Thông qua ứng dụng “đặt hàng cháu cưng”, các cụ ông, cụ bà có thể bớt sự buồn tẻ nhờ được trò chuyện, ăn uống và đi dạo cùng nhau.

 

Ứng dụng Join Papa, hoạt động tương tự như Uber, Grab cho taxi hoặc Swiggy cho thực phẩm. Khi một cụ già đặt ứng dụng, “cháu cưng theo yêu cầu” sẽ xuất hiện và thực hiện theo các dịch vụ đã chọn sẵn trong một khoảng thời gian cụ thể, với mức phí tương ứng.

Những người cháu đăng ký hoạt động dịch vụ này được gọi là “Pal”, ở nhiều độ tuổi nhưng thường là sinh viên đại học. Thông qua ứng dụng Papa, họ có thể giúp đỡ người già bằng cách trò chuyện, giặt ủi, nấu ăn, chăm sóc thú cưng của họ.

Chi phí để sử dụng ứng dụng này là 17 USD/giờ. Người dùng cần trả thềm 30 USD/mỗi tháng nếu muốn chọn cố định một người cháu.

Bất cứ ai đăng ký để trở thành một “Pal” đều phải thông qua các bài kiểm tra. Những sinh viên đang theo học chuyên ngành xã hội hoặc chăm sóc sức khỏe được ưu tiên hơn.

Andrew Parker, chủ nhân Join Papa, cho biết anh phát triển ứng dụng khi nhận ra mình không thể dành thời gian cho ông nội. Doanh nhân 30 tuổi đã cố gắng tìm người trợ giúp cho ông nội bằng một bài đăng trên Facebook và tìm thấy một sinh viên đại học có thể giúp đỡ.

Sau đó, Andrew suy nghĩ đến việc có rất nhiều người già như ông mình cần sự giúp đỡ và nhanh chóng phát triển ứng dụng này. Cho đến nay Join Papa nhận được sự đánh giá tích cực của rất nhiều người già và cả người trẻ – những người con quá bận rộn công việc hoặc ở xa không thể chăm sóc cha mẹ.

Bên cạnh ứng dụng Join Papa, có “cháu cưng” là người thật, một ứng dụng “cháu cưng robot” khác là ElliQ (sản phẩm của Intuition Robotics) cũng rất được quan tâm. Về cơ bản, ElliQ là một máy tính bảng kèm một chiếc loa phát âm thanh và có thể biểu thị lắc đầu, nghiêng đầu như thể đang tham gia vào một cuộc trò chuyện thực sự.

Khi ElliQ trả lời một câu hỏi hoặc đưa ra lời nhắc nhở cho người dùng, đèn LED sẽ sáng lên cùng với giọng nói của cô ấy. Camera trên máy tính bảng cũng cho phép người dùng trò chuyện video với bạn bè và gia đình của họ.

Một robot ElliQ có giá là 1.500 USD, hiện chưa tung ra thị trường nhưng người dùng có thể đặt hàng trước và dự kiến nhận sản phẩm vào cuối năm nay.

Người dùng cũng phải trả thêm 35-60 USD mỗi tháng phụ thuộc vào các gói dịch vụ họ chọn, như trả lời câu hỏi, nhắc nhở người dùng uống thuốc, gửi nhận văn bản, gọi video, chơi game.

Minh Hải – Báo Tuổi trẻ