Trong thời đại bùng nổ thông tin như ngày nay, yếu tố quyết định của nhiều vấn đề thường chỉ nằm ở chỗ có hay không có thông tin. Cung cấp thông tin hữu ích và phù hợp với người dùng tùy thuộc vào mối quan tâm, vị trí, bối cảnh của người dùng trở thành vấn đề quan trọng trong các dịch vụ cung cấp thông tin. Dịch vụ dựa trên vị trí (LBS) là một hướng nghiên cứu rất được quan tâm và được ứng dụng nhiều trong thực tế tại Việt Nam trong những năm gần đây. Có thể hiểu một cách đơn giản về LBS là những dịch vụ tiện ích cung cấp cho người sử dụng dựa trên vị trí của họ. Nó bao gồm những dịch vụ trong các lĩnh vực giao thông, địa điểm du lịch, quảng cáo trực tuyến, bảo tàng, thương mại điện tử, v.v…

Hiện nay, trên thế giới, LBS đã có nhiều nghiên cứu và ứng dụng trong thực tiễn như dịch vụ thông tin dẫn đường Google Places, Facebook Places, Urbanspoon, Foursquare cung cấp danh sách các vị trí phù hợp với điều kiện tìm kiếm của người dùng, cùng với thông tin cơ bản về các vị trí đó, tiếp thị dựa trên địa điểm, tìm kiếm bạn bè trên thiết bị di động như ứng dụng Nearby Friends có thể tìm kiếm bạn bè với khu vực định vị bán kính 500 m, quảng cáo di động dựa trên địa điểm, tìm kiếm tài sản thất lạc,…

Ở Việt nam, một số dịch vụ dựa trên vị trí đã bắt đầu được một số doanh nghiệp triển khai. Có thể kể đến các dịch vụ tìm đường, tìm kiếm điểm tiện ích như điểm đặt ATM, cây xăng, nhà hàng… ở xung quanh vị trí của khách hàng. Hiện cũng có rất nhiều các công nghệ, kỹ thuật định vị đã được nghiên cứu, phát triển, ứng dụng trong thực tế và đạt được những thành công không nhỏ, làm công cụ trợ giúp đắc lực cho con người trong nhiều lĩnh vực, cho phép các nhà phát triển nghiên cứu mở rộng các ứng dụng về dịch vụ dựa trên vị trí.

Mỗi công nghệ định vị đều có những ưu nhược điểm riêng, phù hợp với những bối cảnh cụ thể. Những kỹ thuật định vị tiêu biểu như định vị vệ tinh GPS, định vị dựa vào ô mạng, định vị thông qua sóng radio RFID, hồng ngoại, sóng siêu âm, sóng wifi v.v… Các ứng dụng trong thực tế dựa trên các kỹ thuật định vị giải quyết theo 2 hướng là ứng dụng định vị ngoài trời (Outdoor) và ứng dụng định vị trong nhà (Indoor). Do đó nhóm nghiên cứu do KS. Nguyễn Thị Giang Chi, Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hoá đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cung cấp thông tin cho khách hàng theo ngữ cảnh dựa trên hạ tầng wifi”.

Các nội dung chính bao gồm: 

– Nghiên cứu tổng quan về dịch vụ dựa vị trí (LBS), ngữ cảnh, nhận biết ngữ cảnh

– Nghiên cứu các kỹ thuật để xây dựng hạ tầng wifi thử nghiệm, xác định vị trí qua mạng wifi

– Phân tích, thiết kế, xây dựng 01 hệ thống cung cấp thông tin cho khách hàng theo ngữ cảnh dựa trên hạ tầng wifi

– Triển khai ứng dụng thử nghiệm hệ thống vào thực tế và đánh giá, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu ứng dụng

Nhóm nghiên cứu đề tài hướng đến đối tượng ứng dụng là các siêu thị nên hệ thống hướng tới cung cấp thông tin trong phạm vi gồm bản đồ mặt bằng siêu thị, vị trí các gian hàng, các thông tin chỉ dẫn trên nền bản đồ, thông tin về các sự kiện khuyến mãi, giảm giá, các sự kiện cần quảng bá tới khách hàng của siêu thị. Các sản phẩm, sản phẩm khuyến mãi, hỗ trợ khách hàng tìm kiếm nhanh sản phẩm. Thông tin được cung cấp theo ngữ cảnh liên quan tới người dùng như vị trí khách hàng, thời gian,…

Trên cơ sở các nghiên cứu tổng quan về dịch vụ dựa vị trí (LBS), ngữ cảnh và nhận biết ngữ cảnh, tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước về LBS, các ứng dụng và dịch vụ điển hình do các hãng công nghệ hàng đầu thế giới phát triển, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng dịch vụ dựa trên vị trí đã được ứng dụng rộng khắp trong các lĩnh vực, phục vụ các mục đích khác nhau như tiếp thị, quảng cáo dựa trên địa điểm, hỗ trợ khẩn cấp, tìm kiếm dịch vụ, tìm kiếm tài sản thất lạc, hệ thống bản đồ dẫn đường, hệ thống trợ giúp, chăm sóc sức khoẻ, tìm kiếm bạn bè trên thiết bị di động, mạng xã hội, v.v…

Trong nước, xu hướng sử dụng wifi diện rộng ở những địa điểm công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, các tòa nhà thương mại ở Việt Nam đang trở thành một nhu cầu thiết yếu. Chính vì vậy việc nghiên cứu xây dựng hệ thống cung cấp thông tin theo ngữ cảnh dựa trên hạ tầng Wifi được kỳ vọng sẽ trở thành một xu hướng mới trong các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, các tòa nhà thương mại ở Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu các kỹ thuật để xây dựng hạ tầng mạng wifi, các giải pháp và thuật toán xác định vị trí qua mạng WiFi, qua đó lựa chọn sử dụng thuật toán định vị trilateration, với phương pháp WLAN RSS Fingerprinting để xác định vị trí qua mạng WiFi. Với chức năng xác định vị trí khách hàng qua mạng wifi, sai số xác định vị trí là 3m – 5m.

Sản phẩm của đề tài đã được thử nghiệm thực tế tại doanh nghiệp và đã đáp ứng chỉ tiêu chất lượng chủ yếu so với đăng ký. Sản phẩm đáp ứng được xu hướng công nghệ và có triển vọng ứng dụng trong thực tế, cung cấp cho doanh nghiệp giải pháp Marketing mới trong hoạt động kinh doanh.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để có thể đưa sản phẩm ra thị trường, qua đó tiếp tục hoàn thiện, nghiên cứu thuật toán, cải tiến để nâng cao độ chính xác của chức năng xác định vị trí khách hàng qua mạng wifi nhằm cho sai số nhỏ hơn, nghiên cứu về công nghệ dữ liệu lớn hướng ứng dụng trong hệ thống, nâng cấp phiên bản sản phẩm nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của doanh nghiệp. Nhóm cũng mong muốn được tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu phát triển nâng cấp sản phẩm trong quá trình thương mại hóa sản phẩm.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13436/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)