Ngoài phát ban trên da, nhiều bệnh nhân chàm còn bị ngứa kinh niên. Tệ hơn nữa, thuốc kháng histamine, phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho chứng ngứa và dị ứng thường không giúp ích gì.
Nghiên cứu mới từ Trường Đại học Y khoa Washington ở St. Louis chỉ ra rằng các chất gây dị ứng trong môi trường thường là nguyên nhân gây ra những đợt ngứa cấp tính ở bệnh nhân chàm và ngứa thường không phản ứng với thuốc kháng histamine vì tín hiệu ngứa được chuyển đến não.
Phát hiện này đưa ra mục tiêu và chiến lược mới khả thi để giúp bệnh nhân chàm đối phó với những đợt ngứa cấp tính, nghiêm trọng. Con đường gây ngứa điển hình ở bệnh nhân eczema liên quan đến tế bào trên da bị kích hoạt và sau đó giải phóng histamine, chất này có thể bị ức chế bằng thuốc kháng histamine. Nhưng với cơn ngứa cấp tính này, một loại tế bào khác trong máu sẽ truyền tín hiệu ngứa đến các dây thần kinh. Những tế bào đó sản xuất quá nhiều chất không phải histamine khác gây ngứa. Do đó, thuốc kháng histamine không hoạt động theo các tín hiệu như vậy.
Ông Kim – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ngứa & Rối loạn Cảm giác cho biết: “Chúng tôi đã xem xét tình trạng ngứa cấp tính ở bệnh chàm với các phản ứng dị ứng do một quần thể tế bào hoàn toàn khác lây truyền. Ở những bệnh nhân bị ngứa cấp tính, cơ thể của họ phản ứng giống như ở những người bị dị ứng cấp tính. Nếu chúng ta có thể ngăn chặn con đường này bằng thuốc, sẽ mang đến chiến lược điều trị không chỉ ngứa mà còn các vấn đề khác, bao gồm cả sốt hoa cỏ và hen suyễn”.
Sốt hoa cỏ (Fever) là một rối loạn dị ứng đặc trưng bởi phản ứng miễn dịch phóng đại với các tác nhân môi trường. Ví dụ phổ biến bao gồm phấn hoa, có dại và mèo.
Trong những năm gần đây, có một số nghiên cứu lâm sàng đã thử nghiệm các mô hình liên quan đến việc ngăn chặn Immunoglobulin E (IgE), là chất do hệ thống miễn dịch tạo ra để phản ứng với chất gây dị ứng. Bệnh nhân bị dị ứng tạo ra IgE, gây ra phản ứng dị ứng, nhưng vai trò của nó đối với ngứa vẫn chưa rõ ràng. Xem xét dữ liệu từ các nghiên cứu lâm sàng về nhiều loại thuốc nhằm điều trị ngứa mãn tính, nhóm nghiên cứu nhận thấy mô hình mà bệnh nhân báo cáo về các đợt ngứa cấp tính, thường là sau khi tiếp xúc với một số chất gây dị ứng trong môi trường. Họ phát hiện ra những bệnh nhân chàm tạo ra IgE để phản ứng với các chất gây dị ứng trong môi trường có nhiều khả năng bị các đợt ngứa cấp tính nặng hơn.
Ông Kim giải thích: “Các chất gây dị ứng trong môi trường thực sự thúc đẩy loại ngứa này. Giả sử một bệnh nhân mắc bệnh chàm đến nơi có nuôi mèo, thì cơn ngứa của người đó trở nên dữ dội. Có khả năng lông mèo đang kích hoạt IgE và IgE đang kích hoạt cơn ngứa”.
Nhóm của Kim đã đưa những quan sát này đến phòng thí nghiệm, nơi tạo ra mô hình chuột bị chàm. Họ thấy khi chuột tạo ra IgE, chúng bắt đầu ngứa. Nhưng không giống như các tín hiệu ngứa bình thường, trong đó một số tế bào trong da được gọi là tế bào mast giải phóng histamine, IgE ở chuột bị chàm kích hoạt một loại tế bào bạch cầu gọi là basophil. Sau đó, những tế bào đó đã kích hoạt nhóm tế bào thần kinh hoàn toàn khác với các tế bào mang tín hiệu ngứa phản ứng với thuốc kháng histamine.
Ngứa cấp tính ở bệnh chàm có liên quan đến việc tiếp xúc với các chất gây dị ứng có thể giúp họ tránh những thứ khiến họ ngứa dữ dội, bao gồm động vật, bụi, nấm mốc hoặc một số loại thực phẩm. Kết quả nghiên cứu đã mang đến cho những công ty dược phẩm nhiều mục tiêu mới để điều trị ngứa ở bệnh nhân chàm, bao gồm protein và phân tử đã xác định được dọc theo con đường miễn dịch thần kinh.
Đ.T.V (NASATI) theo https://medicalxpress.com/news/2021-01-acute-eczema-patients-linked-environmental.html, 15/01/2021