Từ xa xưa, sản phẩm sứ dân dụng đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống. Trước đây, sản phẩm sứ dân dụng chủ yếu được sử dụng với mục đích chính là để chứa đựng thức ăn, nước uống, cắm hoa với chất lượng và chủng loại còn hạn chế. Ngày nay, sứ dân dụng, đặc biệt là sứ dân dụng cao cấp, không chỉ đóng vai trò là các vật dụng hàng ngày, mà nó còn được sử dụng làm đồ trang trí, mang nhiều tính thẩm mỹ, thể hiện sự sang trọng, đẳng cấp của người sử dụng… với nhiều chủng loại, mẫu mã đa dạng, phong phú.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng các sản phẩm sứ dân dụng cao cấp của người dân trong nước tăng cao. Nắm bắt được xu hướng đó, các công ty sản xuất sứ dân dụng đã cho ra đời nhiều loại sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, nổi tiếng trong nước như: Công ty Gốm sứ cao cấp Minh Long, Công ty cổ phần Sứ Hải Dương… Tuy nhiên, với cơ chế thị trường mở cửa như hiện nay, các công ty trong nước cũng phải cạnh tranh với các sản phẩm sứ dân dụng cao cấp đến từ các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc…

Để có thể cạnh tranh được với các sản phẩm trong và ngoài nước, các phương pháp sản xuất luôn được nghiên cứu và đổi mới để có thể cho ra những sản phẩm có hình thức đẹp, chất lượng sản phẩm tốt mà vẫn đảm bảo được giá thành phải chăng. Một trong những đề xuất đó chính là sử dụng SiO2 có trong tro trấu để thay thế cho nguyên liệu quartz. Việc sử dụng SiO2 có trong tro trấu để thay thế cho nguyên liệu quartz không những giải quyết vấn đề về vỏ trấu – một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất lúa gạo trong nước, mà còn giúp chúng ta giải bài toán về nguyên liệu ngày càng có hạn và các vấn đề môi trường khi tiến hành khai thác chúng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng SiO2 siêu mịn từ tro trấu hứa hẹn sẽ làm tăng một số tính chất quan trọng của sản phẩm như cường độ, giảm nhiệt độ nung.

Từ đó, Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Tỵ đăng ký thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng silica siêu mịn từ tro trấu để giảm nhiệt độ nung trong sản xuất sứ dân dụng cao cấp” nhằm làm rõ hơn tác động của silica siêu mịn từ tro trấu tới các tính chất của sứ dân dụng và đánh giá khả năng ứng dụng của silica siêu mịn từ tro trấu trong công nghệ sản xuất gốm sứ.

Sau một năm làm việc tích cực nhóm thực hiện đề tài đã hoàn thành mục tiêu đặt ra và hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo đề cương đăng kí của đề tài, cụ thể là:

– Đã kiểm tra, đánh giá các tính chất của nguyên liệu silica siêu mịn từ tro trấu

– Đã nghiên cứu sự ảnh hưởng của silica siêu mịn từ tro trấu đến các tính chất của phối liệu gồm: mức độ kết khối, độ co, độ trắng, cường độ uốn của sản phẩm sứ.

– Đã nghiên cứu lựa chọn được hàm lượng silica siêu mịn từ tro trấu thích hợp dùng trong phối liệu là 2%, đảm bảo được các thông số công nghệ như độ ẩm tạo hình, độ co của sản phẩm sứ dân dụng cao cấp

– Với bài phối liệu dùng 2% silica siêu mịn từ tro trấu thì có thể giảm nhiệt độ nung 10oC mà vẫn đảm bảo được độ kết khối và các tính chất kỹ thuật của sản phẩm

– Chế thử được 10 sản phẩm sứ với các thông số kỹ thuật đạt hoặc tiệm cận đến giá trị như đã đăng ký.


Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15850/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)