng ứ nước thận. Nguyên nhân tắc nghẽn là do đè ép từ bên ngoài hoặc chít hẹp bên trong. Mức độ ứ nước thận tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn tại phần nối bể thận niệu quản. Bệnh lý này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1816. Đến năm 1841, đặc tính của bệnh mới được mô tả đầy đủ trên y văn thế giới. Bệnh có thể do nguyên nhân bẩm sinh hoặc mắc phải. Năm 1993, Schuessler W. đã áp dụng thành công phẫu thuật nội soi điều trị hẹp phần nối bể thận niệu quản ở người lớn. Tan H.L. và cộng sự (1996) là người đầu tiên thông báo đã áp dụng thành công phẫu thuật nội soi điều trị hẹp phần nối bể thận niệu quản ở trẻ em.

Phẫu thuật nội soi cho kết quả điều trị tương đương như phẫu thuật mổ mở kinh điển. Với ưu thế là một phẫu thuật ít xâm hại, có tính thẩm mỹ cao, các nghiên cứu đều khẳng định phẫu thuật nội soi là sự lựa chọn hàng đầu trong điều trị bệnh lý hẹp phần nối bể thận niệu quản, đặc biệt ở trẻ em. Phẫu thuật nội soi có thể được thực hiện bằng đường qua phúc mạc hay sau phúc mạc. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi rất cao về dụng cụ phẫu thuật cũng như trình độ của phẫu thuật viên do phẫu trường làm việc rất hạn chế, đặc biệt với đường sau phúc mạc. Để rút ngắn thời gian phẫu thuật, đặc biệt ở trẻ em, một số tác giả đã đề xuất việc sử dụng nội soi để phẫu tích phần nối rồi đưa ra ngoài khâu nối. Lima M. (2007), Caione P. (2010) đã chứng minh phương pháp này mang lại kết quả rất tốt ở trẻ nhỏ.

Nội soi hỗ trợ đường sau phúc mạc với 1 trocar cho phép phẫu tích dễ dàng phần nối bằng nội soi sau đó đưa ra ngoài thành bụng để cắt và khâu nối. Phương pháp này tận dụng được tối đa các lợi điểm của cả phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mổ mở trong điều trị bệnh lý hẹp phần nối niệu quản bể thận ở trẻ em.

Với mục đích đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật hẹp phần nối bể thận niệu quản ở trẻ em bằng phẫu thuật nội soi sau phúc mạc, nhóm nghiên cứu do GS. TS Nguyễn Thanh Liêm, Bệnh viện Nhi Trung ương đã kiến nghị và được chấp thuận cho thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi sau phúc mạc điều trị hẹp phần nối bể thận niệu quản ở trẻ dưới 5 tuổi” với các mục tiêu sau:

  1. Nghiên cứu ứng dụng chỉ định và kỹ thuật của phẫu thuật nội soi hỗ trợ đường sau phúc mạc sử dụng 1 trocar điều trị bệnh hẹp Phần nối bể thận niệu quản ở trẻ dưới 5 tuổi tại Bệnh viện Nhi trung ương.
  2. Đánh giá kết quả của phẫu thuật nội soi hỗ trợ đường sau phúc mạc sử dụng 1 trocar điều trị bệnh hẹp phần nối bể thận niệu quản ở trẻ dưới 5 tuổi tại Bệnh viện Nhi trung ương.

Từ 1/2011 đến tháng 6/2013 tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành áp dụng phẫu thuật nội soi hỗ trợ đường sau phúc mạc sử dụng 1 trocar để điều trị bệnh lý hẹp phần nối niệu quản bể thận cho 70 bệnh nhi. Qua kết quả nghiên cứu nhóm nghiên cứu nêu lên những kết luận sau:

  1. Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc sử dụng 1 trocar điều trị bệnh lý hẹp Phần nối bể thận niệu quản chỉ định cho những trường hợp ứ nước thận ở trẻ dưới 5 tuổi
    Tuổi mổ trung bình trong nghiên cứu 22,6±18,6 tháng. 65,71% bệnh nhân trong nghiên cứu dưới 24 tháng tuổi. Chỉ định phẫu thuật dựa vào chẩn đoán trước sinh và các thăm dò hình ảnh. 82,14% bệnh nhân dưới 12 tháng có chẩn đoán trước sinh. Đường kính trước sau bể thận trung bình trên siêu âm trước mổ 34,3 mm±8,1mm. Xạ hình thận trước mổ có hình ảnh tắc nghẽn đường bài xuất với thời gian bán thải (T/2) kéo dài trên 20 phút. Chức năng thận trung bình là 47,9±9,8%.

Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc 1 trocar điều trị hẹp Phần nối bể thận niệu quản là một ứng dụng kỹ thuật phù hợp ở trẻ dưới 5 tuổi. Kỹ thuật này có được những lợi điểm của cả phẫu thuật mổ mở và phẫu thuật nội soi. Với 1 trocar đặt ở dưới xương sườn 12, đường rạch da 1,5cm, sử dụng ống kính có 2 kênh, với áp lực bơm hơi 10mmHg ở trẻ dưới 1 tuổi, 12mmHg ở trẻ lớn, việc phẫu tích phần nối bể thận niệu quản và niệu quản dài 2cm dưới phần nối bằng nội soi đường sau phúc mạc cho phép đưa phần nối ra ngoài thành bụng dễ dàng.

Có 2/70(2,86%) bệnh nhân phải mổ mở do thủng phúc mạc. Phẫu thuật tạo hình theo phương pháp AndersonHynes tiến hành thuận lợi qua đường rạch da ở chân trocar trong 91,2% các trường hợp.

Có 8,8% trường hợp phải rạch rộng chân trocar thêm 1,5cm do bể thận viêm dính hoặc do phải dẫn lưu qua nhu mô thận. Tình trạng viêm bể thận là yếu tố nguy cơ phải mở rộng vết mổ.

  1. Đánh giá kết quả áp dụng phẫu thuật nội soi sau phúc mạc sử dụng 1 trocar trị bệnh lý hẹp phần nối bể thận niệu quản ở trẻ dưới 5 tuổi tại bệnh viện Nhi trung ương
    Thời gian mổ trung bình là 74,8±15,2 phút. Thời gian bơm hơi trung bình là 19,7±5,8 phút. Không có tai biến trong mổ. Không có biến chứng rò nước tiểu sau mổ.

Thời gian nằm viện trung bình là 3,7±2,6 ngày. 80,88% bệnh nhân nằm viện dưới 4 ngày. 75,71% bệnh nhân được khám lại sau mổ tối thiểu 6 tháng. Có 2 bệnh nhân phải mổ lại do hẹp miệng nối sau mổ, chiếm 3,92%.

Kết quả tốt đạt 88,24% với kích thước bể thận sau mổ dưới 20mm. 7,84% bệnh nhân có kết quả khá với kích thước bể thận trên 20mm, nhưng không có biểu hiện lâm sàng. Kích thước bể thận trung bình sau mổ là 14,3±5,1mm.

Có sự thay đổi có ý nghĩa thống kê giữa kích thước trung bình của bể thận và dày nhu mô thận trước và sau mổ (p<0,05).

Tuổi mổ có ý nghĩa quan trọng đến sự phục hồi chức năng thận sau mổ (p<0,05). Kích thước bể thận trên siêu âm phản ánh tình trạng lưu thông nước tiểu qua phần nối và là thông số quan trọng để đánh giá và theo dõi sự phục hồi chức năng thận sau mổ.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13240/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)