Di sản văn hóa là một trong những lĩnh vực song hành với lịch sử, văn hóa đất nước. Trong mỗi thời kỳ, các giá trị văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng tồn tại dưới dạng vật thể, phi vật thể, tư liệu… luôn là tài nguyên quý báu làm nên thương hiệu, bản sắc của quốc gia, dân tộc.
Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) về việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, cụ thể hơn là từ năm 1996, với chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hoá, việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và di sản văn hóa phi vật thể trở thành một trong những nhiệm vụ cấp thiết của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu vẫn được tiến hành nhưng việc xây dựng, kết nối, chuẩn hóa dữ liệu và khai thác các cơ sở dữ liệu (CSDL) này trong tổng hòa chung về di sản văn hóa (DSVH) hiện vẫn chưa được nghiên cứu triển khai, phần nào cũng làm hạn chế mức độ giá trị, cơ bản vẫn mang tính đơn lẻ, chưa có sự liên kết trong quản lý và khai thác
Xuất phát từ thực trạng trên, Cơ quan chủ trì Cục Di sản văn hóa cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Trần Đình Thành thực hiện “Nghiên cứu việc tổ chức, quản lý, liên kết mạng dữ liệu về di sản văn hóa” với mục tiêu: Đánh giá thực trạng việc tổ chức, quản lý, liên kết mạng dữ liệu về di sản văn hóa ở Cục Di sản văn hóa và một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; Từ những kết quả nghiên cứu về lý luận và thực tiễn trong nước và quốc tế làm cơ sở cho việc đề xuất tổ chức, quản lý, liên kết 2 mạng dữ liệu về DSVH tại Việt Nam và kiến nghị các giải pháp thực hiện mang tính khả thi.
Trong thời đại cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, việc áp dụng các thành tựu tiên tiến của khoa học, đặc biệt trong việc số hóa thông tin tài liệu để có thể chia sẻ, liên kết trở nên rất cần thiết. Bên cạnh đó việc đánh giá, thống nhất nguồn dữ liệu trong một mạng lưới liên kết chặt chẽ sẽ đem lại hiệu quả thiết thực đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Theo Luật giao dịch điện tử (2005), hệ thống cơ sở dữ liệu là tập hợp các dữ liệu được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử; và dữ liệu là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự.
Khái niệm hệ thống cơ sở dữ liệu thường được sử dụng trong các văn bản của nước ta theo nghĩa là hệ thống bao gồm một số cơ sở dữ liệu đặc thù từng ngành, lĩnh vực cùng với các hệ thống phần mềm quản lý, khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ cho từng lĩnh vực quản lý.
Tổ chức tiêu chuẩn thông tin quốc gia (Mỹ) NISO (2004) định nghĩa Metadata là thông tin có cấu trúc để mô tả, giải thích, định vị… nhằm làm cho việc gọi lại, sử dụng và quản lý thông tin tài nguyên dễ dàng hơn, do đó có thể gọi là dữ liệu về dữ liệu và thông tin về thông tin. Metadata thường được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu và liên kết đối tượng được mô tả.
Tổng quan nghiên cứu về lý luận và thưc tiễn chung đối với các nội dung tổ chức, quản lý liên kết mạng dữ liệu khá phong phú và đều thống nhất từ việc xây dựng và đúc rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đơn lẻ để hình thành dần mạng lưới liên kết cơ sở dữ liệu trên toàn quốc gia, lãnh thổ.
Quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc ứng dụng công nghệ mới là thành tựu của 13 CMCN lần thứ tư vào lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa là nhất quán và xuyên suốt.
Một số nghiên cứu về xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa, các cơ sở dữ liệu văn hóa và dữ liệu số (đã được số hóa) hiện đang lưu trữ ở Cục Di sản văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, các bảo tàng quốc gia, bảo tàng các tỉnh/thành phố… là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước kế thừa, tổ chức liên kết thành một hệ thống dữ liệu ngành di sản văn hóa mang tầm vóc quốc gia.
Di sản văn hoá Việt Nam là kết tinh trí tuệ, tình cảm, truyền thống của các thế hệ. Di sản văn hoá có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện đại, với tư cách là nguồn lực quan trọng đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước và tham gia quá trình hội nhập toàn diện với cộng đồng quốc tế.
Tóm lại, xây dựng một hệ thống dữ liệu liên kết về di sản văn hóa ở Việt Nam là việc cần tính đến với kế hoạch xây dựng một dự án tổng thể để nghiên cứu kỹ các cơ sở dữ liệu di sản văn hóa của các cơ quan, đơn vị đang vận hành, có các phương án cụ thể về các khía cạnh như: trách nhiệm, phân quyền, lợi ích, chuẩn dữ liệu đầu vào, đầu ra… đến phương án kỹ thuật và từng bước đưa vào thử nghiệm và nâng cấp hệ thống, cuối cùng là chuyển giao, vận hành rộng rãi.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18455/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI) vista.gov.vn